Ashui.com

Thursday
May 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Khi con đường dọc sông Sài Gòn được phác vẽ

Khi con đường dọc sông Sài Gòn được phác vẽ

Viết email In

Bao lần xuôi ngược trên dòng sông, khi thì ngược về phía thượng nguồn, lúc lại xuôi về ngã ba Lòng Tàu – Soài Rạp đổ ra biển Cần Giờ, sông Sài Gòn đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện đôi bờ…

Đó là những buổi chiều nắng nhạt, tôi với vài người bạn bước lên chiếc ca nô làm chuyến du hành dọc sông lên thượng nguồn. Bắt đầu từ bến Bạch Đằng ở quận 1, luồn qua những chiếc cầu bắc qua hai bờ địa phận của TPHCM ngược hướng lên Bình Dương. Sông mênh mang chảy, nhưng nhiều đoạn hai bên bờ không còn như xưa, con người đã khiến dung mạo của bờ sông lở lói, hoặc đôi chỗ bị lấn dòng hẹp lại.

Đi trên sông luôn có một cảm giác tuyệt vời. Gió lộng vào chân tóc, nước xé phía đuôi tàu, nhà cửa nhấp nhô từ ánh mắt dõi theo. Thỉnh thoảng, vài chiếc sà lan xuôi ngược, hoặc những chiếc ghe chất đầy lá dừa nước ngược lên mạn trên để bán. Một trong những lần như vậy, tôi đã ước mong sẽ có những con đường chạy song song cặp theo bờ sông, để dòng sông này càng chứng tỏ vẻ đẹp của thành phố đối với du khách. Đó sẽ là dấu ấn của thế kỷ mà có lẽ nhiều nhà quy hoạch đã từng mơ, từng nghĩ đến.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, một kế hoạch như thế đã được lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh họp bàn để triển khai. Con đường dài 130 ki lô mét kết nối từ quận 7 – TPHCM lên đến Bến Củi – Tây Ninh đang được rà soát, phác vẽ những dung mạo ban đầu, có thể nói là một bước đi rất táo bạo và dài hơi. Đó không chỉ là một tuyến đường đơn lẻ mà nó chứng tỏ sức mạnh của sự kết hợp liên vùng cần thiết phải có khi muốn đưa lợi thế của sông Sài Gòn đóng góp vào sự phát triển của vùng Đông Nam bộ!

Khi đọc thông tin về dự án này, tôi cùng bạn bè, đồng nghiệp đã hào hứng bàn bạc và ai cũng cảm thấy rất vui. Bởi đã bao chiều, bao tối cùng nhau ngồi trên bờ sông Sài Gòn nhìn ra sông nước mênh mang, chúng tôi hình dung và mang mong ước giống như gần 30 năm trước: đôi bờ kênh Nhiêu Lộc chảy giữa lòng thành phố sẽ có hai con đường chạy song song. Và sau đó, câu chuyện như vậy đã thành hiện thực!

Việc rà soát, cải tạo và quyết tâm quy hoạch những con đường dọc sông bao giờ cũng là một bài toán rất nan giải. Nhiều năm qua, biết bao dự án đã “nhào” ra bờ sông, lấy tiêu chí “river side” (ven sông) để quảng bá ưu thế của dự án, nhưng chỉ để cho một nhóm nhỏ người được thụ hưởng, giữa một đô thị phát triển bộn bề nhộn nhịp. Vì vậy, sự mâu thuẫn lợi ích riêng – chung tất yếu sẽ xảy ra khi các nhà quy hoạch vẽ con đường dọc sông. Cuộc đấu tranh ấy, nếu quyết tâm giành được lợi ích cho phần lớn cộng đồng, sẽ là một dấu mốc thuận lợi cho việc triển khai dự án.

Ý nghĩ miên man nhưng trong lòng tôi luôn có một niềm tin rằng dù tương lai gần, hay xa, thì con đường chạy dọc sông mà các chuyên gia bắt tay phác vẽ hôm nay rồi sẽ thành hiện thực. Đó sẽ là con đường “đẹp và hay” nhất, bởi nó tạo ra sức bật quan trọng cho phát triển nhiều đô thị vệ tinh của TPHCM và các tỉnh lân cận, liên quan đến rất nhiều vấn đề kinh tế – xã hội, văn hóa và du lịch trong tương lai.

Và lúc ấy, con đường dọc sông không đơn thuần là con đường, nó còn là ưu điểm, là lợi thế phát triển của TPHCM, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn các đô thị vệ tinh, và có khả năng là sự chọn lựa khó cưỡng của những người trẻ, những gia đình nhập cư đến các khu đô thị mới.

Trần Thanh Bình

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo