Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Xanh hóa ngành thép - Thích ứng và hành động

Xanh hóa ngành thép - Thích ứng và hành động

Viết email In

Xanh hóa ngành thép là một trong những xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Các doanh nghiệp ngành thép buộc phải sớm thay đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, kỹ thuật... để từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải carbon thấp, đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững.

 

Từ năm 2015 đến nay, ngành công nghiệp thép Việt Nam đã có bước phát triển và trở thành quốc gia sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm. Ngành thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thép của Việt Nam vẫn có phát thải khí nhà kính (KNK) lớn và tác động tiêu cực tới môi trường.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép với đặc thù có mức phát thải rất cao, mỗi năm vẫn thải ra tương đương 3,5 tỷ tấn khí thải carbon, chiếm khoảng 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (ENERTEAM) cũng cho biết, hiện mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam là 2,51 tấn CO2/tấn thép thô, trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô.

Thay đổi để thích ứng

Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM) sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất của nước sở tại. Bốn nhóm hàng bao gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Trong đó, các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu trên.


CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất của nước sở tại.

Theo đó, cơ chế được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, bắt đầu từ tháng 10/2023, thí điểm áp dụng ban đầu với các hàng hóa nhập khẩu, trong đó có ngành thép. Các doanh nghiệp xuất khẩu giai đoạn này chỉ phải khai báo mức phát thải.

Giai đoạn bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng sẽ bắt đầu từ sau năm 2026. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải (ETS) của EU, biểu thị bằng EUR/tấn CO2 thải ra. Nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh về mặt giá trị.

Để đưa nền công nghiệp thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 thì các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức, chủ động nghiên cứu và cập nhật liên tục các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến lộ trình trung hòa carbon đến năm 2030. Các doanh nghiệp cần xây dựng được lộ trình riêng về trung hòa carbon cho mình thật đúng đắn và chính xác để hạn chế các rủi ro. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức về CBAM cũng như nắm rõ được cơ hội và thách thức khi thực hiện.

Bởi, nếu không hiểu rõ nội dung của EU CBAM có thể dẫn tới việc vượt quá lượng phát thải carbon cho phép dẫn đến bị trả phí cao hơn.

Công nghệ chế tạo thép xanh hay còn gọi là công nghệ sản xuất thép đột phá bằng H2, được xem là một cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp này, giúp giảm ít nhất 90% lượng khí thải carbon khi so với sản xuất thép truyền thống. Đây được coi là cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp vốn thải ra khoảng từ 7 - 9% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, cho rằng, trước mắt doanh nghiệp cần nhận thức tốt về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu Net Zero. Khi nhận thức tốt, doanh nghiệp sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khoa học công nghệ, kỹ thuật để từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải carbon thấp đáp ứng yêu cầu về mặt thực tiễn trong thời gian tới.

Hiện tại, Việt Nam đang bước đầu xây dựng lộ trình trung hòa carbon ngành thép để thích ứng và phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tối ưu hoá quy trình, năng lượng, nguyên liệu thô và cải tiến công nghệ nhằm giảm 10 - 30% lượng phát thải CO2. Giai đoạn 2025 – 2030 sẽ sử dụng nguyên liệu carbon thấp, tăng cường lượng khí H2 trong các nhà máy sắt xốp lên 30%, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ngoài ra, kế hoạch phát triển thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy động lực xanh hóa trong ngành thép nói riêng và các ngành phát thải KNK nói chung.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được CBAM. Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh.

Mỗi năm ngành thép của Việt Nam thải ra tương đương 3,5 tỷ tấn khí thải carbon, chiếm khoảng 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp. Mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam là 2,51 tấn CO2/tấn thép thô, trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô.

Trách nhiệm và hành động

Có thể thấy, việc xanh hóa hoạt động ngành thép để đáp ứng với yêu cầu chung của toàn cầu vừa là thách thức, song cũng là động lực thúc đẩy ngành thép trong nước hướng tới sản xuất xanh. Việc xanh hóa ngành thép dù có nhiều thử thách với chi phí vốn lớn, nhưng thép xanh được nhận định sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Số liệu chia sẻ từ các doanh nghiệp cho thấy, trước đây, với việc sử dụng than cốc để hoàn nguyên thép, mỗi tấn thép được sản xuất sẽ thải ra môi trường từ 2,0 - 2,5 tấn CO2.

Khi chuyển sang sử dụng công nghệ hiện đại như khí gas và H2 để hoàn nguyên thép, có thể giảm được đến 86% lượng phát thải CO2 ra môi trường so với phương pháp cũ. Tuy nhiên, dù phải bỏ thêm nhiều chi phí để thay đổi công nghệ, nhưng các doanh nghiệp đều nhận thấy điều này rất cần thiết. Bởi, đây vừa là trách nhiệm bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là điều kiện để sản phẩm của mình có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết, đơn vị đang nghiên cứu và sẽ triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV năm nay. Đây là bước lấy đà quan trọng trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường. Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát.


Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động thực hiện lộ trình đầu tư phát triển thép xanh, giảm phát thải KNK và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai.

Thông tin từ đại diện Tập đoàn Hòa Phát, hiện đơn vị đang làm kiểm kê phát thải KNK theo yêu cầu của Chính phủ cũng như đáp ứng cho việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động thực hiện lộ trình đầu tư phát triển thép xanh, giảm phát thải KNK và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai như việc sử dụng công nghệ tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, tự chủ 80% điện sản xuất thép, xỉ hạt lò cao nghiền mịn (S95) được tái sử dụng cho ngành Xây dựng.

Ngoài ra, Hòa Phát cũng sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép kết cấu…

Cụ thể, doanh nghiệp đã và đang áp dụng 8 giải pháp nhằm giảm phát KNK bao gồm: Đào tạo và thực hành cho CBCNV Tập đoàn theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về kiểm toán năng lượng, CBAM; sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT).

Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ô tô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2… Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa carbon.

Một số giải pháp đã được Tập đoàn tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp (DRI); thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.

Theo ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, đơn vị đã chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó bởi mục tiêu là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Nếu không nắm kỹ quy định sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới. Đây cũng là vướng mắc của đại đa số doanh nghiệp. Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, sẽ cố gắng đến năm 2050 đạt được mục trung hòa carbon.

Ngành công nghiệp thép Việt Nam dù đang phải đối mặt nhiều thách thức khắc nghiệt, nhưng nếu biết thích ứng nhanh chóng với thời cuộc, đầu tư nghiên cứu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, cùng việc tận dụng triệt để những cơ hội mới trong xu hướng tăng trưởng bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép vươn lên, bắt kịp xu hướng và tạo được thương hiệu riêng trên thị trường quốc tế.

Thu Thảo

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo