So với các logo lấp lánh khác, hình ảnh “cái chợ” chắc chắn là một tiền định tuyệt vời cho biểu trưng của thành phố giữ vị trí trung tâm kinh tế cả nước.
1.
“Avatar” của ba thành phố vẫn được xem là đại diện cho Bắc - Trung - Nam, đã phản ánh khá chính xác tính cách từng vùng miền.
“Gác văn sao Khuê”, lầu vuông tám mái của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được cho là đại học đầu tiên của Việt Nam, công trình nổi tiếng biểu trưng cho truyền thống đề cao học vấn, chuyên chăm khoa bảng của xứ sở nghìn năm văn hiến.
Nhưng nếu Khuê Văn Các chính thức được chọn làm biểu tượng thông qua Luật Thủ đô năm 2012, người ta còn phân vân không biết Ngọ Môn hay chùa Thiên Mụ, mới là hình ảnh tiêu biểu cho thành phố Huế.
Giống như Huế, Sài Gòn chưa có biểu tượng chính thức theo kiểu được luật hóa hẳn hòi. Tuy nhiên, hình tượng quen thuộc, phổ biến của thành phố lớn nhất nước chính là ngôi chợ - mà đã hơn một thế kỷ, kể từ khi được xây dựng đến nay - chưa bao giờ có tên, ta chỉ quen gọi là chợ Bến Thành.
So với những biểu trưng toàn mỹ của hai trung tâm kia, cái chợ có tháp đồng hồ bất hủ của thương cảng sầm uất bậc nhất, có vẻ ít quyến rũ? Nhưng có lẽ, cái chợ - chợ Bến Thành - là hình ảnh phản chiếu rõ nét nhất tính năng động, cởi mở trên nền tảng giao thương, đa văn hóa, tôn trọng sự khác biệt của vùng đất phương Nam này.
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ XX. Ảnh: TL
2.
Quan niệm Á Đông không mấy thiện cảm với hình tượng chợ búa. Xã hội nông nghiệp coi đó là nơi đổi chác, người bán hàng là con buôn. Ngược lại, chợ được xem là tài sản văn hóa quan trọng trong không gian đô thị. Bất cứ kẻ lang thang quốc tế nào cũng có kinh nghiệm mỗi khi đặt chân đến một xứ sở mới, nơi thú vị nhất để tìm hiểu văn hóa chưa hẳn đã là các bảo tàng hay thư viện… Bởi nơi đầy ắp những tương tác bất ngờ nhất, lại là những cái chợ. Nó không chỉ là chỗ mua bán, trao đổi những nhu cầu vật chất thiết yếu, mà còn là nơi gửi gắm những tình cảm, chứa đựng tinh hoa cuộc sống và nền văn minh của dân tộc.
Chợ thể hiện một cách trực quan, cô đọng về khái niệm thị trường, nơi mang lại mối quan hệ tuyệt diệu giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.... Chợ - thị trường là môi trường quyết liệt cuối cùng để thể nghiệm tất cả các nghiên cứu, chính sách. |
Ví dụ, những chợ phiên cuối tuần ở xứ Bratislava (Slovakia) xa xôi, cuộc sống của người dân thể hiện qua những món ăn truyền thống, những âm thanh dạt dào của nhạc cụ dân tộc và những câu chuyện lịch sử liên quan đến bộ trang phục cổ truyền của các tiểu thương. Hoặc ở một góc chợ nhỏ của vương quốc Ottoman oai hùng xưa kia, du khách được mời uống trà, nói chuyện phiếm với người dân và bập bẹ những tiếng “xin lỗi, cảm ơn” bằng ngôn ngữ địa phương. Quý bà, quý cô có thể trải nghiệm tính gallant của các anh chàng người Pháp sống động hơn trong xi-nê nếu chịu khó tới một chợ cá vào buổi sớm mai tại Bordeaux. Hay lắng nghe chuyện tình các loài hoa trong những ngôi chợ nhỏ Amsterdam (Hà Lan).
Một nghiên cứu xuất bản năm 2006 của Đại học London về Queens Market - ngôi chợ nổi tiếng ở miền đông thủ đô nước Anh - chỉ ra rằng, tương tác xã hội trong không gian công cộng có thể đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với nơi chốn.
Các báo cáo cho thấy cơ hội gặp gỡ xã hội trong không gian công cộng như chợ, thường là chìa khóa cho lòng “trung thành” của người dân với vùng đất của họ. Nghiên cứu kết luận, chợ đóng một vai trò xã hội và văn hóa đáng giá. Khía cạnh đa dạng của không gian công cộng nói chung và chợ nói riêng, là cơ hội cho sự tương tác với người lạ. Các nghiên cứu khác tại Hà Lan và Thái Lan cũng cho rằng chợ trở thành nơi gặp gỡ và đặc biệt quan trọng cho những người nhập cư muốn hòa nhập. Từ Âu sang Á luôn có những điển hình chợ bên trong thành phố được xem là tài sản văn hóa quan trọng, như chợ Bến Thành. Ngoài điểm nhấn cho sự gắn kết xã hội, đóng góp ngân sách, chợ còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương như một điểm đến du lịch.
Chợ Bến Thành hiện tại không còn là nơi buôn bán thuần túy. Ngôi chợ - với kiến trúc độc đáo điển hình cho sự giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay - đã là chứng nhân qua bao đổi thay lịch sử. (Ảnh: Hồng Lam)
3.
Chợ là thị trường. Điều đó đúng cả ngữ nghĩa, đúng cả bản chất. Biểu tượng của Sài Gòn là cái chợ, thể hiện tính thị trường mãnh liệt của thành phố mỗi sáng “mở mắt” phải thu ngân sách trung bình 1.000 tỷ đồng.
Chợ thể hiện một cách trực quan, cô đọng về khái niệm thị trường, nơi mang lại mối quan hệ tuyệt diệu giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Ngẫu nhiên phác họa Sài Gòn, một ngôi chợ, thể hiện quy luật chung của phát triển đó là niềm tin vào sự điều tiết, cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Và như các nghiên cứu đã nêu, trên thực tế Sài Gòn đã trở thành nơi gặp gỡ của hết thảy những người phương xa muốn tìm cơ hội, hòa nhập.
Ai mà không biết, để cứng cáp, không thể chỉ có mớ kiến thức ở trường, người ta cần trải nghiệm ở chợ trời - chợ đời để trưởng thành. Thử thách lớn nhất của kẻ muốn thành chánh quả chính là có thể tu tâm giữa chợ, để có được nhân cách lớn lao hơn.
Với biểu tượng ngôi trường tượng trưng cho người Tràng An có nền tảng tư tưởng, hay với tòa tháp cổ nói lên sự chiêm niệm, khát vọng của người Phú Xuân, thì nơi để mọi người có thể hội tụ, cùng nhau gắn kết và hội nhập cùng biển lớn phải là một miền đất với tất cả đặc tính như đã mô tả về Sài Gòn. Chợ - thị trường là môi trường quyết liệt cuối cùng để thể nghiệm tất cả các nghiên cứu, chính sách. Thị trường hay “cây đời vẫn xanh” đã bao phen là mồ chôn của những “lý thuyết xám xịt”.
4.
Theo dòng lịch sử, không phải chỉ có Sài Gòn hôm nay mới gắn với biểu trưng cái chợ.
Thế kỷ XVII - XVIII, nước Đại Việt hồi sinh và phát triển kinh tế tới mức cực điểm. Trong bối cảnh hòa nhập vào cuộc bùng nổ đại mậu dịch thời đó, Đông Kinh - tức Thăng Long, Hà Nội - cũng được gọi bằng danh xưng Kẻ Chợ. Cũng hệt như “thành phố ngàn tỷ” Sài Gòn bây giờ, Kẻ Chợ đóng vai trò trung tâm đầu mối hàng đầu của nền thương mại Đàng Ngoài. Với khu hành chính và quyền lực chính trị ở xa thành, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Đông Kinh trở thành một đô thị mở cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Kẻ Chợ không tường thành, được tự do thông thương mọi ngả.
Chợ Bến Thành hiện tại không còn là nơi buôn bán thuần túy. Ngôi chợ - với kiến trúc độc đáo điển hình cho sự giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay - đã là chứng nhân qua bao đổi thay lịch sử. Tiểu thương ở đây không còn mang hình ảnh lam lũ hoặc những mậu dịch viên “hét ra lửa” thời bao cấp, họ thực thụ là nhà kinh doanh. Ngoài sự trẻ trung, thời thượng, giao tiếp lưu loát nhiều ngoại ngữ, họ vận dụng mọi ưu thế để phát triển trong sự đa dạng chung của cả thành phố.
Theo nghĩa tổng quát, khi xác nhận và đồng thời chấp nhận tính đa dạng, ta gọi đó là đa nguyên. Hẹp hơn trong phạm trù văn hóa và kinh tế, đa nguyên là sự đa sắc thái, một mệnh lệnh dân chủ. Như thế, quả thực “biểu tượng của Sài Gòn là cái chợ” diễn tả trọn vẹn sự đa nguyên trong mọi mặt của cuộc sống xứ này.
Cần nói thêm, không phải ngẫu nhiên mà nền Đệ nhất Cộng hoà ở miền Nam trước đây, lại lần lượt dùng tên nhân sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đặt cho hai con đường trước cửa Đông và cửa Tây chợ Bến Thành. Một cách đầy ẩn dụ, cửa Đông tương ứng với người khởi xướng phong trào Đông Du đưa thanh niên ra nước ngoài học tập. Vị còn lại kêu gọi cải cách theo những tư tưởng tiến bộ của phương Tây tương ứng với cửa phía Tây của chợ.
Biểu tượng chợ của Sài Gòn hẳn còn mang nhiều ý nghĩa đúng với con người và vùng đất nơi đây.
Quốc Ngọc
(Người Đô thị)
- Luật Thủ đô bị 'vô hiệu' bởi nén chung cư
- Đâu mới là di sản?
- Minh bạch trong quy hoạch
- Khi đô thị bỏ quên ký ức
- Những công trình làm nên kiến trúc đô thị Sài Gòn
- Bộ Tài chính muốn đánh thuế nhà ở
- Mấy điều về xây dựng thành phố thông minh
- Lo ngại bất ổn trong cơn sốt đất nền
- Chiếu sáng thông minh trong kiến trúc đô thị
- Sốt đất nền: Chuyện của những người trong cuộc