Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Người ta đập nhà cổ, tôi đi gom mảnh vụn

Người ta đập nhà cổ, tôi đi gom mảnh vụn

Viết email In

Với hơn 10 ngàn lọ gốm có niên đại khoảng một đến vài trăm năm, gom góp được từ những cuộc đập nhà cổ, nhà xưa ở tỉnh Ninh Thuận, có thể đánh giá bộ sưu tập của họa sĩ Phan Trọng Văn là kỳ lạ và đồ sộ, vì ít có ai để tâm đến các lọ gốm bình thường này.

10 năm 10 ngàn lọ

Họa sĩ Phan Trọng Văn hiện là chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nên trong cách nhìn của anh, có những điểm khác biệt.

Trong khoảng 10 năm qua, cứ mỗi khi ở quê có ai phải phá bỏ nhà rường, thì anh lại đến xin hoặc mua rẻ các lọ gốm - vốn dùng thay gạch để xây dựng vách tường - vì nếu không thì người ta cũng đập bỏ đi. Đến nay Phan Trọng Văn đã gom được hơn 10 ngàn lọ, và công việc vẫn đang tiếp diễn, vì đây được xem là “giai đoạn cuối” của việc đập bỏ nhà xưa ở Ninh Thuận, trong khi người dân thì chẳng mấy “xót xa” với những cái lọ này. “Người ta đập nhà, tôi sưu tập lọ gốm”, đấy là phát biểu và cũng là “tôn chỉ” sưu tập lọ gốm của Phan Trọng Văn.

  • Ảnh bên : Họa sĩ Phan Trọng Văn bên các lọ gốm

Sinh ra và lớn lên tại làng Thuận Hòa (Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Thuận) - cùng huyện với làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng của người Chăm, Phan Trọng Văn nói rằng không hiểu vì sao từ Bình Định vào đến Phan Rang, Phan Thiết... ở hơn 100 năm trước, người ta lại hay lấy lọ gốm thay cho gạch để xây nhà, trong khi xây gạch thì thuận tiện hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng khi tiếp xúc với những lọ gốm này, có nhận xét ban đầu: “Các lọ gốm thủ công này có một diện mạo giống nhau, nhưng kích cỡ thì không bằng nhau, lại có hoa văn và những cái mấu trên miệng để có thể cột dây lạt, rất giống với các hũ đựng mắm cá cơm ở miền Trung. Những năm 1990, trong một khai quật ở sông Đồng Nai có thấy những lọ gốm này, giả thiết cho rằng chiếc thuyền chở những lọ gốm vào miền Nam để đựng đường thốt nốt (?). Nên mục đích ban đầu của nó chắc không phải làm ra để thay thế gạch xây dựng, mà là đồ gia dụng. Quan sát kỹ những vách nhà, có thể thấy những lọ gốm thuộc “hàng dạt”, không đạt chất lượng, nên người dân tận dụng để xây dựng; như ở Lái Thiêu cũng vậy, những đồ gốm bị hư do nung nấu, cũng được tận dụng xây hàng rào, vách nhà”.

Khoảng 10 ngàn lọ gốm thì không nhiều so với một giai đoạn gốm trong lịch sử, hay so với một lò gốm hiện nay, nhưng nếu nhìn từ góc độ cá nhân, thì con số này cũng thuộc diện kỷ lục của Việt Nam.


Lọ gốm nằm trong vách của một nhà rường

Muốn tặng một phần cho bảo tàng

Người dân ở Ninh Thuận gọi những lọ gốm này là “ống ghè”, chúng thường chỉ cao 20cm, miệng rộng 12cm, nhưng cũng có lọ cao 12cm hoặc 20cm. Hiện nay tại Ninh Thuận và các tỉnh lân cận, các lọ gốm này không còn được sản xuất nữa. Các bảo tàng ở Việt Nam, ví dụ như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng có sưu tập, nhưng số lượng rất ít, chỉ khoảng vài chục lọ.

Họa sĩ Phan Trọng Văn nói rằng anh thấy xót mà sưu tập vậy thôi, chứ đây là công việc nằm ngoài khả năng về kinh phí và hiểu biết của bản thân. Hiện những lọ gốm này được anh chất đống ở quê, chưa biết phải xử lý thế nào. Anh nói mình rất cần sự tiếp sức của những nhà nghiên cứu và nhà sưu tập, để có thể làm một hồ sơ, hay tìm chỗ trưng bày bài bản hơn.

Theo Phan Trọng Văn, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Ninh Thuận sắp khánh thành, anh nói sẽ tuyển lựa ra vài trăm lọ gốm tiêu biểu để trao tặng. “Tôi không biết thủ tục của việc tặng lọ gốm này thế nào, nhưng ước muốn của tôi là gốm của Ninh Thuận nên được lưu trữ, trưng bày, giới thiệu ở Ninh Thuận. Giá trị và ý nghĩa nghệ thuật của các lọ gốm thế nào thì còn cần phải có thời gian nghiên cứu, nhưng lưu giữ là việc cần thiết, vì nếu không, sau này có kết quả nghiên cứu rồi, chẳng còn đủ để mà trưng bày nữa”, Phan Trọng Văn nói.

Nhà sưu tập bất đắc dĩ này cũng cho biết rằng anh sẵn sàng chia cái ngôi vị “ông vua ống ghè” với bất kì ai, miễn người ấy có ý định lưu giữ và giới thiệu những lọ gốm đã thuộc về ký ức. Phan Trọng Văn nói thêm, xét về mặt kiến trúc, những nhà rường xây vôi với lọ gốm cũng đã có tuổi thọ hơn 100 năm, nghĩa là sức bền vật liệu của loại này khá tốt, cũng nên có một nghiên cứu chuyên sâu và bài bản hơn. Sau này có điều kiện, anh nói rằng mình muốn cất một cái nhà rường từ những vật liệu đã sưu tập được ở quê nhà, đặc biệt là vách tường thì sẽ xây bằng lọ gốm xưa nhưng để lộ thiên, như một nét riêng của kiến trúc ở mấy tỉnh Nam Trung bộ.

Văn Bảy

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2851 khách Trực tuyến

Quảng cáo