Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh

Di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh

Viết email In

Ngày càng có nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm các cơ hội kinh tế tốt hơn, trong khi chỉ có các hộ có từ 3 héc ta đất trở lên mới có nguồn thu nhập chính trên mức nghèo từ trồng lúa, theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27/9. 

Báo cáo trích dẫn kết quả cuộc điều tra Tiếp cận nguồn lực nông thôn (VARHS) tại 12 tỉnh trong giai đoạn 2012-2014 cho thấy xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị diễn ra rất mạnh. Khoảng 20% số hộ điều tra cho biết có ít nhất 1 thành viên di cư và 48% số đó ra đi tìm việc làm (những người khác đi học, đoàn tụ gia đình, thực hiện nghĩa vụ quân sự).  


Số người di cư từ nông thôn về các đô thị ngày càng lớn.
(Ảnh TL) 

Tại một số tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có ít nhất một người di cư (vĩnh viễn hoặc tạm thời) cao hơn hẳn các tỉnh khác. Ví dụ, Nghệ An là 47%, Quảng Nam, Đắc Lắc, Lâm Đồng là 27- 28%. Tính chung trong năm 2014, có 73% số người di cư di chuyển từ tỉnh này sang một tỉnh khác, 47% số người đến các trung tâm lớn như Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh và 10% ra nước ngoài, tăng nhiều so với tỷ lệ 1% năm 2012. 

Xu hướng di cư đã cao hơn so với kết quả của cuộc điều tra dân số năm 2009, khi đó phát hiện 8,5% dân số thuộc diện này, trong đó số di chuyển nội tỉnh và giữa các tỉnh gần như nhau. 

Báo cáo nhận xét: “Chính phủ dự báo số người di cư sẽ tiếp tục tăng. Xu thế này bắt đầu từ khi thực hiện Đổi mới trong thập kỷ 1980. Nhiều người Việt Nam ra đô thị, nơi có tốc độ phát triển nhanh hơn, để tìm cơ hội kinh tế”.

Như vậy, tỷ lệ di cư nội địa, gồm di chuyển nội tỉnh và giữa các tỉnh, tại Việt Nam khá cao”, báo cáo nhận xét.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu tính trên chi tiêu cho ăn uống và thu nhập thuần thì các hộ gia đình có người di cư, nhất là những hộ có người đi kiếm việc, có kinh tế tốt hơn các hộ khác.

Tiền gửi về quê giải thích phần nào hiện tượng này, do người đi làm ăn xa thường gửi tiền về quê mặc dù đây không phải là nguồn thu nhập đều đặn. Ví dụ, trong các năm 2012 và 2014, tỷ lệ hộ gia đình nhận được tiền gửi về là 25% và 45%.

Khảo sát cho biết, các hộ gia đình nhận tiền gửi về thường sử dụng vào tiêu dùng hàng ngày và thanh toán dịch vụ thiết yếu (45–55%) và tiết kiệm (11–15%); phần còn lại được sử dụng cho chi tiêu vào các dịp đặc biệt, y tế và giáo dục.

Tuy nhiên, khảo sát lưu ý, một số lao động di cư cũng nhận được tiền từ gia đình, 7% năm 2012 và 14% năm 2014. Qua đó có thể thấy tình cảnh dễ bị tổn thương của họ.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận xét, hiện tượng di cư nhìn chung không tương quan chặt chẽ với các cú sốc tự nhiên hoặc kinh tế. Nhưng di cư dường như đã giúp các hộ gia đình ứng phó với các cú sốc - giúp ổn định mức chi tiêu bình quân đầu người - ít nhất là trong trường hợp đi tìm việc ở nơi khác.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, số hộ độc canh cây lúa ngày càng giảm đi ngay cả khi năng suất tăng lên. Tại các vùng trồng lúa, các hộ có diện tích canh tác dưới 1 ha kiếm được phần lớn thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp. Hộ gia đình có 1-3 ha đất có tỷ trọng thu nhập đều nhau từ trồng lúa, chăn nuôi và phi nông nghiệp. Chỉ có các hộ có từ 3 ha trở lên mới có nguồn thu nhập chính (trên mức nghèo) từ trồng lúa.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, khoảng cách chênh lệch thu nhập tuyệt đối giữa hai địa bàn nông thôn và đô thị tăng lên. Khoảng cách thu nhập ngay tại địa bàn nông thôn cũng tăng lên, đặc biệt rõ tại Tây Nguyên, phản ánh sự khác biệt về quy mô, chất lượng ruộng đất và mức độ sự tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa trong khu vực. 

Tư Hoàng 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo