Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Từ sân golf Đak Đoa - phải chăng muốn phát triển thì phải hy sinh rừng?

Từ sân golf Đak Đoa - phải chăng muốn phát triển thì phải hy sinh rừng?

Viết email In

“Dù là người trong ngành, nhưng tôi vẫn thường phải bất lực nhìn rất nhiều diện tích rừng bị chuyển đổi để nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế. Nay là trên chính nơi mình sinh ra và lớn lên”, anh N.Q.Đ, một chuyên gia ngành lâm nghiệp trong lĩnh vực điều tra và quy hoạch rừng, nói về dự án sân golf Đak Đoa (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).


Rừng thông Đak Đoa. (Ảnh: Quyết Hồ)

Rừng tiếp tục mất

Đầu tháng 4 năm nay, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa nằm trên địa bàn thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, với tổng diện tích là 174 héc ta, trong đó có 156 héc ta rừng thông gần 50 năm tuổi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để nhường chỗ cho sân golf 36 lỗ. Dự kiến sẽ còn thêm hàng trăm héc ta rừng ở đây bị chuyển đổi.

Anh Đ. kể rằng, hồi anh còn nhỏ, không chỉ rừng thông mà cả vùng Đak Đoa có rất nhiều rừng. Từ thôn 3, xã Tân Bình nhà anh, chỉ cần đi vào khoảng 2 ki lô mét là rừng bạt ngàn. Nhưng hình ảnh ấy nay chỉ còn trong ký ức. Rừng mất đi gần hết, đất thành trơ trọi. Khu rừng thông còn sót lại vốn được trồng lại trên đất bị thoái hóa sau canh tác nông nghiệp, và đã phải mất tới 50 năm mới có được như ngày nay.


Những mạch nước hiếm hoi ở cuối rừng thông cấp nước tưới cà phê và tiêu cho người dân. Nếu sân golf được mọc lên thay thế cho khu rừng thông hiện tại, nguy cơ xung đột và ô nhiễm nguồn nước tại đây là rất cao. (Ảnh: Quyết Hồ)

Việc rừng bị đốn hạ để thay vào đó bằng những vườn cây công nghiệp (tiêu, cà phê...) đã làm cho nguồn nước ngầm ở đây tụt giảm nghiêm trọng. Anh Đ. cho biết, trước đây giếng đào khoảng 20-25 mét là có nước, nay có nơi phải đào tới 30-40 mét. Cánh đồng An Mỹ, vốn là nơi canh tác lúa của người dân khu vực (xã Tân Bình, Glar, An Mỹ, Phú Thọ và thị trấn Đak Đoa), nước ngập quanh năm, nhiều năm nay vì thiếu nước nên đa số đã buộc phải chuyển sang trồng hoa màu.

Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Gia Lai vào năm 2017 kết luận: “Nguồn nước ngầm tỉnh đang suy giảm do diện tích rừng bị suy giảm. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt người dân trong vùng”.

Khu vực dự án sân golf nằm ở thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình không còn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Số liệu năm 2017 cho thấy khu vực này chỉ có hơn 601 héc ta rừng trồng, trong đó rừng thông chiếm 543 héc ta. Tuy nhiên, đến nay 395 héc ta đã được đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 156 héc ta rừng thông được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sân golf, và hơn 89 héc ta rừng thông được chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án xây biệt thự, nhà ở giai đoạn 1, đều thuộc Khu phức hợp Đak Đoa.

Theo quy hoạch, dự án Khu phức hợp Đak Đoa có quy mô hơn 517 héc ta, với hiện trạng đất chủ yếu là đất rừng thông do người dân trồng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1976(1). Như vậy, nếu quy hoạch này thành hiện thực, dự kiến có khoảng 500 héc ta rừng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng, chiếm tới hơn 83% tổng diện tích rừng trên địa bàn.


Ruộng lúa nước của người dân tộc Ba Na ở nằm ở cạnh rừng thông đang đứng trước nguy cơ không có nước để trồng lúa. (Ảnh: Quyết Hồ)

Tại sao cứ phải phá rừng?

Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào tháng 4/2020, tỷ lệ che phủ rừng ở Gia Lai đạt 40,2% (cả nước là 41,89%), gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Điều đáng nói là rừng sản xuất chiếm tới gần 72% tổng diện tích các loại rừng nói trên, chủ yếu là cây keo tai tượng, keo lai và bạch đàn với chu kỳ khai thác là bảy năm(2). Điều này có nghĩa chất lượng rừng của Gia Lai, bao gồm hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học, rất thấp.

Tỉnh Gia Lai kỳ vọng dự án sân golf “sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong ngoài nước, góp phần quảng bá du lịch và thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển của tỉnh; đáp ứng nhu cầu giải trí phát triển thể lực cộng đồng, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương”. Dự án này cũng được chính quyền tỉnh xem như là một cú huých tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, Khu phức hợp Đak Đoa cũng được kỳ vọng phát triển thành một đô thị vệ tinh của thành phố Pleiku.

Đó là những mong muốn phát triển chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải hy sinh cả một cánh rừng rộng lớn cho dự án phát triển này hay không, vì dù đây là rừng trồng nhưng đó là cánh rừng còn lại trên địa bàn xây dựng dự án lẫn có chất lượng hiếm hoi còn sót lại của vùng. Nếu nhìn vào bài toán phát triển bền vững, bao gồm các khía cạnh xã hội, kinh tế, môi trường theo tiêu chí của Liên hiệp quốc, dự án sân golf lẫn Khu phức hợp Đak Đoa rất cần được xem xét lại.

Trong đó, “tiếp cận cảnh quan trong quản trị tài nguyên” là một trong những giải pháp được các chuyên gia khuyến khích cho bài toán hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ rừng và phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi mục đích rừng thông cổ thụ giao chủ đầu tư tư nhân như hiện nay cũng rất dễ bị biến thành tư nhân hóa cảnh quan công cộng. Trong khi đó, Gia Lai hiện vẫn còn hàng chục ngàn héc ta đất rừng nhưng không có rừng, thế thì tại sao không xem xét chọn lựa những vị trí này cho dự án sân golf để phát triển kinh tế.

Gia Lai có hai cao nguyên: cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng. Huyện Đak Đoa thuộc vùng cao nguyên Pleiku, nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn của Gia Lai, là vùng chuyên canh rộng lớn về cao su và cà phê. Đây là hệ quả sau hàng chục năm Gia Lai đã chuyển đổi hàng loạt diện tích đất rừng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nhưng trong bối cảnh thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu hiện nay, phá rừng để phát triển kinh tế là cách làm lợi bất cập hại.

Các tiêu chí được nêu ra tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lâm nghiệp cho thấy, rừng thông gần 50 năm tuổi Đak Đoa đáp ứng đủ điều kiện để trở thành rừng phòng hộ và sinh thái cảnh quan cho cộng đồng. Chưa kể, thông ba lá hiện cũng là một trong những loài cây chủ yếu được trồng cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở Gia Lai. Muốn phòng hộ thì phải phục hồi rừng. Trồng rừng thay thế, giả sử ngay cả khi trên địa bàn xây dựng dự án có quỹ đất - thì cũng phải chờ ít nhất 50 năm nữa mới có thể có được hệ sinh thái rừng như hiện tại.

Ngoài ra, yếu tố xung đột về nguồn nước cũng cần được tính đến khi xây dựng dự án sân golf này. Khu vực Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước canh tác và nước dùng cho sinh hoạt vào mùa khô và đây là hậu quả trực tiếp của nhiều thập kỷ hy sinh rừng để phát triển kinh tế.

Theo quy hoạch, ngoài việc nâng cấp các trạm cấp nước hiện tại, chính quyền còn phải mở rộng đường ống các giếng khoan hiện có và sử dụng nước từ đập thủy lợi 3-1 Tân Bình dùng cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực để phục vụ các dự án này(3). Một vấn đề đặt ra ở đây, giả sử vào thời điểm nào đó trong năm khu vực này bị thiếu nước thì nguồn nước mặt quý giá đó được ưu tiên cho ai, cho sân golf hay cho nhu cầu canh tác ở địa phương?

Nên giữ lại rừng thông làm rừng phòng hộ

Tiến sĩ Trương Văn Vinh, chuyên gia ngành lâm nghiệp, cho rằng: “Nếu việc trồng thuận lợi, thì từ khoảng 10 tuổi trở đi rừng thông đã bắt đầu khép tán, khi đó ít có cây nào sinh trưởng được dưới lớp lá thông dày này. Đây là một đặc thù rất điển hình về rừng thông trồng thuần loài với mật độ dày.

Rừng thông Đak Đoa đã được trồng gần 50 tuổi, dù là rừng trồng nhưng nó đã có vai trò quan trọng trong phòng hộ môi trường như: bảo vệ đất, chống xói mòn rửa trôi, giữ nước, tạo sinh thái cảnh quan cho khu vực. Chưa kể, khu rừng này vốn đã rất nổi tiếng nhiều năm nay bởi có cảnh quan đẹp.

Vì vậy, tôi cho rằng việc đề xuất giữ lại rừng thông Đak Đoa và chuyển đổi nó thành rừng phòng hộ giao cộng đồng quản lý, phục vụ cho việc phòng hộ giữ nước, giữ đất, và tạo môi trường sinh thái cảnh quan phục vụ nhu cầu cộng đồng địa phương hiện đang sinh sống quanh khu vực là hợp lý và cần thiết”.

Lê Quỳnh

Tham khảo:
(1) Nghị quyết 180/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về thông qua nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai đến năm 2035.
(2) Kết quả rà soát và điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Gia Lai năm 2017: rừng đặc dụng hơn 59.200 héc ta, rừng phòng hộ gần 114.500 héc ta, rừng sản xuất gần 537.545 héc ta.
(3) Theo Quyết định 4191 tháng 12-2018 của UBND huyện Đak Đoa phê duyệt chi tiết dự án sân golf Đak Đoa, Nghị quyết số 180 năm 2019 về quy hoạch Khu phức hợp Đak Đoa, Quyết định 4343 năm năm 2018 quy hoạch khu biệt thự nhà ở giai đoạn 1 của Khu phức hợp Đak Đoa.

(KTSG Online)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo