UBND TP. Hà Nội vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với một số dự án bất động sản (BĐS) có vi phạm về quản lý, sử dụng đất và nợ tiền sử dụng đất.
Cụ thể, từ ngày 1/4/2014, trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, nếu các chủ đầu tư không khắc phục sai phạm, thì dự án sẽ bị thu hồi.
Trước đó, trong 2 năm 2012 và 2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát các dự án BĐS chậm tiến độ. Trong số này, có những dự án chậm tiến độ đã được kiểm tra, rà soát nhiều lần, nhưng sau khi kiểm tra, vẫn... bất động.
Điển hình là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư.
Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008, với diện tích 16,7 ha trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội ngày 29/9/2011, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 8295/UBND-XD chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án chung cư cao cấp Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông khởi công từ năm 2007
Cũng tại quận Hà Đông, dự án chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam - Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông. Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công từ đầu năm 2007, nhưng đến nay, dự án vẫn là... bãi đất hoang.
Nhiều dự án BĐS khác ở Hà Nội, như Dự án D’.San Raffles tại 22 - 24 Hàng Bài do CTCP Thời đại mới T&T (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp công trình tại Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU); Dự án 97 - Láng Hạ (Tòa nhà Petrowaco) do CTCP BĐS Dầu khí làm chủ đầu tư... cũng đã được kiểm tra, rà soát. Các dự án này đều đã được giao đất nhiều năm nay, nhưng việc đầu tư xây dựng rất chậm.
Ông Trần Anh Dũng, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, trong số các dự án chậm tiến độ có nhiều dự án nằm trong quy hoạch phân khu đang điều chỉnh theo quy hoạch chung của Thủ đô. “Chúng tôi coi những dự án này phải tạm dừng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (chứ không thuộc diện chưa đưa đất vào sử dụng). Với những dự án đã được giao đất nhiều năm, mà không thực hiện, Thành phố sẽ thu hồi để giao cho các chủ đầu tư khác”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, do những thay đổi trong quy hoạch chung, nên một số dự án phải tạm dừng, đồng thời, do thị trường BĐS còn trầm lắng, nên việc đầu tư xây dựng tại nhiều dự án vẫn chậm trễ. UBND TP. Hà Nội thường xuyên kiểm tra, rà soát và có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư về tiến độ thực hiện dự án.
Hà Quang (Báo Đầu tư)
- Đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng
- 5,6 tỷ USD xây Sân bay Long Thành giai đoạn đầu
- “Gói 50.000 tỷ” không hỗ trợ lãi suất, không tiền ngân sách
- Đấu thầu dự án ODA: Những “phiên chợ” một người mua
- Tăng giá căn hộ vì Thông tư 03
- Mỗi dự án được bán 30% căn hộ cho người nước ngoài
- Hà Nội: chính thức khai trương công viên Yên Sở
- Hà Nội đẩy nhanh phân bổ vốn cho xây nhà tái định cư
- Chừng nào mới có khung pháp lý cho các dự án PPP?
- Nhìn từ vụ JTC: “Ma trận” quản lý ODA