Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: Phía Đông chuyển mình

TPHCM: Phía Đông chuyển mình

Viết email In

Nhiều năm qua, TPHCM đầu tư xây dựng hàng loạt công trình cầu đường nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Cầu Sài Gòn 2 được TP xác định là dự án cấp bách, cần nhanh chóng triển khai đưa vào khai thác nhằm chia sẻ áp lực giao thông đang đè nặng lên cầu Sài Gòn hiện hữu.  

Diện mạo mới 

Ai đã từng lưu thông trên tuyến xa lộ Hà Nội cách đây vài năm và nay đi lại ắt sẽ trầm trồ với sự đổi thay mạnh mẽ của trục lộ này. Đường đã được mở rộng hơn gấp nhiều lần so với trước đây, những mảng xanh thay dần cảnh bụi bặm hai bên đường. Là tuyến cửa ngõ phía Đông TPHCM, vị trí quan trọng trong việc kết nối giao thông với các tỉnh miền Đông Nam bộ, những năm qua, TP xác định đây là công trình trọng điểm, cần phải tập trung mở rộng nâng cấp và phát triển tuyến đường này. 

  • Ảnh bên: Phối cảnh cầu Sài Gòn 2. 

Hiện nay, dù có đoạn chưa hoàn chỉnh nhưng dọc tuyến đường có thể thấy rõ diện mạo thay đổi, nhất là khu vực từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức. Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông giảm đáng kể, phương tiện lưu thông thông thoáng hơn rất nhiều. Góp phần cho tuyến đường hiện đại hơn nhờ công trình cầu vượt Cát Lái, cầu Rạch Chiếc đã giải quyết dứt điểm tình trạng xe cộ lưu thông nhiều hướng rất phức tạp tại khu vực này. 

Thêm vào đó, đường được mở rộng với 16 làn xe riêng biệt. Ngoài việc mở rộng đường, các công trình khác không kém phần quan trọng như lắp đặt giàn đèn hiện đại, góp phần tôn vinh vẻ đẹp tuyến cửa ngõ này. Hai bên đường, những thảm cỏ được cắt tỉa tạo mảng xanh mềm mại. Một diện mạo mới bắt đầu bừng lên ở cửa ngõ phía Đông. 

Tháo nút thắt 

Với việc mở rộng xa lộ Hà Nội, cửa ngõ Đông Bắc TPHCM trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông và tai nạn trên tuyến đường này sẽ chưa đem lại hiệu quả nếu không có sự xuất hiện của cầu Sài Gòn 2. Ý thức được tầm quan trọng của cây cầu này, UBND TPHCM đã giao Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong tháng 4/2012. 

Theo ước tính của Sở GTVT, mỗi ngày cầu Sài Gòn “gánh” khoảng 40.000 lượt xe qua lại, một con số quá tải đối với cây cầu trọng điểm này. Việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đang đè nặng lên cầu Sài Gòn hiện hữu, nhất là sau khi xa lộ Hà Nội được mở rộng đến 153m. Hiện tại, cầu Sài Gòn chỉ đáp ứng được hơn 50% năng lực lưu thông. Cảnh kẹt xe, ùn tắc ở hai đầu cầu Sài Gòn thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. 

Cầu Sài Gòn nằm trên cửa ngõ từ TPHCM ra xa lộ Hà Nội đi về các tỉnh phía Bắc và miền Trung, xây dựng từ năm 1961 và được sửa chữa nâng cấp nhiều lần, hiện tại đã mở rộng lên 24m, tải trọng 25 tấn. Hiện nay, cầu Sài Gòn đã quá tải. Vì vậy, việc xây thêm cầu Sài Gòn 2 sẽ giúp người dân đi lại nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. 

Cầu Sài Gòn 2 hoàn thành sớm ngày nào tốt ngày đó, nhằm hỗ trợ cho cầu Sài Gòn hiện tại, điều quan trọng là góp phần giải tỏa lưu lượng giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc TP. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc đầu tư kinh doanh CII cho biết, cầu Sài Gòn 2 có thiết kế tương tự như cầu Sài Gòn hiện hữu. Thời gian hoàn thành dự kiến là 21 tháng. Hiện nay công trình đang được thi công đồng bộ cả hai đầu cầu. Khi xây dựng cầu Sài Gòn 2, CII cũng sẽ kết nối cây cầu này vào đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội bằng đường nối dài lần lượt 350m và 117m. 

Tổng vốn xây dựng dự án cầu Sài Gòn 2 là 1.495,52 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 1.070,90 tỷ đồng. Do không có đất “sạch” để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng nên UBND TP sẽ trả chậm cho CII toàn bộ vốn đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2 trong vòng 5 năm. 

Phần đường chui dưới cầu cũng được CII điều chỉnh phù hợp với cầu Sài Gòn hiện hữu, cầu Sài Gòn 2 và cầu cạn của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Sau khi cầu Sài Gòn 2 hoàn thành, Sở GTVT sẽ phân luồng giao thông một chiều ở cả cầu Sài Gòn và cầu Sài Gòn 2. Theo đó, cầu Sài Gòn 2 sẽ được dùng để đi từ trung tâm TP về quận Thủ Đức và cầu Sài Gòn hiện hữu sẽ được dùng để đi từ quận Thủ Đức vào trung tâm TP. 

Trong nhiều lần kiểm tra việc thi công dự án này, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, công trình xây dựng cầu Sài Gòn 2 sẽ góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Quốc Hùng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo