Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Để giải bài toán “đánh đổi”

Để giải bài toán “đánh đổi”

Viết email In

Trước đây dư địa phát triển kinh tế còn rất rộng lớn nên hầu như ít ai nghĩ đến chuyện “đánh đổi”, theo nghĩa, ví dụ, đất trồng lúa rồi thì không thể trồng rau hay quyết định bảo hộ sản xuất trong nước thì không thể trông chờ hàng nhập khẩu giảm giá mạnh... 

Thế nhưng khi nền kinh tế đạt đến một mức nào đó, hầu như mọi dự án đều ít nhiều mang tính “đánh đổi” - và lúc đó, vai trò của chính quyền, kể cả trung ương lẫn địa phương, là sáng suốt cân nhắc giữa các lợi ích và thiệt hại tiềm tàng khi xem xét mọi dự án phát triển.  


Tháp Pôklông Garai nằm ở phía tây thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, được xem là trung tâm điểm rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm, do vua Chế Mân chỉ đạo xây dựng từ cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm.
(Nguồn: vietnamtourism.com) 

Chúng ta không thể trông chờ sự sáng suốt cân nhắc này từ phía nhà đầu tư, dù đó là nhà đầu tư có vốn nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước, bởi với nhà kinh doanh, lợi nhuận là ưu tiên số 1. Càng thu vén về mình càng nhiều ưu đãi, càng tranh giành cho dự án mình càng nhiều thuận lợi... là điều bất kỳ nhà đầu tư nào cũng theo đuổi. 

Thoạt tiên, giải bài toán “đánh đổi” này trông khá đơn giản. Dự án tạo được nhiều công ăn việc làm, đem lại tăng trưởng kinh tế cho địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách - làm sao mà không ưu ái, không dốc hết sức để hỗ trợ cho dự án xuôi chèo mát mái?

Nhưng một chính quyền địa phương có tầm nhìn xa sẽ không dừng ở các tiêu chí đó. Họ sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác, chẳng hạn, các ưu đãi đem ra mời chào có phải là nguồn lực của địa phương thoạt tiên dùng cho việc khác, ngân sách có phải tiêu tốn nhiều để thu hút dự án về cho địa phương mình, chính sách trải thảm đỏ như thế liệu có là rào cản cho doanh nghiệp khác, triệt tiêu động lực cạnh tranh lành mạnh...

Quan trọng hơn, cuộc mưu sinh của người dân địa phương có bị tác động xấu từ dự án hay không? Bao nhiêu gia đình phải lìa mảnh đất sinh sống lâu đời của họ để nhường chỗ cho dự án? Bao nhiêu nghề nghiệp truyền thống phải lụi tàn do không thích hợp với quy mô phát triển của dự án?

Đã có nhiều phân tích về các khía cạnh khác nhau của dự án khu liên hợp luyện thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận; ở đây chỉ thử nhìn theo bài toán “đánh đổi” - xem thử “được, mất” của một dự án thép khổng lồ với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ đô la đặt bên cạnh các kế hoạch phát triển du lịch cho vùng này như thế nào.

Từ lâu, Ninh Thuận đã xác định phát triển du lịch là một thế mạnh của tỉnh, cả du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Ninh Thuận từng “khoe” một chiều dài bờ biển 105 ki lô mét có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ, Cà Ná... rồi kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp không khói này. Thử hỏi ngành du lịch tỉnh này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu khu liên hợp luyện thép Cà Ná được triển khai? Liệu sự đa dạng sinh học, trong đó có loài rùa biển vàng đặc biệt, các rạn san hô tuyệt đẹp sẽ tồn tại như thế nào trước sự xâm lấn của công nghiệp sản xuất thép?

Lợi thế tài nguyên này khó lòng lượng định ngay bởi không cơ quan nào có thể tính hết giá trị của thiên nhiên ưu đãi cho con người. Thế cho nên, mọi ưu đãi vật chất cụ thể cho một dự án có khả năng phải đánh đổi lợi thế về du lịch càng chỉ làm nó thêm méo mó. Phát triển các khu resort một cách bừa bãi, khai thác du lịch quá đáng... cũng đã bị lên án, huống gì đánh đổi cả một ngành du lịch với hàng chục ngàn nhân lực để lấy một dự án thép - nhìn như thế thì giải bài toán “đánh đổi” này cũng không khó cho lắm. 

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo