Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Đầu tư vào “vòng xoáy” thép xây dựng: Hòa Phát phiêu lưu hay nhạy bén?

Đầu tư vào “vòng xoáy” thép xây dựng: Hòa Phát phiêu lưu hay nhạy bén?

Viết email In

Dựa vào nhu cầu thị trường thép trong nước tăng mạnh và động thái áp thuế tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu của Nhà nước, Hòa Phát quyết đầu tư lớn vào “vòng xoáy” thép xây dựng. 

Quyết định đầu tư gần 3 tỷ USD vào Dự án Thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát trong bối cảnh thị trường thép thế giới đang “bội thực” với làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc liệu có đưa tập đoàn này vào một cuộc phiêu lưu?  

Kế hoạch tỷ USD

Cuối cùng, một bản kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn Hòa Phát trong vòng ba năm tới đã được đại hội đồng cổ đông thông qua mới đây. Theo đó, doanh thu năm 2020 của tập đoàn này sẽ đạt 100.327 tỷ đồng, tăng gần gấp ba lần so với doanh thu năm 2016. Trong đó, doanh thu đến từ sản phẩm thép xây dựng sẽ chiếm hơn một nửa. Kế hoạch này được đưa ra dựa trên ước tính rằng, sản lượng thép của Hòa Phát tiêu thụ vào năm 2020 dự kiến sẽ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, gấp ba lần so với sản lượng thép kỷ lục mà Hòa Phát đạt được trong năm 2016. 

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, với mức doanh thu và sản lượng thép tiêu thụ cao gấp ba lần năm 2016, Hòa Phát sẽ có tầm vóc mới vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, một kế hoạch khổng lồ đã được Hòa Phát vạch ra từ cuối năm 2015 và mới đây nhất đã được Chính phủ chấp thuận, đó là xây dựng tổ hợp sản xuất thép Dung Quất ở Quảng Ngãi. Dự án thép này có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD và sản lượng thép hàng năm là 4 triệu tấn. Nếu hoàn thành, đây sẽ là dự án thép có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, sau dự án của Formosa tại Hà Tĩnh.

Nói chính xác, Tập đoàn Hòa Phát sẽ mua lại các tài sản thanh lý của Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Guang Lian Dung Quất đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do vi phạm cam kết về tiến độ. Số tiền mà Hòa Phát bỏ ra mua lại những tài sản thanh lý này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Guang Lian Steel (công ty con của E-United) thống nhất là 226,5 tỷ đồng. Với tỉnh Quảng Ngãi, có thể nói đây là hướng tích cực để giải quyết một dự án dở dang bằng việc thay thế nhà đầu tư này bằng nhà đầu tư khác.

Kế hoạch ban đầu của Hòa Phát là triển khai dự án làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng và có công suất 2 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm. Hòa Phát cam kết hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng kể từ ngày nhận giấy phép. Giai đoạn 2 sẽ được Hòa Phát tiến hành xây dựng sau 18 tháng kể từ khi giai đoạn 1 bắt đầu đi vào hoạt động và cũng được hoàn thành trong 24 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn 2 sẽ sản xuất thép cuộn cán nóng. Tuy nhiên, theo thông tin được Hòa Phát công bố mới đây, toàn bộ hai giai đoạn của nhà máy sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

Giải thích về sự thay đổi kế hoạch đầu tư này, ông Long cho biết, Dung Quất là một mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của công ty. Dựa trên nhu cầu của thị trường thép trong nước đang tăng mạnh, ông Long tin rằng, quyết định đầu tư cả hai giai đoạn cùng một lúc là thời cơ để Hòa Phát bứt phá. Sự rốt ráo với dự án đầu tư cũng thể hiện ngay ở khâu huy động vốn. Ngay sau khi Chính phủ chấp thuận dự án, Hòa Phát đã ký kết một hợp đồng vay vốn 10.000 tỷ đồng với Vietinbank. Tập đoàn này cũng công bố sẽ chào bán 250 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để thu về không dưới 4.000 tỷ đồng nhằm phục vụ dự án đầu tư. 

Vì muốn thực hiện chiến lược tăng tốc nên chúng tôi mới phát hành cổ phiếu. Nếu chia dự án thành 2 giai đoạn thì Hòa Phát cũng không cần phát hành, nhưng lần này chúng tôi muốn làm luôn. Đây cũng là lần đầu tiên Hòa Phát chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu kể từ khi niêm yết đến giờ”, ông Long chia sẻ.

Phiêu lưu?

Có lẽ những người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát như ông Trần Đình Long đang rất lạc quan vào sự phát triển của thị trường thép Việt Nam sắp tới và coi dự án Dung Quất là quân Át chủ bài để chiến thắng trong cuộc chơi. Lạc quan cũng phải, vì nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng và thép công nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thị trường thế giới thì dường như Hòa Phát lại đang có một cuộc phiêu lưu ngược dòng.

Năm 2015 và 2016 cả thế giới đã chứng kiến một làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc tràn ra khắp toàn cầu, khiến cho thế giới bị bội thực thép Trung Quốc. Năm ngoái cường quốc kinh tế số hai thế giới đã xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép ra thế giới. Làn sóng thép giá rẻ của Trung Quốc suýt chút nữa đã buộc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) phải đóng cửa nhà máy thép tại Anh, khiến Chính phủ nước này cực chẳng đã phải ra tay cứu giúp nhằm ngăn chặn tình trạng mất việc làm của người dân nước này.

Còn tại Việt Nam, nguy cơ bội thực thép Trung Quốc đã đe dọa tới chính các chủ đầu tư trước đó của dự án thép Dung Quất. JFE Steel của Nhật Bản, một trong 10 công ty thép lớn nhất thế giới, năm 2012 đã ký một thỏa thuận nghiên cứu đầu tư nhằm mua lại hơn 80% cổ phần của dự án thép Dung Quất. Tập đoàn này còn định tăng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD và nâng công suất từ 4 triệu lên 7 triệu tấn thép/năm. Nhưng đến năm 2015, sau 3 năm dài nghiên cứu, JFE Steel đã từ bỏ ý định đầu tư vào Dung Quất. Lý do là tập đoàn này lo ngại sự cạnh tranh từ các nhà máy thép lớn ở phía Nam Trung Quốc, kèm với đó là siêu dự án thép Formosa ở Hà Tĩnh sắp đi vào hoạt động. JFE Steel cho rằng, nếu tiếp tục theo đuổi Dung Quất, khả năng tập đoàn này nhận thất bại là rất cao. Để tiếp tục mục tiêu thâm nhập thị trường Đông Nam Á, JFE Steel đã chọn một lối đi khác, nhanh hơn và ít rủi ro hơn, đó là bỏ ra 225 triệu USD để mua lại 5% cổ phần tại Formosa Hà Tĩnh. 

Còn với E-United, sau 10 năm theo đuổi dự án, bỏ ra hàng chục triệu USD vào giải phóng mặt bằng, tuyển dụng nhân sự và đầu tư một phần hạ tầng, hãng sản xuất thép thuộc hàng tên tuổi tại Đài Loan này cuối cùng cũng đành bỏ cuộc giữa chừng. Theo E-United, sự thay đổi của thị trường thép thế giới đã khiến dự án kém khả thi đi rất nhiều.

Trong khi hai nhà đầu tư trước, đều là những tên tuổi lớn trong ngành thép thế giới, lắc đầu từ chối Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát lại đi con đường ngược lại. Một lợi thế mà Hòa Phát đang dựa vào để cạnh tranh với thép nhập khẩu hiện tại là Chính phủ đã áp thuế tự vệ với thép nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc.

Việc áp thuế tự vệ là chính đáng, không trái với cam kết hội nhập của Việt Nam, góp phần bảo vệ sản xuất, việc làm trong nước. Phải vậy thì doanh nghiệp Việt mới vươn lên, đóng góp cho nền kinh tế đất nước”, ông Long nói.

Nhưng Hòa Phát không thể dựa mãi vào lợi thế này. Hàng rào đó sẽ sớm tới lúc phải hạ xuống và có một điều chắc chắn rằng, sức ép cạnh tranh từ thép nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Năm 2016, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đạt 18,4 triệu tấn với tổng kim ngạch là 8,02 tỷ USD. Trong đó, riêng nhập từ thị trường Trung Quốc là 10,9 triệu tấn, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng lượng thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 55,5% tổng trị giá. Trước tình trạng đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đưa ra dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 cho ngành sản xuất thép.

Một thách thức không nhỏ nữa với Dự án Thép Dung Quất đến từ “hàng xóm” liền kề - tổ hợp Formosa Hà Tĩnh. Với quy mô vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 7 triệu tấn thép mỗi năm, Formosa Hà Tĩnh đang là mối đe dọa với bất cứ công ty sản xuất thép nào tại Việt Nam. Ông Long có nói rằng, kinh nghiệm về thị trường thép nội địa của Formosa chỉ là con số 0 so với 10 năm kinh nghiệm của Hòa Phát, nhưng dường như ông quên mất rằng, Formosa Hà Tĩnh còn có sự tham gia của JFE Steel (5%) và China Steel. Công ty thép lớn nhất Đài Loan, China Steel, hiện đang nắm giữ 25% vốn tại Formosa Hà Tĩnh. Hai người khổng lồ trong ngành thép này chắc chắn sẽ có những đóng góp không nhỏ vào sức mạnh cạnh tranh của Formosa Hà Tĩnh sau khi dự án này đi vào hoạt động trong thời gian tới. 

Ngọc Linh 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo