Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Góc nhìn Đánh đổi nghìn năm lấy lời hứa "rút kinh nghiệm"

Đánh đổi nghìn năm lấy lời hứa "rút kinh nghiệm"

Viết email In

Gác khánh, nhà tổ - hai hạng mục tuyệt đẹp của di tích quốc gia chùa Trăm Gian - bị dỡ trắng, xây mới 100%, thêm một lần gây công phẫn trong dư luận và sự nháo nhác trong cơ quan hữu trách. 

Xin lỗi, rút kinh nghiệm, thanh minh, ngụy biện hoặc thờ ơ chán nản không thèm lên tiếng... 

Tất cả những cảm xúc đó ra đời để tiếc thương kho di sản bị lấy đi một cách vô lý và trắng trợn nhất ư? Chưa đủ. Người ta rút kinh nghiệm với mong muốn là lần sau sẽ làm tốt hơn để cái sai hôm nay không tái diễn. Liệu Hà Nội và ngành văn hóa có biến đau thương của chùa Trăm Gian hôm nay thành hành động để cứu các di sản văn hóa khác được không?  


Gác chuông ở cổng chùa Trăm Gian còn giữ nguyên vẻ cổ kính
 (Ảnh: Quân Anh) 

Có người bảo, phải chờ xem. Riêng người viết bài này có thể trả lời luôn. Tôi không tin họ làm được điều đó. Là bởi vì, tôi đã phát hiện quá nhiều vụ việc, tố cáo lên báo rồi lại nghe họ rút kinh nghiệm rất rất nhiều rồi. Mỗi kinh nghiệm trước đây đều trả giá bằng sự tàn sát di sản, sự bi thương thảm khốc của các di sản “chết đứng” vô lý nhất. 

Ta cùng nhớ lại những vụ nổi cộm trên các báo Lao Động, Tuổi Trẻ, Dân Trí... rất gần đây. Mà tôi chỉ kể loanh quanh trong địa hạt Hà Nội thôi cho nó dễ nổi bật vấn đề. Làng Việt cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), là ngôi làng đầu tiên của Việt Nam được công nhận di tích quốc gia. Người dân bao đời vẫn xây nhà sinh sống, lúc họ xây nhà mới thì chính quyền không có biện pháp hữu hiệu “góp ý”, để đến hàng trăm triệu của người ta, tiền cả đời tích cóp của đại gia đình người ta đầu tư vào ngôi nhà xong, thì chính quyền đến phá dỡ. Phá với lý do bảo tồn làng cổ. 

Người ta bán vé, thu đủ thứ tiền kinh doanh du lịch làng cổ, song tiền đó lại không cho người dân hưởng lợi, trừ vài gia đình có nhà cổ. Tiền đó được ban quản lý trả lời là để nuôi lực lượng... thu vé! Thế là nhiều bà con giương cao khẩu hiệu trả danh hiệu làng cổ cho Nhà nước (báo Tuổi Trẻ viết). 

Cạnh đó, thành cổ Sơn Tây bị người ta quyết tâm làm cho “thất thủ” bởi các dự án kinh khủng, đập phá hết rêu phong để tống vôi vữa ximăng vào (Báo Lao Động từng viết). Từ năm 1994, tòa thành mấy trăm năm tuổi, tòa thành nguyên vẹn nhất Việt Nam đã bị một dự án xuẩn ngốc phá tan phom cổng cổ trùm phủ cây cổ thụ từng đậm in trong ký ức hàng triệu người biết đến Sơn Tây. Tiếp đó, họ phá tường thành cũ xây mới. Đòi phá nốt mấy cái cổng thành cổ. Bóc đá ong, bóc cây cổ thụ, xây đá ong mới cao vút. Dĩ nhiên, thành cũ đã “thất thủ” bởi dự án này. 

Có thể kể đến vô số dự án làm mới di tích, phá vỡ không gian cổ kính của di tích quốc gia, ngay trên đất Hà Nội nữa. Tôi nhấn mạnh là tòan di tích quý. Đó là: Đền Và, đình Mông Phụ (Sơn Tây), đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng (Ba Vì)... Vì sao như vậy? Ai cũng biết, chúng ta đang có một “hệ thống người” chuyên lập dự án, vẽ ra công trình, xin kinh phí và thi công làm mới những “phần việc” kia để kiếm lời, kiếm lộc. Họ làm đường, họ đào đất “chấm mút” thì đã tai hại lắm rồi. Nhưng họ nghĩ ra kế hoạch “diệt trừ” di tích thì man rợ quá. 

Và bây giờ là chùa Trăm Gian thảm thiết kêu cứu! 

Phạm Thị Thảo Giang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo