Ashui.com

Friday
Mar 29th

Giá thép tăng sốc

Viết email In

Sáng 09/3, một loạt DN thép lại điều chỉnh giá bán. Mỗi tấn tăng thêm 600.000 đồng - mức tăng rất cao và được coi là gây choáng váng cho khách hàng có nhu cầu với mặt hàng này.

Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên quyết định tăng giá thép cây, thép cuộn xây dựng ở mức 600.000 đồng/tấn - mức rất cao trong lịch sử điều chỉnh giá. Việc tăng giá áp dụng từ ngày 09/3. Theo lý giải của công ty này, giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng nên DN tăng giá bán.

Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức cũng thực hiện tăng giá từ ngày 09/3 cho đến khi có thông báo mới với mức tăng là 600 đ/kg (giá chưa bao gồm VAT).

Tương tự, giá bán thép của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco cũng được thực hiện cập nhật mới từ 09/3.


Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép.

Sau điều chỉnh, giá thép hiện được nhiều đại lý bán với giá hơn gần 20.000 đ/kg. Nhiều DN xây dựng còn cho biết dù cũng đã được thông báo giá thép còn tăng từ phía đại lý, song vẫn không khỏi "choáng váng" với bảng báo giá cập nhật hôm nay khi giá thép lên 19.900 đ/kg (cả VAT).

Trong khi đó, chủ một đại lý sắt thép tại Hà Đông cho biết, giá thép bắt đầu tăng từ sau Tết Nguyên đán và đến nay chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn "sốc" hơn.

Báo cáo cập nhật của một số công ty thép dự báo, giá bán thép và giá thành sản xuất thép sẽ tiếp tục tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao.

Giá dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng mạnh trở lại.

Trong báo cáo chuyên đề vừa công bố, nhóm chuyên gia VnDirect cho rằng, cùng với giá dầu, phân bón, giá thép có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Một số DN ngành thép có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán leo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng", chuyên gia VnDirect nhận định.

Cụ thể, chuyên gia công ty chứng khoán này cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép. Theo Hiệp hội thép thế giới (WSA), 2 quốc gia này đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép trong năm 2021.

Ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo thang từ ngày 24/02, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ.

Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận. "Chúng tôi cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới", trích thông tin từ công ty chứng khoán.

Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer.

EU cũng là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ. Do đó, những DN hàng đầu ngành thép có thể được hưởng lợi từ diễn biến này, theo quan điểm của đơn vị trên.

Nguyên Mạnh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo