Ashui.com

Saturday
Dec 07th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hiệp hội Bất động sản TPHCM muốn có luật chung cư

Hiệp hội Bất động sản TPHCM muốn có luật chung cư

Viết email In

Trước việc tồn tại nhiều tranh chấp trong quản lý vận hành chung cư, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ xây dựng Luật chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm sắp tới.

Trong văn bản số 19/CV ngày 6/3 của HoREA gửi đến Chính phủ và Bộ Xây dựng, HoREA nhận định tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư đang gia tăng. Đặc biệt là việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đang tồn tại nhiều vướng mắc.


Một chung cư tại quận Thủ Đức, TPHCM
(Ảnh: Lê Anh)

Trong đó, nhiều chung cư chỉ quy định 1 người trong ban quản trị làm chủ tài khoản, có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân. Riêng về kinh phí bảo trì, một số chung cư được thực hiện trong giai đoạn Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, vì luật quy định không rõ như Luật Nhà ở 2014, dẫn đến tranh chấp khi người mua nhà cho rằng đã nộp phí bảo trì khi ký hợp đồng mua nhà, trong lúc chủ đầu tư cho rằng chưa thu phí bảo trì này.

Khi cơ quan nhà nước, kiểm tra xử phạt vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra và ra quyết định xử phạt thì trách nhiệm nộp phạt, nguồn tiền nộp phạt chưa được xác định rõ, vì ban quản trị chung cư chỉ quản lý quỹ bảo trì hoặc quỹ quản lý, vận hành chung cư.

Ngoài ra, có hiện tượng phần tử bên ngoài tìm cách chui vào ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân, với thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất, vận động để được bầu làm trưởng ban quản trị, sau đó thực hiện hành vi trục lợi, có cả trường hợp bán lại căn hộ chung cư mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí trưởng ban quản trị sau khi đã trục lợi xong.

Do còn nhiều bất cập nên HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng dùng biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị. Để ban quản trị có tư cách pháp nhân, HoREA kiến nghị Bộ Công an thực hiện cấp con dấu cho ban quản trị chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014, tạo điều kiện cho ban quản trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
       
Trong các thông tư cần quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ hai (2) người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi. Một đề xuất rất quan trọng mà HoREA cho rằng, cần phải có quy định buộc đơn vị quản lý, vận hành chung cư chứng minh năng lực tài chính vì có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra các sự cố như cháy lớn, tai nạn xảy ra...
       
Đồng thời, cần có cơ chế xử lý trường hợp bị phạt do vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc vi phạm phòng cháy chữa cháy vì Ban quản trị chung cư chỉ quản lý quỹ bảo trì hoặc quỹ quản lý, vận hành chung cư mà đây lại là tài sản của các chủ sở hữu chung cư.

Vấn đề quan trọng nhất mà HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng là xem xét đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm sắp tới.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 4256 khách Trực tuyến

Quảng cáo