Ngày 30/11, Hanoi Cinematheque sẽ chiếu buổi cuối cùng, bởi rạp chiếu phim này cùng khu quần thể kiến trúc phong cách art décor gần đó sẽ bị phá dỡ. Thêm một địa chỉ văn hóa của Hà Nội lại ra đi...
14 năm trước, một rạp chiếu bóng nhỏ xinh nhưng đạt tiêu chuẩn quốc tế với tên gọi Hanoi Cinematheque xuất hiện trong khu 22A Hai Bà Trưng.
Bên cây hoàng lan cổ thụ, nằm khá sâu trong một cái ngõ đậm chất Hà Nội, rạp có 89 ghế ngồi, chỉ chiếu những bộ phim kinh điển của thế giới và Việt Nam theo các chủ đề khác nhau.
Với nhiều người, đó thực sự là một “rạp chiếu bóng thiên đường”, như tên bộ phim kinh điển của Ý.
Bên ngoài Hanoi Cinematheque (Ảnh: tư liệu)
Tình yêu của ông Gerry
Gerald Herman là một người Mỹ, lớn lên ở vùng ngoại ô New York, một người đam mê điện ảnh đến cuồng si và là một bộ từ điển sống về nghệ thuật thứ bảy.
Từng được đào tạo tại trường điện ảnh danh tiếng NYU, dưới sự hướng dẫn của một trong những đạo diễn Mỹ lớn là Martin Scorsese, Gerald đã từng đến Hollywood làm việc, nhưng ông từ bỏ tất cả để đến Việt Nam vào năm 1992 và quyết định chọn Hà Nội làm quê hương thứ hai của mình.
Năm 2002, ông quyết định thành lập Hanoi Cinematheque ngay giữa trung tâm Hà Nội, với mong muốn được giáo dục và truyền cảm hứng cho những nhà làm phim Việt Nam trẻ tuổi, bởi như ông nói: “Điện ảnh luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam”.
Kho phim khổng lồ của ông lên tới 3.500 bộ phim được chọn lọc để chiếu theo các tuần phim chủ đề khác nhau.
Ông Gerald Herman (thường được gọi là Gerry), chủ nhân của rạp Hanoi Cinematheque (Ảnh: Screen-Space)
Người viết đã có cơ hội xem những bộ phim điện ảnh tuyệt vời nhất, khi lần lượt được thưởng thức các tuần phim làn sóng mới của Pháp; tân hiện thực của Ý; tuần phim của các huyền thoại điện ảnh Nhật như Ozu hay Kurosawa; tuần phim chiến tranh Việt Nam; thậm chí là các bộ phim của những nền điện ảnh xa ngái như Nam Mỹ, châu Phi hay những tên tuổi lớn của thế giới nhưng vẫn còn ít được biết đến ở Việt Nam.
Gerald cũng dành tình yêu của mình cho nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam.
Ông bỏ tiền túi mua bản quyền nhiều bộ phim mang sang Singapore chuyển thành DVD chất lượng cao, trong đó có Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh; Gánh xiếc rong của Việt Linh và 10 tập phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, với mong muốn được lưu giữ những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam và giới thiệu đến khán giả quốc tế.
Những đĩa DVD có bản quyền và được in rất đẹp này nhanh chóng bị in lậu khiến ông bị lỗ vốn khá nhiều. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết Gerald còn dành tặng nhiều DVD phim Việt Nam do ông sản xuất cho các giám khảo liên hoan phim quốc tế như một cách để giới thiệu và quảng bá phim Việt.
Không chỉ chiếu các tuần phim chủ đề khác nhau (Hanoi Cinematheque không bán vé mà hoạt động nhờ sự đóng góp tự nguyện của khán giả và sự hỗ trợ của một vài trung tâm văn hóa và đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam), Gerald Herman còn tổ chức nhiều buổi chiếu phim kết hợp gặp gỡ các đạo diễn để trò chuyện, thảo luận cho khán giả trẻ, đặc biệt là những người làm phim.
Ông đã làm cầu nối để mời nhiều tên tuổi đạo diễn nổi tiếng quốc tế và trong nước đến chiếu phim và giao lưu tại đây như Philip Noyce, Ira Sachs, John Cameron Mitchell, Todd Solondz, Tim Zinnemann, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Vinh Sơn...
Gerald Herman thi thoảng cũng phát triển sự nghiệp đạo diễn và sản xuất phim, lĩnh vực ông được đào tạo bài bản, với bộ phim ngắn được khen ngợi do ông đạo diễn A dream in Hanoi (2009) và viết kịch bản, sản xuất Finding Phong, một bộ phim tài liệu về người chuyển giới trong xã hội hiện đại Việt Nam, đoạt một số giải thưởng quốc tế.
Nhưng tất cả những niềm đam mê, tình yêu và cảm hứng điện ảnh của Gerald Herman đã chuẩn bị khép lại vĩnh viễn vào ngày 30/11/2016. Một địa chỉ văn hóa thanh lịch và quyến rũ như Hanoi Cinematheque, khu khách sạn nghệ sĩ gần đó, nơi lưu dấu kỷ niệm của nhiều người Hà Nội và người nước ngoài sẽ biến mất.
Một buổi chiếu phim ở Hanoi Cinematheque (Ảnh: Cần Khánh Linh)
Những lời thương tiếc dành cho thiên đường sắp mất
Hanoi Cinematheque và khu 22A Hai Bà Trưng sắp biến mất trước cơn lốc đô thị hóa.
Một khán giả nước ngoài viết rằng: “Chúng tôi gọi Hanoi Cinematheque là thứ đẹp nhất ở Hà Nội”.
Jane Worrall, một khán giả quốc tế khác, từng sống ở Hà Nội 12 tháng, chia sẻ rằng cô đến xem phim ở đây ít nhất là ba lần mỗi tuần trong suốt thời gian này.
Cô gọi đây là “một mất mát lớn và không thể tin rằng nó bị phá bỏ và được thay thế bởi một trung tâm thương mại. Rất nhiều tình yêu, cá tính và tâm hồn của Hà Nội bị phá hủy”.
Một nhóm fan điện ảnh, cả người Việt Nam và quốc tế tổ chức một chiến dịch “mourning - thương tiếc” trên mạng xã hội với lời kêu gọi:
“Nếu bạn đang buồn phiền bởi dự án này, xin vui lòng sử dụng hình ảnh dưới đây làm ảnh đại diện cho trang Facebook của bạn cho tới ngày 30-11. Và hãy mời tất cả bạn bè của bạn làm như vậy, như lời kêu gọi cho một chính sách phát triển đô thị thân thiện và nhạy cảm hơn với văn hóa, vì thành phố tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều yêu quý”.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng viết chia sẻ trên Facebook cá nhân của anh:
“Tôi vẫn thường gọi ông là Gerry, một người tôi hết sức quý mến. Tôi biết Hanoi Cinematheque là tâm nguyện lớn nhất của đời ông, với mong muốn đem kiến thức điện ảnh đến cho công chúng và người làm phim Việt Nam qua những tác phẩm điện ảnh cổ điển của thế giới.
Bao nhiêu năm ông sống xa quê hương, gia đình, dồn hết công sức để chăm chút xây dựng nó với biết bao khó khăn. Thôi thì ông cũng đã cố hết sức rồi, Gerry. Tôi cảm phục và biết ơn ông. Và xin chia buồn với những người yêu mến điện ảnh”.
Người viết cũng xin nói lời vĩnh biệt với một trong những nơi lưu giữ nhiều ký ức của mình trong những năm tháng sống tại Hà Nội.
Vĩnh biệt cây hoàng lan và rạp chiếu bóng thiên đường!Vào năm 2002, khi những rạp chiếu bóng nhà nước ngày càng xuống cấp và thưa vắng khán giả, những rạp chiếu hiện đại chưa xuất hiện hoặc chỉ rải rác vài rạp, thì Hanoi Cinematheque của ông Gerald Herman khiến giới đam mê nghệ thuật thứ bảy như thỏa cơn khát và được truyền cảm hứng điện ảnh. Nằm ngay trong khuôn viên yên tĩnh, với những tòa nhà cũ kỹ mang kiến trúc thời Pháp của khu trung tâm Hà Nội, bên ngoài rạp chiếu phim còn có một cây hoa hoàng lan cổ thụ tỏa bóng ban ngày hoặc tỏa hương thơm ngát những đêm mùa thu. Thoát khỏi con phố luôn đông đúc và ồn ào bên ngoài để bước vào khuôn viên của rạp chiếu phim này như bước vào một thế giới khác hẳn, với những điều bí ẩn và những cảm xúc mạnh mẽ nhất luôn chờ đợi sau mỗi bộ phim. Sau khi thưởng thức một kiệt tác điện ảnh và vẫn còn ngất ngây vì phim, thì mùi hương hoàng lan như “đánh thêm một đòn nữa” vào khứu giác khiến cảm giác lâng lâng không chịu rời, ngay cả khi đã lên xe máy để chạy một quãng đường dài về nhà - đó là một trong những trải nghiệm sâu đậm nhất của người viết về rạp chiếu bóng thiên đường này. |
Lê Hồng Lâm
(Tuổi Trẻ)
- Cái giá phải trả cho chỉ định thầu
- Nhịp điệu của bất an
- Cảm thức về nơi chốn
- Hình ảnh Sa Pa yên bình bỗng chốc hóa ngổn ngang
- Hà Nội: Tràn lan kiểu nhà “chuồng chim” trên tuyến đường “cong mềm mại”
- Phố cổ Hội An mới phòng cháy... trên giấy
- Du lịch và cáp treo
- Muốn xanh, phải xanh từ chất xám và thái độ
- Nếu chợ Bình Tây không còn là 'chợ'…
- Nhiều bộ ngành không chịu giao trụ sở cũ cho Hà Nội