Ashui.com

Wednesday
May 01st
Home Tương tác Góc nhìn Công nghệ thông tin và truyền thông cho quản trị đô thị: Vẫn chờ được kết nối

Công nghệ thông tin và truyền thông cho quản trị đô thị: Vẫn chờ được kết nối

Viết email In

Các nhà kinh doanh công nghệ và hạ tầng những năm gần đây đã nỗ lực khuếch trương cho các mô hình “đô thị thông minh” hay “toà nhà được kết nối”. Thực tế là đa số chưa kết nối đồng bộ và chưa thông minh.

Một hệ thống mạng truyền thông hiện đại cho các toà nhà như trụ sở bộ Tài chính, Sacombank, Sông Đà, Dầu khí, VMS, EVN… có chi phí hàng triệu đôla Mỹ để đưa các mạng cáp quang với đường truyền băng thông tốc độ cao vào phục vụ cho các hoạt động bên trong. Có đến hàng ngàn toà nhà ở các đô thị lớn trong nước cần các đầu tư như vậy cho việc điều hành. Tuy nhiên, việc kết nối hạ tầng công nghệ với các công trình xây dựng để tạo ra những tiện ích thông minh lâu nay không được chú trọng.



Chi phí lớn và lãng phí

Mạng truyền thông là một phân khúc thị trường hấp dẫn trong kinh doanh bất động sản nói riêng và hạ tầng đô thị nói chung. Chẳng hạn IBM đang cùng TP.HCM khảo sát để thử nghiệm mô hình giao thông thông minh, hay Cisco đang cùng với thành phố Đà Nẵng theo đuổi sáng kiến xây dựng nền tảng kết nối mạng diện rộng, phủ sóng wifi cho các không gian công cộng…

Các doanh nghiệp cũng đã có những mô hình đầu tư khá hiện đại với trung tâm điều hành và thông tin viễn thông như tập đoàn Điện lực (EVN) tại Hà Nội có mạng thông tin với 500 kênh truyền dẫn cáp quang 10GB với băng thông có tốc độ truyền dẫn đến gigabit cho tối thiểu 5.000 người làm việc. Toà nhà Sông Đà đầu tư cáp quang cho hơn 10.000 nút mạng, Sacombank và VNPT Hà Nội với hơn 6.000 nút mạng, toà nhà tập đoàn Dầu khí với gần 7.000 nút…

Tuy nhiên thị trường mới vài điểm sáng, về toàn cục còn rất manh mún. Trong khi đó thì mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp là khá gay gắt với hơn 15 thương hiệu mạng cáp quốc tế và nội địa, từ thấp đến cao về chất lượng, giá thành, thương hiệu, giải pháp... Mặt khác, đa phần các dự án hiện quan tâm về giá thành mà chưa nhận thức được tổng chi phí cho hệ thống lâu dài. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang kiểu đầu tư tiết kiệm, dẫn đến phí tổn thay đổi, sửa chữa, nâng cấp, thời gian, nhân lực, rủi ro, và cả chi phí cơ hội… đều cao hơn.

Theo ông Đặng Thạch Quân, giám đốc công ty công nghệ Quang Dũng (QD.Tek), so với năm 2005, thị trường bắt đầu phát triển và phân lớp đầu tư. Nhưng sự hạn chế lớn do nhìn chung chưa đánh giá tầm quan trọng của hệ thống. Đa số nhà đầu tư vẫn xem đây là thiết bị vật tư chứ chưa phải là một hệ thống cần có giải pháp và thiết kế tổng thể, dẫn đến việc hệ thống triển khai thiếu đồng bộ và thiếu tuân thủ chất lượng. Các hệ thống được đầu tư có tuổi thọ vài ba năm so với tiêu chuẩn quốc tế 12 – 15 năm. Các chi phí “quan hệ” trong các dự án cũng là yếu tố dẫn đến việc phát triển không lành mạnh của thị trường này… “Hạ tầng mạng là hạng mục cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn”.

Chưa thông minh

Tại một hội thảo gần đây, bà Mrinalini Ingram, giám đốc cấp cao về chiến lược và phát triển toàn cầu Cisco, cho rằng nền tảng của một đô thị hiện đại là mạng lưới hạ tầng thông tin được truyền tải từ các toà nhà, trung tâm thương mại, các trung tâm công cộng… Nền tảng đó cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng, từ giao thông vận tải, an ninh công cộng, tới giải trí, y tế, cứu nạn cứu hộ… được kết nối với nhau để hỗ trợ cho việc điều hành.

Theo kiến trúc sư Đỗ Tú Lan, phó cục trưởng cục Phát triển đô thị (bộ Xây dựng), sự phát triển của đô thị Việt Nam chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin đơn giản. Trong khi đó, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển hạ tầng thiếu đồng bộ và hạ tầng viễn thông lâu nay chưa được đưa vào hệ thống quy hoạch đô thị.

Ông Đặng Thạch Quân cho rằng nhà đầu tư cũng thiếu sự hỗ trợ của luật pháp vì cần có tiêu chuẩn Việt Nam quy định chặt chẽ về hạ tầng truyền thông, vốn là một trong ba hạ tầng quan trọng nhất trong thiết kế đô thị hiện đại. Cho đến nay vẫn chưa có luật nào quy định rõ ràng, vì thế thiếu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển cho loại hạ tầng này.

Tuyết Ân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo