Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tin tức Thế giới Ngũ Đài Sơn trở thành Di sản thế giới

Ngũ Đài Sơn trở thành Di sản thế giới

Viết email In

Ngũ Đài Sơn, một dãy núi ở Trung Quốc đã chứng kiến nhiều thế kỷ của lịch sử Phật giáo, vừa được đưa vào danh sách Di sản thế giới hôm 26/6, trong kỳ họp thứ 33 của Ủy ban Di sản thế giới đang diễn ra tại Sevilla, Tây Ban Nha.
 
Ngũ Đài Sơn gồm năm ngọn núi có đỉnh cao từ 2.500 đến 3.000 mét so với mặt nước biển, tọa lạc ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây. Các ngôi chùa Phật giáo bắt đầu được xây dựng trên dãy núi này từ khoảng thế kỷ thứ nhất theo Công lịch. Hiện mang trên mình 68 ngôi chùa, 150 tháp, 146.000 tượng cùng nhiều bức bích họa và bản khắc, Ngũ Đài Sơn là nơi chứng kiến sự phát triển của đạo Phật ở Trung Quốc suốt gần hai nghìn năm. Theo đánh giá của UNESCO, các công trình này “còn tạo ảnh hưởng tới việc xây dựng những cung điện ở Trung Quốc trong hơn một thiên niên kỷ”.
 
Trong số những di tích đáng chú ý tại đây có ngôi chùa Đại Hiển Thông ra đời sớm nhất ở Ngũ Đài Sơn, được xây từ đời Minh Đế nhà Đông Hán (năm 58 - 73); chùa gỗ lâu đời nhất ở Trung Quốc mang tên Phật Quang, có từ năm 857; điện Văn Thù với 500 tượng Phật, bồ tát... Đây cũng là nơi ra đời của nhiều pho sách Phật giáo.
 
Ông Han Jianggen, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn, cho biết: “Ngũ Đài Sơn tương hợp một cách hài hòa với văn hóa Phật giáo, phản ánh triết lý Trung Hoa cổ xưa về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên”.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ngũ Đài Sơn đã bị thương mại hóa quá nhiều. Trước hiện trạng này, họ đang kêu gọi ban quản lý Ngũ Đài Sơn cần cải thiện công tác bảo tồn hơn nữa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là lượng dân cư sống xung quanh dãy núi đã tác động xấu đến phong cảnh và không khí tôn giáo ở đây. Năm 1986, nơi này chỉ có 6.300 người nhưng năm 2002, con số đó đã tăng lên thành 7.700. Nhờ những nỗ lực của chính phủ nên năm 2007, số người sống ở đây giảm xuống còn 6.400. Bên cạnh đó, kể từ năm 2006, chính phủ đã phá bỏ nhiều công trình không hợp với cảnh quan nhằm bảo vệ “môi trường Phật giáo”.
 
Thời gian gần đây, mỗi năm Ngũ Đài Sơn đón khoảng hơn 3 triệu khách tham quan và nhiều khả năng danh hiệu Di sản thế giới sẽ khiến lượng du khách đến nơi này tăng thêm. Phía Trung Quốc muốn UNESCO xem Ngũ Đài Sơn là Di sản văn hóa và thiên nhiên, tuy nhiên tổ chức này chỉ công nhận đây là Di sản văn hóa thế giới.
 
Chỉ tính đến năm 2008, Trung Quốc đã có 38 Di sản thế giới, gồm 27 di sản văn hóa, 7 di sản thiên nhiên, 4 di sản văn hóa và thiên nhiên.
 

Tứ đại Phật sơn ở Trung Quốc

Ngũ Đài Sơn là địa danh quan trọng nhất trong Tứ đại Phật sơn gồm bốn quần thể núi ở Trung Quốc. Hành hương tới tất cả những nơi này là ước mơ của các phật tử Trung Quốc, giống như người Hồi giáo phải đến được thánh địa Mecca hay người Thiên Chúa giáo mơ đến Jerusalem...

Ngoài Ngũ Đài Sơn là đạo tràng của Văn Thù Bồ tát, ba địa danh khác thuộc Tứ đại Phật sơn gồm:

- Nga Mi Sơn: Là đạo tràng của Phổ Hiền Bồ tát, dãy núi này nằm ở phía Nam tỉnh Tứ Xuyên, với đỉnh cao nhất 3.099m. Nga Mi Sơn có 26 ngôi chùa cùng bức tượng Đại Phật Lạc Sơn - tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất thế giới ở đỉnh Thê Loan, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1996.

- Cửu Hoa Sơn: Là đạo tràng của Địa Tạng Bồ tát, dãy núi này nằm ở tỉnh An Huy, có đỉnh cao nhất 1.341m. Nó mang tên Cửu Hoa Sơn kể từ khi thi sĩ Lý Bạch đến đây và viết nên một bài thơ trong đó có câu ví 9 ngọn núi ở nơi này như 9 đóa hoa phù dung.

- Phổ Đà Sơn: Là đạo tràng của Quan Thế Âm Bồ tát, núi này nằm trên đảo Nam Hải, thuộc tỉnh Chiết Giang. Tuy “chỉ” cao 284m nhưng đây là điểm hành hương lớn nhất Trung Quốc bởi có những truyền thuyết gắn liền với Quan Thế Âm Bồ tát. 


 Lương Tuấn Vĩ

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo