Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Góc nhìn Con người với Thiên nhiên: Ứng xử hay là ứng phó?

Con người với Thiên nhiên: Ứng xử hay là ứng phó?

Viết email In

Ashui.com xin giới thiệu một vài suy nghĩ của GS Hoàng Đạo Kính nhân Hội thảo "Tính khoa học của Phong thủy trong Kiến trúc và Xây dựng" vừa được tổ chức tại Hà Nội:   

Một trong những đầu ra của thuật phong thuỷ trong đời sống và kiến trúc hiện đại chính là vấn đề ứng xử với Thiên nhiên. Và, khi Thiên nhiên đang bị thách thức nguy hại hơn cả bởi Con người, thì vấn đề không chỉ còn là ứng xử, mà là ứng phó.

Ứng xử hay là ứng phó?

Nếu cả ngàn năm nay, Con người hành xử với Tạo hoá có ý tứ như thuật phong thuỷ mách bảo, thì ngày nay hẳn đã chẳng sa vào cuộc Đại ứng phó. Ứng phó với nước tràn chỗ này và đất lở chỗ kia thì dễ, chứ ứng phó với Trời Đất thì quả là vô vọng.

Ứng xử hay ứng phó = Tồn tại hay không tồn tại?

Nghĩ tới sự lành mạnh của phong thuỷ lòng ta lại nao nao bởi con quỷ chủ nghĩa hoài nghi.

Ứng xử với Trời đất là nhận ra và thấu hiểu: Vạn vật sống, cảm, có giới hạn và đều không hồi sinh. Ta không phải là tất cả, ta chỉ là loài trong muôn loài. Bởi thế, ứng xử với Tạo hoá phải cẩn trọng, hiền hoà, dè dặt, biết điều.

Thuật phong thuỷ cũng như nhiều khoa học, tích và triết từ chiêm nghiệm thực tế và hun đúc bởi thời gian, không đủ sức làm cái việc cản ngăn hoặc cảnh báo. Con người, rượt đuổi nhu cầu, rượt đuổi sự thoả mãn, vươn cao hơnvà vươn không biết điểm dừng trong sáng tạo công nghệ thoả mãn nhu cầu, tự tin và háo hức thu phục Thiên nhiên. Song, Thiên nhiên không phải Ông Ba mươi, dữ dằn đến mấy rồi cũng bị hạ sát, đem nấu cao. Thiên nhiên, chịu thua Người chỗ này, quật lại Người chỗ khác.

Thế giới đảo lộn, Trời đất xộc xệch.

Thời đại ứng phó triền miên và toàn phần đã đến!

Thời nay, sinh thái hoá kiến trúc là sự ứng phó: Đem cây trồng trên các tầng nhà và mái nhà, mệnh danh là Lục hoá kiến trúc. Cùng lúc ấy, phi lục hoá những không gian bao la bất tận ở đại vùng sông Anđơ, trơ trụi hoá những cánh rừng còn sót lại trên đất Việt Nam ta.

Phong thuỷ, hiểu thấu, giúp ta hôm nay lựa thái độ và chọn cách ứng xử với Thiên nhiên: Khi quy hoạch xây dựng những đô thị mới, những đại đô thị, chớ coi cái bản đồ là tờ giấy báo giá đất. Ta hãy áp tai xuống đất mà nghe và cảm: dưới lòng đất vô vàn những mạch nước – mạch sống đang chảy róc rách.

Cây - đô thị thả rễ đời xuống đó. Ta hãy hướng tầm mắt ra bao la: sông – ngòi – núi - đồi – thung lũng - đồng bằng, chao ôi, như Ai sắp đặt rồi! Quy hoạch đô thị, giải mã và lồng ghép vào đó.

Phong thuỷ xa lạ với chủ nghĩa thực dụng, dụng vị dụng, hiện đại.

Hà Nội, 12/2009 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo