Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Cứu lấy kênh rạch ở TPHCM!

Cứu lấy kênh rạch ở TPHCM!

Viết email In

TPHCM sầm uất hiện nay vốn là vùng Sài Gòn - Gia Định trên bến dưới thuyền ngày xưa, nơi có rất nhiều sông rạch, sau được đào thêm một số con kênh để tăng khả năng thoát nước và tạo điều kiện thuận tiện cho việc thông thương bằng đường thủy. 

Hiện ngoài hệ thống sông Sài Gòn, TPHCM còn có một số tuyến kênh rạch quan trọng như kênh Đôi - Tàu Hũ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Bến Nghé, Vàm Thuật, kênh Tẻ..., nhưng chúng đang bị “bức tử” và một số đang “hấp hối”. Kênh Nước Đen ở quận Bình Tân giờ đúng như tên gọi của nó khi bị ngập trong rác và nguồn nước thì như không thể ô nhiễm hơn được nữa. Nó cũng tương tự tình trạng của các kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), kênh Gia Định (quận 12), kênh Tham Lương (quận 12 - quận Gò Vấp)... Ngay cả các kênh rạch gần nguồn sông Sài Gòn như kênh Tẻ, rạch Bến Nghé... cũng có vẻ chỉ sạch lúc triều lên, chứ khi triều xuống thì lòng kênh bị bồi lắng rất dày, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.  

Tình trạng này chưa có dấu hiệu được cải thiện khi mà các dự án cải tạo môi trường nước được triển khai một cách chậm chạp và thiếu đồng bộ; việc xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất trước khi đổ ra kênh rạch rất hạn chế... Trong khi đó, nạn xả rác xuống kênh rạch vẫn phổ biến, việc lấn chiếm kênh rạch để xây cất vẫn còn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây nạn ngập úng cục bộ và ô nhiễm môi trường. 


Nhà ven kênh rạch tại quận Bình Thạnh, TPHCM.
(Ảnh: Văn Nam) 

Xem chừng nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai sẽ ngày càng ô nhiễm. Khi đó, nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hay chí ít cũng bị tăng giá thành do việc xử lý phức tạp hơn; những dòng kênh đóng vai trò thoát nước có thể dần mất đi khả năng đó và tình trạng ngập úng sẽ trầm trọng hơn. 

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương khảo sát để kịp thời có giải pháp hiệu quả nhằm cứu lấy hệ thống kênh rạch và phát huy vai trò thoát nước, giao thông thủy, tạo cảnh quan của chúng. Trước hết cần ngăn chặn ngay các công trình, dự án lấp, lấn chiếm kênh rạch, trong đó, chú ý các khu vực “nguồn” của kênh rạch (như đồng ruộng, các dòng nước nhỏ...) bởi khi mất “nguồn” thì dù kênh rạch không bị lấn chiếm cũng sẽ giảm hoặc mất dòng chảy, dẫn đến bị bồi lắng và... tự chết. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải quyết nạn xả rác xuống kênh rạch thông qua tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người dân nêu cao ý thức bảo vệ dòng chảy và môi trường sạch cho sông ngòi, kênh rạch.

Thành phố cũng cần có kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy, mở rộng lưu vực các kênh rạch để tăng khả năng chứa/thoát nước của chúng cũng như khả năng trao đổi nguồn nước để giảm ô nhiễm và nguy cơ ủ các ký sinh trùng gây dịch bệnh. Song song với việc nạo vét cần có chương trình cải tạo và xử lý nước thải để khi nước đổ ra kênh rạch về cơ bản là không còn ô nhiễm. Quá trình này cần gắn với việc tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở ven các kênh rạch, như xây kè chống sạt lở, tạo mảng xanh, hình thành các công viên ven kênh rạch, thả cá để tạo môi trường sống cho dòng nước...

Ở góc độ quản lý, cần xem kênh rạch là một loại tài nguyên và có sự phân cấp quản lý phù hợp: những tuyến kênh rạch nào thuộc cấp thành phố quản lý, đoạn/tuyến nào giao cho cấp quận/huyện hay phường/xã... Về lâu dài, cần nghiên cứu tổ chức mạng lưới giao thông thủy nhằm góp phần giải tỏa áp lực giao thông bộ và phục vụ du lịch. Việc quản lý và khai thác kênh rạch cần coi sông, kênh, rạch là một hệ thống có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, dù nhiều kênh rạch không có liên quan trực tiếp đến dòng chảy, lưu vực của nhau. Trên thực tế, nếu quản lý tốt dòng chảy, lưu vực, tình trạng ô nhiễm... của từng dòng sông, con kênh, con rạch thì đều có tác động tích cực đến các sông, kênh, rạch khác ở nhiều góc độ. 

Trịnh Minh Giang 

(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo