Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) đang kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư cho các khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn thành phố này.
Đó là khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 (diện tích 120 ha), khu công nghiệp Hòa Nhơn (diện tích 360 ha) và khu công nghiệp Hòa Ninh (diện tích 400 ha).
Các KCN mới sẽ được đầu tư xây dựng theo định hướng “xanh”. Bên cạnh đó, ngành nghề thu hút vào các KCN này sẽ ưu tiên có hàm lượng chất xám cao, công nghiệp công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có nhiều mảng xanh và sinh thái. Thành phố Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng các KCN xanh. (Ảnh: Nhân Tâm)
“Đây sẽ là những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các KCN mới có vị trí rất thuận lợi do có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với cảng biển, sân bay, trung tâm thành phố Đà Nẵng cách trong vòng bán kính 15 km nên đã được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm”, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, nói. Ông cho biết các KCN này có vốn đầu tư trên 800 tỉ đồng nên phải đấu thầu quốc tế nếu có 2 nhà đầu tư đảm bảo năng lực thực hiện dự án.
Nhà đầu tư nào có kinh nghiệm trong việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp sẽ có lợi thế hơn trong việc quan tâm và thực hiện xây dựng hạ tầng các KCN này. Vì vậy, theo ông Sơn, sẽ không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay quốc tế.
Trước mắt Đà Nẵng đang kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2 với diện tích hơn 120 ha và tổng chi phí thực hiện dự án ước tính hơn 2.200 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại KCN Hòa Ninh, dự kiến hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong tháng 9-2022 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư trong quí 3-2022. DHPIZA dự tính triển khai lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cho KCN này trong quí 4-2022.
Đối với KCN Hòa Nhơn, sau khi có quy hoạch điều chỉnh, DHPIZA sẽ tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian sắp tới.
Khi ba KCN này đi vào hoạt động cộng với việc chuyển đổi khu phụ trợ của khu công nghệ cao thành khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao, thành phố Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202 ha.
Nhân Tâm
(KTSG Online)
- Quản lý nhà, đất công sẽ không còn “mỗi nơi một kiểu”
- Hàng loạt dự án "lọt" danh mục quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Kiến nghị bố trí nhà ở xã hội tập trung, thay việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại
- Sập sàn bê tông dự án The Metropole Thủ Thiêm: Lo ngại ảnh hưởng kết cấu chịu lực các tầng lân cận
- Chính sách sở hữu nhà chung cư có thời hạn: Cần hiểu cho đúng
- VCCI đề xuất bổ sung phương án tổ chức giao thông vào hợp đồng PPP, tránh gây bất lợi cho dự án
- Quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế
- Kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung vào 2025
- TP.HCM động thổ dự án 20.100 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
- Chống đầu cơ từ việc quản lý thuế đất và điều tiết giá trị gia tăng từ đất