"Công viên cây xanh, khu vui chơi trẻ em đã thiếu, sao họ có thể đòi xẻ để làm bãi đỗ xe và nhà hàng tiệc cưới", anh T.Dũng, cư dân phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, bức xúc.
Cũng như anh Dũng, hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị phản đối dự án xén một phần đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm và các công trình thương mại do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất.
Họ cho rằng việc xén đất công viên để làm bãi đỗ xe là không căn cứ vào nhu cầu thực tế khi các tòa nhà đều có sẵn nhiều hầm lẫn bãi đỗ nổi. Hơn nữa, việc thay đổi quy hoạch, xây dựng thêm các công trình hạ tầng, thương mại dịch vụ sẽ làm phá vỡ cảnh quan “lá phổi xanh” của quận Cầu Giấy.
Xin xén 1,45 ha đất công viên
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ mới đây đã có đề xuất UBND TP. Hà Nội dự án bãi đỗ xe ngầm tại một phần đông bắc Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Doanh nghiệp này xin xén 1,45 ha (trên tổng diện tích 10 ha) của một trong 3 công viên của quận Cầu Giấy.
Vị trí xây dựng nằm ở phía bắc công viên, giáp đường Thành Thái (rộng 30 m), phía tây giáp cổng chính, phía đông là mặt đường ven công viên (rộng 17,5 m).
Phần diện tích mà chủ đầu tư xin xén công viên Cầu Giấy đi làm bãi đỗ xe. (Ảnh: S. N.)
Mục đích là xây dựng bãi đỗ xe kết hợp với trung tâm thương mại, dịch vụ. Bãi đỗ xe ngầm này được đề xuất xây 3 hầm ngầm. Hai hầm dưới cùng dự kiến có diện tích 24.000 m2 và dự kiến làm chỗ đỗ cho khoảng 874 xe ôtô.
Hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại. Trong đó xây dựng rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao gyms, trung tâm thương mại…
Trên mặt đất, chủ đầu tư cho biết sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã xén đi.
Chủ đầu tư cho rằng các chung cư xung quanh dự án đang thiếu chỗ đỗ xe. Cụ thể các tòa nhà chung cư N01B1 - B2, N06B1 - B2, N08, N010, Vinaconex B - C - D… các hầm có sức chứa 477 xe, còn 682 chỗ đỗ khác phải gửi xe trực tiếp trên vỉa hè. Với 6.000 hộ dẫn xung quanh, chủ đầu tư cho rằng sẽ thiếu chỗ đỗ trong tương lai.
Chưa kể nhu cầu đỗ xe của các cơ quan, trường học, văn phòng… (nhu cầu khoảng 500 chỗ đỗ).
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đồng ý
Ban đầu, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ được UBND TP. Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên (đang bị bỏ hoang tại phường Yên Hòa). Tuy nhiên, công ty này cho biết địa chất tại đó yếu nên phải xử lý phức tạp, lại có 60 hộ dân phản đối nên chuyển sang xin đất tại Công viên Cầu Giấy.
Doanh nghiệp này đã đề xuất với Sở KH&ĐT triển khai dự án mới. Sở KH&ĐT Hà Nội dẫn ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết quy hoạch phân khu khu đô thị H2-2 (công viên Cầu Giấy), tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2015. Ô đất định xén đi có quy hoạch là đất cây xanh đô thị. Trong bán kính 500 từ lô đất làm công viên, quy hoạch cũng đề xuất nghiên cứu 3 bãi đỗ xe tập trung diện tích khoảng 4.000 m2 phục vụ khu đô thị Dịch Vọng.
Sở này cũng cho biết trong quy hoạch, khu đất cây xanh đô thị có đề cập đến công trình thương mại, dịch vụ (quy mô nhỏ) và được khuyến khích phát triển bãi đỗ xe ngầm, trên đó khai thác công viên cây xanh.
Phần bãi đỗ xe trên bản đồ điều chỉnh quy hoạch. Khu vực lân cận có nhiều khu đất cũng được quy hoạch làm bãi đỗ xe (ký hiệu P). (Ảnh: Hiếu Công)
Sở KH&ĐT Hà Nội kết luận đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ là phù hợp.
Về chủ trương giao cho Công ty Tây Hồ làm bãi đỗ xe, Sở KH&ĐT không giải thích gì thêm, chỉ dẫn ra thông báo 269 ngày 19/3/2018 của UBND TP. Hà Nội đồng ý chủ trương giao doanh nghiệp này làm 5 bãi đỗ xe ngầm tại quận Thanh Xuân và Cầu Giấy. Chủ trương được đồng ý sau khi doanh nghiệp này đề xuất với chính quyền Hà Nội.
Ngày 18/10/2018, UBND TP. Hà Nội đã nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc Tây Hồ xin chuyển làm bãi đỗ xe từ Trung Yên về Công viên Cầu Giấy.
Theo thông báo kết luận, lãnh đạo Hà Nội đã thống nhất về chủ trương với đề xuất của Sở KH&ĐT và giao Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ nghiên cứu đề xuất dự án.
Trong đó Hà Nội yêu cầu phần mặt đất trên của hầm đỗ xe phải đảm bảo lớp đất hữu cơ đủ dày để cây xanh phát triển bền vững, bao gồm cả cây có đường kính lớn. Chủ đầu tư phải hoàn trả cây xanh cho công viên sau khi xén đất.
Người dân phản đối
Ngay sau khi được lấy ý kiến về dự án tại phường Dịch Vọng, người dân tại đây đã bày tỏ thái độ phản đối. Hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ ra điểm bất hợp lý chủ dự án.
Người dân cho rằng các chung cư tại đây đều phân lô thấp tầng và đầy đủ chỗ đỗ xe, không như chủ đầu tư nói là thiếu. Mỗi chung cư đền có 1-3 tầng hầm, hoàn toàn đảm bảo chỗ đỗ.
Ngoài ra, tại đây cũng mới khánh thành một bãi đỗ xe nổi 5 tầng sau nhà N09B1, cách công viên 100 m.
Người dân cũng chỉ ra điểm bất hợp lý là trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện tại chưa được xây dựng. Thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Như vậy, không có lý do gì phải xén đất công viên đi để xây dựng bãi đỗ xe ngầm, trong khi đất quy hoạch không được xây dựng.
Ban đầu Công ty Tây Hồ định xây bãi đỗ xe ở Công viên Trung Yên, sau đó bị người dân phản đối nên về xin đất tại Công viên Cầu Giấy. Ảnh: A. T.
Ngoài ra, bên ngoài công viên cũng có nhiều lô đất được giao rồi nhưng dự án triển khai chậm nhiều năm. Những lô đất đó được xây dựng sân tennis, quán bia, sân bóng đá mini. Người dân đặt câu hỏi tại sao thành phố không thu hồi dự án chậm để làm bãi đỗ xe, mà lại phải xén đất công viên?
Người dân cũng cho rằng việc xén đất làm công viên làn ảnh hưởng đến “lá phổi xanh” của cả khu vực, trong khi quy hoạch đã được hoàn chỉnh. Phương án trồng cây xanh trên bề mặt của chủ đầu tư là sơ sài, chủ yếu là cây bụi. Việc xây dựng chỗ đỗ cho gần 900 ôtô ra vào cũng tạo ra lượng tiếng ồn, khói bụi đáng kể cho công viên, các trường học lân cận và người dân xung quanh.
Về các công trình khác ngoài bãi đỗ xe, người dân cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng một nhà điều hành “bề thế”, diện tích 725 m2 và cao 9 m trong khi chủ đầu tư quảng cáo công nghệ hiện đại cho bãi đỗ xe. Trong bán kính 2 km xung quanh công viên cũng rất phát triển dịch vụ, với nhiều trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, phòng gyms, trung tâm tiệc cưới… Do đó tại đây không có nhu cầu phát triển dịch vụ.
Quá trình thực hiện dự án, người dân cũng tố chủ đầu tư mập mờ trong việc lấy ý kiến. Điển hình như lấy ý kiến người dân sống xa công viên, không ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Hay việc không lấy ý kiến rộng rãi, chỉ lấy ý kiến các ban ngành, đoàn thể, mà bỏ quên ban quản trị tòa nhà.
Anh Quang Huy, đại diện cư dân khu vực Dịch Vọng, cho biết từ những điểm bất hợp lý, người dân mong muốn không triển khai dự án, tránh phá vỡ quy hoạch và cảnh quan công viên Cầu Giấy.
Vị trí Công viên Cầu Giấy. (Ảnh: Google Maps)
Hiếu Công
(Zing.vn)
- Tranh chấp phí bảo trì chung cư: Sửa Luật Nhà ở để hạn chế tranh chấp
- Bắc Ninh: Thêm 32 dự án FDI đăng ký đầu tư mới
- TPHCM gần 4 năm chưa làm xong 2,7km đường Vành đai 2
- Bộ GTVT: giao AVC xây dựng nhà ga T3 để thúc đẩy tiến độ
- Nhà đầu tư ngoại lại muốn đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP
- Trung tâm Đà Lạt: Sẽ dỡ bỏ rạp Hoà Bình, di dời dinh tỉnh trưởng
- Lãi suất vay mua nhà ở xã hội tăng lên 5%
- Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa: 5 nhà đầu tư sẵn sàng tham gia
- Hiệp hội Bất động sản TPHCM muốn có luật chung cư
- TPHCM nỗ lực giải cứu, "đất vàng" có tìm được nhà đầu tư?