Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Cộng đồng Sinh viên Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng: Một số kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất cho Việt Nam

Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng: Một số kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất cho Việt Nam

Viết email In

Giáo dục ở Việt Nam nói chung và giáo dục - đào tạo cho lĩnh vực Xây dựng nói riêng luôn nhận được quan tâm từ Chính phủ cũng như công chúng. Nhiều chính sách về cải cách giáo dục đã được áp dụng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhìn chung về căn bản, nội dung và phương pháp giáo dục trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong vòng mấy mươi năm qua. Trước sự phát triển nhanh của công nghệ, việc thay đổi để thích ứng với tình hình mới là cần thiết. 

Bài viết nêu một số kinh nghiệm của tác giả về giáo dục Đại học, sau Đại học tại Pháp và một số quốc gia, từ đó, đề xuất một số kiến nghị cho việc giáo dục Đại học và sau Đại học khối ngành xây dựng tại Việt Nam.  

Giới thiệu

Nghị định 99/2019 của Chính phủ [1] đã được ban hành, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học. Do đó, vài năm vừa qua, các ngành khối kỹ thuật, trong đó có ngành xây dựng và kiến trúc, đã có sự điều chỉnh chương trình đào tạo, theo đó những chương trình Cử nhân cần đảm bảo tối thiểu 120 tín chỉ, còn những ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù như bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, yêu cầu đào tạo tối thiểu 150 tín chỉ.

Hiện nay, nhiều trường Đại học có ngành Xây dựng - Kiến trúc sẽ đào tạo hai chương trình: Cử nhân xây dựng (hoặc cử nhân kiến trúc) và Kỹ sư (hoặc Kiến trúc sư). Việc thay đổi này là đi theo cách làm của một số nước phát triển trên Thế giới, tuy nhiên, việc thay đổi này vẫn còn gây ra nhiều bỡ ngỡ và khó hiểu đối với công chúng cũng như thị trường lao động.

Bài viết này trình bày một số trải  nghiệm của tác giả trong hệ thống giáo dục của Pháp và châu Âu, với góc nhìn của một thầy trước đây là Phó Giáo sư của Trường Đại học Savoie Mont Blanc (Pháp), để từ đó có một số đề xuất cho bối cảnh ở Việt Nam. Việc hệ thống giáo dục Pháp được trình bày chi tiết ở đây vì trong cách sắp xếp của luật Giáo dục ĐH mới ở nước ta, cách sắp xếp các bậc giáo dục khá tương đồng với Pháp.

Một số kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực ngành Xây dựng tại Pháp và một số nước

1. Hệ thống đào tạo ngành Xây dựng tại Pháp:

Như một số nước châu Âu khác, vốn có nền giáo dục và khoa học kỹ thuật phát triển lâu đời, Pháp là một trong những nước có hệ thống giáo dục khá phức tạp. Các cơ sở giáo dục Đại học đã từ lâu được phân tách thành các Đại học (Université, tương đương University) và các trường Đại học (Ecole, tương đương School). Trong các Đại học thường sẽ có các Khoa (Faculté, tương đương Faculty) và các trường Đại học chuyên ngành.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp các trường Đại học tồn tại độc lập và không trực thuộc một Đại học nào. Ngoài ra, còn tồn tại hệ thống một số Viện Đại học (Institut), thường có quy mô lớn hơn trường Đại học, nhưng nhỏ hơn các Đại học, vì các Viện Đại học thường tập trung đào tạo các ngành kỹ thuật.

Một điểm đặc biệt của giáo dục Pháp là các trường Đại học thường được đánh giá cao hơn vì có chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên cao hơn. Các trường Đại học thường đào tạo những ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù như Bác sỹ, Kỹ sư, Kiến trúc sư... Trong khi các Khoa của các Đại học chủ yếu tuyển sinh thông qua xét hồ sơ thì hầu hết các trường Đại học chuyên ngành đều tổ chức thi tuyển. Các kỳ thi tuyển này có tỷ lệ chọi rất cao, vì số lượng sinh viên tại các trường Đại học thường rất ít.

Một ví dụ là Trường Bách Khoa Paris (Ecole Polytechnique), ngôi trường danh giá nhất ở Pháp về các ngành Kĩ thuật [2], nơi đào tạo ra rất nhiều các Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn lớn ở Pháp (ví dụ một trong những người có tài sản lớn nhất thế giới hiện nay, ngài Bernard Arnault, chủ tập đoàn LVHM [3], là cựu sinh viên Trường Bách Khoa), hàng năm trường này chỉ tuyển sinh khoảng 500 sinh viên, cho tổng số 11 chuyên ngành.

Viện Đại học thường được đánh giá cao hơn các Khoa của các Đại học và có thể thấp hơn hoặc gần tương đương các trường Đại học chuyên ngành.

Việc tuyển sinh các trường Đại học chuyên ngành hoặc các Viện Đại học thường được thực hiện qua kỳ thi tuyển gắt gao sau khi sinh viên học 2 năm đại cương. Tuy nhiên, cũng có một số Trường và Viện tuyển sinh trực tiếp viên sinh năm nhất, là các học sinh tốt nghiệp tú tài, song song với việc tuyển sinh sinh viên tốt nghiệp Đại cương. 

Các sinh viên tốt nghiệp các Trường Cao đẳng (học 2 năm) cũng thường tham gia các kỳ thi hoặc xét tuyển lên học chương trình Đại học (Cử nhân hoặc Kỹ sư/ Kiến trúc sư), học từ năm thứ 3, chung với các khoá tuyển sinh từ năm 1 hoặc sau khi tốt nghiệp Đại cương. 

Bậc cử nhân tại Pháp (Tú tài + 3, nghĩa là học thêm 3 năm sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học) được xếp Bậc 6 trong thang Giáo dục. Bậc 7 dành cho trình độ Tú tài + 5 trong đó bao gồm: Kỹ sư, Kiến trúc sư, Thạc sỹ. Bậc 8 (Tú tài + 8), tương ứng với việc có bằng Tiến sĩ. Bậc 9 tương ứng với Bằng Tiến sĩ Khoa học (Habilitation à diriger des Recherches). 

Từ hệ thống giáo dục nói trên, có thể thấy các bằng cấp đào tạo chuyên sâu như Kỹ sư, Kiến trúc sư tại Pháp được đánh giá rất cao, vì các bằng này thường được cấp bởi các trường Đại học chuyên ngành hoặc từ các viện Đại học. Các Khoa của các Đại học thường chỉ cấp bằng Cử nhân. Các bằng Kỹ sư, Kiến trúc sư được xem tương đương với trình độ Thạc sỹ.

2. Các kỹ năng mềm và các môn thực hành: 

Việc chú trọng các môn thực hành được thấy rõ ở các nước phương Tây, nơi có điều kiện cơ sở vật chất phát triển. Việc thực hành không chỉ là việc trang bị phòng thí nghiệm để sinh viên có thể nắm rõ những kiến thức lý thuyết được học, có cái nhìn thực tiễn tốt hơn, mà còn liên quan đến các trang thiết bị trong phòng học.

Ví dụ với những tiết làm bài tập, sinh viên có thể vừa học vừa có máy tính để bàn của Trường để từ đó có thể dễ dàng tạo các file tính toán, sử dụng các phần mềm, dưới sự hướng dẫn của giảng viên (ví dụ các phần mềm tính toán kết cấu, các file Excel để thiết kế tự động các cấu kiện bê tông cốt thép). Nhờ đó, sinh viên không cần phải học thêm ở các Trung tâm bên ngoài như một số trường hợp ở Việt Nam.

Các phòng máy tính thường mở cửa thường xuyên cho sinh viên, khi phòng không có giờ học, sinh viên có thể vào làm việc trên máy tính. Các máy tính của trường thường có trang bị đầy đủ các phần mềm chuyên ngành cần thiết cho sinh viên, vốn không phải lúc nào sinh viên cũng có thể có với máy tính cá nhân.

Việc đào tạo các kỹ năng mềm cơ bản như ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng viết báo cáo, làm việc nhóm được chú trọng. Có thể thấy rõ sinh viên tại Pháp nắm rất tốt các kỹ năng này.

3. Hiệu quả của các đợt thực tập:

Sinh viên các Trường Đại học kỹ thuật ở Pháp cũng có ba đợt thực tập như phần lớn các Trường ở Việt Nam: Thực tập Công nhân cuối năm 3, Thực tập Kỹ thuật viên cuối năm 4 và Thực tập Kỹ sư cuối năm 5. Tuy nhiên hiệu quả của các đợt thực tập này mang lại là rất lớn đối với sinh viên: sinh viên làm việc toàn thời gian như nhân viên của công ty, trong hầu hết các trường hợp thì công nhân được trả lương cho đợt thực tập.

Sinh viên được giao nhiệm vụ cụ thể tại công ty để có thể vừa học, vừa làm, vừa tích luỹ kinh nghiệm kiến thức nhưng cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm cho sinh viên, giúp sinh viên hứng thú với đợt thực tập. Chi phí công ty chi trả cho sinh viên sẽ được kể đến khi khai báo thuế cho công ty, từ đó giúp các công ty có sự sẵn sàng hơn trong việc tiếp nhận thực tập sinh. Đây là chính sách từ nhà nước thúc đẩy phát triển giáo dục - đào tạo. 

4. Mối liên hệ giữa các trường Đại học và các công ty: 

Ngoài các mối liên hệ giữa các Trường Đại học và các công ty thông qua các đợt thực tập của sinh viên, các mối liên hệ còn thông qua nhiều kênh khác nhau. Thứ nhất, việc mời thỉnh giảng các chuyên gia từ các công ty đến các Trường là một yêu cầu bắt buộc, với một thời lượng khoảng 10-15% thời lượng chương trình đào tạo, nhằm giúp sinh viên tiếp cận hơn với môi trường của các công ty.

Ngoài ra, còn có sự hợp tác giữa các công ty và các trường Đại học trong việc thực hiện một số đề tài nghiên cứu chuyên sâu, hoặc một số đề tài được thực hiện bởi sinh viên, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên. Điều này một mặt giúp các công ty có sự hỗ trợ tốt về mặt khoa học từ các trường Đại học, với chi phí hợp lý, mặt khác, việc thực hiện các đề tài giúp giảng viên, sinh viên tiếp cận nhanh chóng với những chủ đề tiềm năng của tương lai.

5. Phát triển bền vững: 

Tác giả nổi tiếng Ferry đã phát biểu: Phát triển bền vững sẽ là “tín ngưỡng mới” trong thời gian sắp tới [4]. Điều này có nghĩa là phần đông mọi người trong xã hội sẽ quan tâm và thực hiện, đóng góp cho phát triển bền vững trong đời sống hàng ngày. Do đó, việc lồng ghép các môn học liên quan đến phát triển bền vững đã được thực hiện rất tốt tại Pháp và các nước châu Âu.

Trong ngành Xây dựng, bên cạnh các chuyên ngành truyền thống, chuyên ngành “Công nghệ xây dựng bền vững” đã xuất hiện trong chương trình đào tạo của nhiều trường Đại học tại châu Âu [5]. Đối với ngành Xây dựng và Kiến trúc, vấn đề phát triển bền vững không chỉ liên quan đến chủ đề các công trình thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, mà còn liên quan đến chủ đề rộng hơn về môi trường, về kinh tế tuần hoàn.

Một số đề xuất cho Việt Nam

1. Vấn đề thực tập: 

Để các đợt thực tập được hiệu quả hơn, các nỗ lực không chỉ cần đến từ các trường Đại học, các công ty, mà còn cần đến từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ, trong đó cần có các chính sách về thuế để ưu tiên, khuyến khích các công ty tiếp nhận sinh viên thực tập. Các khoản kinh phí dùng chi trả cho sinh viên thực tập nên được quy đổi để hoàn thuế cho công ty, vì công ty cũng góp phần trong hệ thống giáo dục - đào tạo. 

Sinh viên thực hiện các đợt thực tập nên được tiến hành gần như toàn thời gian, và làm việc như nhân viên tập sự, để từ đó sinh viên có thể được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của công ty. Các đợt thực tập, đặc biệt là thực tập tốt nghiệp, nên được tiến hành đủ dài (4-6 tháng, toàn thời gian) để giúp sinh viên có đủ thời gian làm quen môi trường của đơn vị tiếp nhận, rồi từ đó có thể có những đóng góp cụ thể trong công việc. Các công ty nên được thông tin và khuyến khích tiếp nhận sinh viên thực tập vì nhiều lợi ích khác nhau:

- Thứ nhất, việc tiếp nhận sinh viên thực tập là một kênh quảng bá về hình ảnh và thương hiệu công ty: quảng bá với người thân, bạn bè, thầy cô, mạng xã hội... 

- Thứ hai, những sinh viên trẻ có thể sẽ có một số cái nhìn mới, ý tưởng mới, và kỹ năng mới (đặt biệt về tin học, phần mềm, các tiêu chuẩn mới được cập nhật...). Nếu các bạn trẻ được lắng nghe, được tạo điều kiện để trình bày những ý tưởng mới, có thể sẽ thổi luồng gió mới trong quy trình hoạt động của đơn vị tiếp nhận.

- Thứ ba, việc tiếp nhận sinh viên thực tập có thể giúp công ty tuyển dụng được nhân sự phù hợp sau khi sinh viên tốt nghiệp. Việc sinh viên đã làm quen môi trường làm việc sẽ giúp tiết kiệm thời gian đào tạo ban đầu cho nhân viên mới. Hơn nữa, thời gian sinh viên thực tập giúp công ty có nhận xét đầy đủ về năng lực, tính cách của sinh viên, tránh trường hợp tuyển dụng nhân sự không phù hợp và phải thay thế.

- Thứ tư, việc tiếp nhận sinh viên thực tập đơn giản hơn về mặt hành chính cũng như ít tốn kém hơn về chi phí so với việc tuyển dụng nhân viên chính thức. Vấn đề là đơn vị tiếp nhận cần có kế hoạch bố trí công việc phù hợp để giúp thực tập sinh phát huy được khả năng của mình, tránh việc đang diễn ra hiện nay là rất nhiều thực tập sinh chỉ “kiến tập”.

2. Vấn đề số lượng sinh viên: 

Một trong những vấn đề của ngành Xây dựng trong thời gian qua là lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khá lớn, do hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành này, đồng thời nhiều trường còn chạy theo số lượng trong quá trình tuyển sinh. Điều này dẫn đến việc chế độ lương đối với kỹ sư ngành Xây dựng những năm qua trở nên thấp hơn so với nhiều ngành khác. Điều này cũng khiến ngành Xây dựng khó có thể thu hút những sinh viên tài năng để có thể có được những kỹ sư tài năng trong tương lai.

Do đó, cần có một quy hoạch tổng thể ở cấp độ quốc gia về nhu cầu công việc của ngành trong thời gian sắp tới, từ đó có được chính sách cân đối số lượng các ngành đào tạo của từng trường, tránh việc chạy theo số lượng tuyển sinh như hiện nay. Nguồn thu của các Đại học không nên chỉ tập trung từ nguồn học phí của sinh viên. Hiện nay, có một thực tế là nhiều Giảng viên Đại học chưa tập trung hoàn toàn cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường, vì bên cạnh đó những giảng viên này còn có các việc làm thêm bên ngoài.

Nếu các trường Đại học có chính sách và khuyến khích các hoạt động này được diễn ra thông qua khuôn khổ chương trình làm việc của Trường (ví dụ thay vì hợp đồng giữa công ty và giảng viên thì chuyển thành hợp đồng giữa công ty và nhà trường), nguồn thu của các trường Đại học sẽ được cải thiện.

3. Cập nhật chương trình và phương pháp đào tạo theo kịp xu hướng Thế giới: 

Ngoài việc cập nhật các chương trình đào tạo, các tiêu chuẩn để theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, việc kết hợp những môn học sử dụng công nghệ trong chương trình đào tạo là cần thiết, thay vì để sinh viên phải đi học ở các trung tâm bên ngoài.

Tăng cường những môn thí nghiệm và thực hành. Hiện nay, một số Đại học có xu thế ưu tiên cho các ngành kinh tế vì các ngành này không cần sự đầu tư nhiều về máy móc, trang thiết bị thí nghiệm, và các ngành này các có sức hút trong tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường cần có sự đầu tư cơ sở vật chất về phòng máy tính, phòng thí nghiệm.

Những môn về kỹ năng mềm như ngoại ngữ, khả năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm cần được quan tâm và được đào tạo bài bản.

Những môn liên quan đến phát triển bền vững, như công trình sử dụng hiệu quả năng lượng, kinh tế tuần hoàn cần được đưa thêm vào chương trình đào tạo. Mục đích của giáo dục Đại học không chỉ là để đáp ứng những nhu cầu hiện tại của xã hội mà còn là tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho tương lai [6].

Từ góc độ các nhà quản lý giáo dục và các giảng viên, cần ưu tiên việc phát triển khả năng tư duy, khả năng phản biện, khả năng sáng tạo cho sinh viên. Cần hạn chế việc bắt buộc thực hiện theo “form mẫu”. Cần khuyến khích việc áp dụng những xu thế công nghệ mới trong giáo dục, đào tạo, cũng như trong các thủ tục hành chính thông thường. Từ đó, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và phát triển tư duy khởi nghiệp.

4. Phải kể đến một số đặc thù về môi trường Việt Nam và Tây Nam Bộ: 

Ngoài chương trình đào tạo chung như nhiều trường khác trên thế giới, những môn học tự chọn nên kể đến những đặc thù của Việt Nam nói chung cũng như miền Tây Nam Bộ nói riêng. Vấn đề độ bền của các vật liệu và kết cấu xây dựng trong môi trường đặc thù của Việt Nam, như môi trường biển, môi trường nhiễm phèn, nhiễm mặn cần được chú ý hơn trong quá trình đào tạo.

Ví dụ về đặc thù của các công trình ven biển và trên biển có trong chương trình đào tạo và nghiên cứu của một số trường Đại học tại Anh và Trung Quốc. Các vấn đề về độ bền theo thời gian (durability), các vật liệu mới và các giải pháp phù hợp cho điều kiện khí hậu của vùng cần được ưu tiên phát triển [7].

5. Việc hình thành các Hiệp hội nghề nghiệp đủ lớn mạnh: 

Tại các nước phát triển, các Hiệp hội nghề nghiệp có sự ảnh hưởng lớn hơn, có thể tham gia vào nhiều công việc quan trọng như việc viết các Tiêu chuẩn Quốc gia, các Tài liệu hướng dẫn, và cả chứng chỉ hành nghề. Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù cũng có tồn tại nhiều Hiệp hội nghề nghiệp, nhưng ảnh hưởng của những Hiệp hội này còn có thể được cũng cố và mở rộng hơn. 

6. Đơn giản hoá một số thủ tục hành chính: 

Hiện nay, thủ tục hành chính trong một số chương trình đào tạo còn phức tạp so với nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, chương trình đào tạo bậc Tiến sỹ hiện nay yêu cầu học nhiều môn học, nhiều cấp độ bảo vệ chuyên đề, nhiều cấp độ bảo vệ Luận án (cấp Khoa, cấp Trường), nhiều cấp độ phản biện (phản biện kín và phản biện của các Hội đồng). Các thủ tục này khiến Nghiên cứu sinh tốn nhiều thời gian và còn ít thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, tại nhiều nước trên Thế giới, thường thì đề tài sẽ được xét duyệt khi đăng ký, và nghiên cứu sinh chỉ có một buổi bảo vệ cuối cùng. Tại một vài nước (ví dụ Bỉ hay Ấn Độ) thì có hai buổi bảo vệ, trong khi tại một số nước (ví dụ nhiều trường tại Úc) thì không cần bảo vệ [8], vì giảng viên hướng dẫn chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng luận án, và các kết quả của Luận án đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, vốn đã trải qua các vòng phản biện chặt chẽ.

Ngoài ra, trong xu thế khoa học công nghệ đã phát triển rất nhanh thời gian qua, cũng cần khuyến khích các nghiên cứu và tiếp cận có tính đa ngành. Ví dụ hiện nay trong các hồ sơ mở ngành đào tạo hoặc đăng ký Luận án Tiến sỹ, các quy trình vẫn còn đặt nặng việc chuyên ngành cơ bản của các thành viên trong hồ sơ: ví dụ phân biệt chuyên ngành đào tạo cơ bản là xây dựng dân dụng hay cầu đường,  tài nguyên nước hay quản lý dự án..., trong khi các cách tiếp cận và các kỹ năng liên ngành chưa được được đón nhận một cách rộng rãi.

Kết luận

Ngành Xây dựng và Kiến trúc đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Việc có những thay đổi đáng kể từ cấp độ vĩ mô đến vi mô là cần thiết. Việc thay đổi trong chương trình và phương pháp đào tạo, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong sinh viên, khuyến khích áp dụng những công nghệ mới, những công cụ mới là một nhu cầu của xã hội (ví dụ như BIM trong thiết kế, phát triển dự án; Internet of things trong giám sát các dự án từ xa; trí tuệ nhân tạo trong việc giảng dạy, thiết kế và phát triển dự án).

Việc đẩy mạnh phát triển các công trình thân thiện môi trường, thích ứng nền kinh tế tuần hoàn sẽ đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp cho ngành Xây dựng, bên cạnh những ngành nghề truyền thống như kiến trúc, kết cấu, giám sát... Trong tương lai gần, các kĩ sư năng lượng, các kiến trúc sư cho công trình không phát thải ròng, các kỹ sư kinh tế tuần hoàn, các nhà cung cấp vật liệu thân thiện môi trường, các nhà tư vấn các giải pháp mới... sẽ xuất hiện trong các dự án xây dựng.

Kiến thức và tư duy liên ngành trong giáo dục và đào tạo là rất cần thiết (ví dụ kiến thức cơ bản và sử dụng phần mềm; kiến thức kĩ thuật và kinh tế - xã hội; kiến thức xây dựng và vấn đề môi trường...).

PGS.TS Bùi Quốc Bảo - Khoa Kỹ thuật công trình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng 

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2913 khách Trực tuyến

Quảng cáo