Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Giếng làng

Giếng làng

Viết email In

Tự bao đời nay, khi nhắc đến làng quê Việt Nam là nhắc đến cây đa, giếng nước, sân đình… Những hình ảnh ấy đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần như một mảnh hồn quê cần lưu giữ. 

Từ xa xưa, ở mỗi làng quê, giếng làng được xây dựng lên để làm nguồn nước cung cấp cho cả làng, bên cạnh giếng nước người dân thường trồng cây đa làm bóng mát che nắng che mưa. Hết đời này sang đời khác, cây đa cứ lớn dần và trở thành cây cổ thụ bám rễ quanh thành giếng, tạo nên một hình ảnh cổ kính nên thơ. Không chỉ có vậy, giếng làng còn là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, nơi người dân trong làng gặp gỡ nhau mỗi ngày kể cho nhau nghe vài ba câu chuyện. Hình ảnh những cô gái áo yếm thắt đáy lưng ong ra vào gánh nước đã đi vào thi ca, nhạc họa. Giếng nước còn là nơi trẻ con đùa nghịch, nơi gái trai hò hẹn vào mỗi buổi trăng lên.  


Giếng Sữa ở làng cổ Đường Lâm.
 

Đi cùng với sự phát triển của xã hội, làng quê bây giờ không còn giữ được nguyên vẹn vẻ mộc mạc xưa cũ nữa. Chính sách nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam, những ngôi nhà, con đường được bê tông hóa, những nguồn nước sạch được đưa vào từng ngôi nhà khiến cho giếng làng không còn được người dân sử dụng. Nhưng không vì thế mà giếng làng lại bị lãng quên. 

Rất nhiều giếng làng vẫn được người dân chú trọng sửa chữa và lưu giữ như lưu giữ một báu vật quý và một phần ký ức của cha ông để lại. Những giếng làng được coi như linh hồn của làng như Giếng làng Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội được người dân hàng năm vẫn dọn dẹp khơi trong nguồn nước và sửa sang gìn giữ. Giếng cổ này được xây bằng những viên đá ong trong lòng giếng chạy dài xuống đáy. Đặc biệt, ở giếng cổ của làng Đại Phùng nước giếng vẫn rất trong và sạch, có thể dùng pha trà hoặc đồ xôi.

Cách giếng Đại Phùng không xa, cũng trên địa bàn Đan Phượng, là giếng cổ Đông Khê. Giếng nằm sát bên con đường làng và được bao bọc bởi hàng rào sắt hình bát giác. Giếng làm bằng đá xanh nguyên khối được khoét đục khá cầu kỳ theo kiểu chậu úp. Trải qua bao đời, những dây gầu đưa lên kéo xuống khiến cho thành giếng bị bào mòn thành những vết rãnh. Tất cả vẫn được người dân gìn giữ, người làng Đông Khê cho biết: Giếng này có từ rất lâu đời, không ai biết tuổi thật của nó. Cách đây hơn chục năm, cả làng vẫn dùng nước giếng này để ăn uống, sinh hoạt.

Từ giếng Đông Khê vòng qua phía Tây là giếng Đoài Khê. Giếng nằm cách cổng làng khoảng chục thước ta. Hai bên cổng, người ta gắn đôi câu đối: Đoài Khê hương sắc vạn thuở giữ tinh hoa/Giếng cổ mát trong ngàn năm lưu dấu tích. Toàn bộ giếng cổ Đoài Khê được làm từ một khối đá ong liền mạch. Miệng giếng đá ong trông giống như răng cưa rất đẹp và bóng. Người xóm giếng bảo rằng, thời xưa nhiều cao nhân về làng lấy nước giếng pha trà, đến thời thực dân Pháp đô hộ, lính Tây cũng thường từ bốt Phùng vào đây lấy nước. Đúng như câu đối trên cổng làng, nước giếng Đoài Khê mát trong vô cùng. Chỉ hiềm một nỗi, những nề nếp cũ cùng tục uống trà đã phôi pha nên giếng chỉ còn là dấu tích lập làng, lập xóm.

Giếng nước còn là nơi linh thiêng mang nhiều những câu chuyện truyền thuyết thần thoại, như ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, có Giếng xin sữa, dù chỉ tròn nhỉnh hơn vành nón, mà ngàn năm nay nước vẫn đầy và trong vắt, những bà mẹ Đường Lâm sinh con mà thiếu sữa nuôi con thì đến bên giếng này làm lễ xin sữa, rồi xin giếng một ít nước, uống vào, là bầu vú lại có đủ sữa cho con bú. Truyền thuyết ấy bây giờ vẫn được lưu truyền và những người mẹ trẻ trong làng vẫn đến giếng để xin sữa.

Ngoài những làng quê luôn có ý thức về gìn giữ giếng làng như một giá trị văn hóa cho con cháu đời sau, thì cũng không ít các làng quê đã san lấp giếng làng làm mặt bằng xây dựng hoặc bị bỏ hoang không dọn dẹp vệ sinh khiến cho giếng làng bị ô nhiễm nguồn nước.

Giếng làng vốn là linh hồn của làng, nơi linh thiêng hội tụ long mạch của làng, chính vì vậy giếng nước thường được dựng lên bên những ngôi đình cổ của làng, là nơi sâu nhất của làng, là lòng làng, lòng người, nơi cần được giữ gìn và làm sạch nguồn nước mỗi năm để mong sự hòa thuận đủ đầy ấm áp, phong tục ấy cần được lưu giữ cho dù cuộc sống hiện đại đang len lỏi đến từng đường làng ngõ xóm. Thì cây đa, giếng nước, sân đình luôn là những mảnh hồn quê trong trẻo nằm mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. 

Hạ Ly 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo