Ashui.com

Wednesday
Sep 18th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa hết điêu đứng

Nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa hết điêu đứng

Viết email In

Các nhà thầu xây dựng Việt Nam vừa phải đối mặt với 3 năm dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế, vốn đầu tư hạn hẹp, vài năm gần đây lại phải đối mặt với sự đình trệ của thị trường bất động sản, dẫn tới thiếu việc làm, khiến hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản…

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), diễn ra ngày 21/3, ông Trần Phước Tuấn, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, Chủ tịch VACC miền Trung, chia sẻ: hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp trên cả nước đều rất khó khăn, không riêng gì ngành xây dựng.


Toàn cảnh hội nghị của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Hàng loạt khó khăn bủa vây nhà thầu

Tại Việt Nam, 99% tổng số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, lượng doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm tới 93%, nhưng giải quyết công ăn việc làm cho đa số lao động trên cả nước. Trong 2023, chỉ tính riêng khu vực miền Trung đã có 17.700 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ngừng hoạt động hoặc giải thể vì không có việc làm, trong đó, Đà Nẵng có khoảng 3.650 doanh nghiệp. "Tại Đà Nẵng, hiện có tầm 1.700 doanh nghiệp xây dựng và liên quan đến ngành xây dựng đang hoạt động (chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp tại TP.Đà Nẵng), nhưng chủ yếu là có vốn dưới 1 tỷ đồng. Trong khi đó, lĩnh vực đầu tư tư nhân giảm sút, nguồn cung dự án mới gần như không có, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi…, bởi vậy, phần lớn không có việc làm nên hết sức khó khăn”, ông Tuấn phân tích.

Đại diện VACC miền Trung cũng cho hay trong năm 2023 - 2024, vốn đầu tư công ở miền Trung rất lớn nhưng dành cho giao thông và do các doanh nghiệp lớn đảm nhận là chính. Còn các dự án công trình dân dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như bỏ ngỏ. Trước kia, các doanh nghiệp này thường thực hiện các khu tái định cư, làm đường, làm cống…, thì đến nay  hầu như không có. Một vài doanh nghiệp trước đây khá nổi tiếng, doanh số 2-3 ngàn tỷ, thì hiện nay hoạt động chưa đến 20% công suất.

Về vốn đầu tư công cũng còn nhiều bất cập. Ví như một công trình công sau khi đấu thầu xong, mà không giải phóng được mặt bằng, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp được tạm ứng 10% để nhà thầu mua vật tư, chuẩn bị thi công… nhưng mua xong, sau 3 tháng vẫn không có mặt bằng, không triển khai được, thì theo quy định, phải nộp lại tiền cho ngân sách, nếu không nộp là nhà thầu vi phạm Luật Ngân sách, dù nguyên nhân không phải do nhà thầu… Đến nay, rất nhiều vụ việc kiểu này chưa giải quyết được, nhiều nhà thầu vừa và nhỏ không chịu nổi. Chủ tịch VACC miền Trung kể rằng: "Tôi có dự án làm từ thời nhận 1 anh sinh viên mới ra trường vào thực tập, đến khi con anh í học lớp 12 rồi mà vẫn chưa lấy được hết tiền từ chủ đầu tư".

“Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác nữa liên quan đến hợp đồng, cạnh tranh, phá giá… đang làm nhiều nhà thầu điêu đứng. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng chế tài bên nào làm sai thì bên đó chịu trách nhiệm và đề nghị giải quyết vấn đề thể chế cho nhà thầu chứ không, sau thời gian nữa, ngành xây dựng chẳng có ai làm”, ông Tuấn bày tỏ.

Cũng nói về khó khăn của các nhà thầu, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Newtecons, phân trần thời gian gần đây, số lượng dự án mới khan hiếm, nhà thầu có việc mà lãi được 2% cũng là cao rồi. Nhưng nếu không biết quản lý là không còn, và nếu chủ đầu tư trả tiền chậm, hoặc không thanh toán còn “chết” nữa. Điều đó cho thấy bài toán duy trì doanh nghiệp thôi đã rất khó. Vấn đề tháo gỡ để có nguồn công việc phải khai thông từ phía Nhà nước, thông qua việc thực hiện thủ tục pháp lý để các dự án bất động sản đủ điều kiện triển khai, chứ giờ nhiều nơi không dám ký.

Khi nguồn cung dự án bất động sản tăng, nhà thầu mới có việc

Cũng tại hội nghị, một ấn đề nữa được các đại biểu đưa ra là kinh tế phát triển chưa như mong muốn, tiền vẫn nằm trong ngân hàng, không giải ngân được. “Các doanh nghiệp đang khó khăn trong xoay sở nguồn vốn, trong khi ngân hàng lại thừa tiền, chủ yếu do lượng cung tiền cho các dự án bất động sản giảm đi rất nhiều. Chúng ta đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (10 năm), đến giờ là năm thứ tư nhưng mới chỉ có 1% con số đó được đưa vào khai thác, còn lại vẫn nằm trên giấy (mới được phê duyệt hoặc đang chờ xem xét, phê duyệt). Như vậy, trong 2024, số dự án được triển khai vẫn hạn chế nên vấn đề công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng vẫn còn nan giải”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận định.

Cùng chung quan điểm, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Phục Hưng Holdings, cho rằng phải tăng cung đầu tư, phải có nhiều dự án thì ngân hàng mới tăng giải ngân được.

Phản hồi các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, thông tin: "Nhà thầu Xây dựng trong nhiều năm nay liên tục gặp nhiều khó khăn từ sự đóng băng của thị trường xây dựng và các dự án bất động sản bị bế tắc về pháp lý. Tuy nhiên, nhìn về thị trường xây dựng trong thời gian tới, vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng".

Đầu tiên là các Luật mới đã được thông qua như: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật đất đai, hướng dẫn Luật Đấu thầu... sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tiếp đó là ngành Xây dựng Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang xây dựng công trình ngầm trong 5-10 năm tới. Đầu tư công đón nguồn ngân sách trong năm 2024 lên đến 220 ngàn tỷ và vẫn có sẵn 500 ngàn tỷ trong kế hoạch đang giải ngân thực hiện.

Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác sẽ cho phép nhà đầu tư “được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở”, sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư “đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ước tính hiện có khoảng 700 dự án vướng mắc về điều này, khi được tháo gỡ, không chỉ giúp tăng nguồn cung bất động sản, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, có một vấn đề là ngành xây dựng đang gặp phải là tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Với các công trình yêu cầu trình độ, công nghệ cao, nhà thầu quốc tế nắm hết những phần chi phí lớn, nhà thầu trong nước chỉ làm việc giản đơn, chi phí thấp. Ví như tại dự án sân bay Long Thành, có 48% là lao động trong nước, thường chỉ phụ trách việc san lấp, còn 52% là lao động nước ngoài, phụ trách các công việc kỹ thuật.

“Do đó, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực nhà thầu để có thể tham gia sâu hơn, hàm lượng chất xám và công nghệ cao hơn trong các gói thầu đòi hỏi công nghệ cao trong tương lai. Nếu không, có đẩy mạnh đầu tư công, triển khai nhiều dự án lớn thì cũng chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho nhà thầu nước ngoài”, ông Hiệp nói.

Phan Dương

(VnEconomy)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo