Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo khoa học Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040

Hội thảo khoa học Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040

Viết email In

Sáng 31/5, tại thành phố Thanh Hóa, UBND tỉnh và Sở Xây dựng đã tổ chức Hội thảo khoa học Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040.

Mở đầu Hội thảo, ông Phan Lê Quang - Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa (đơn vị tư vấn đã lập Đồ án quy hoạch chung) trình bày Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Theo đó, thành phố Thanh Hóa hiện tại có quy mô dân số 500.560 người, diện tích tự nhiên 145,4km2 với 34 phường, xã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, nhưng là đô thị lớn của cả nước. Trước đòi hỏi thực tế và nhu cầu phát triển nhanh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố.


Toàn cảnh Hội thảo khoa học Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040.

Dự kiến thành phố điều chỉnh, mở rộng sẽ có quy mô 228,28km2, dân số 850.000 người, được phát triển nhằm phát huy vai trò, vị thế của tỉnh để trở thành một “Cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa” là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và vùng Đông Bắc Lào; đáp ứng vai trò “Trung tâm của các trung tâm động lực tỉnh Thanh Hóa (Tứ Sơn)”; liên kết với Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Lam sơn – Sao Vàng, hình thành trụ cột công nghiệp liên kết với thành phố Sầm Sơn và dải ven biển Quảng Xương, Hoằng Hóa hình thành trụ cột về du lịch…

Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái. Định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ thương mại, phát triển quỹ đất để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, hoàn thiện chất lượng hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng cuộc sống người dân; với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc, phù hợp yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau phần trình bày của đơn vị tư vấn, hội thảo đã được nghe phát biểu tham luận của 6 diễn giả: Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Tiến sỹ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng - Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Nông thôn quốc gia Phạm Thị Nhâm; Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Hinh - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng; Tiến sỹ, Kiến trúc sư Lã Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Cùng với các tham luận, nhiều đại biểu đã tham gia phát biểu trao đổi, làm rõ, nhấn mạnh một số nội dung quan trọng như: Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa cần làm rõ phạm vi mở rộng, danh xưng của thành phố, thời gian quy hoạch.

Theo đó, việc đặt tên mới Đông Sơn cho thành phố trong điều chỉnh quy hoạch là phù hợp, vừa nêu được lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất. Đồng thời, cũng là xác định đúng tính chất và chức năng của đô thị, nhất là chức năng trụ cột. Việc xác định đúng chức năng trụ cột có ý nghĩa quan trọng và là động lực chính, có ý nghĩa quan trọng trong lựa chọn đất xây dựng cũng như mô hình cấu trúc không gian hợp lý. Ngoài các lợi thế về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khả năng kết nối vùng, thành phố Thanh Hóa còn hội đủ các lợi thế về địa hình, cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị lịch sử, văn hóa.

Trong quá trình phát triển, việc bảo đảm chặt chẽ quỹ đất xây dựng đô thị, đảm bảo không gian, cảnh quan, môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hướng tới đô thị thông minh, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu bằng “công cụ” quy hoạch là rất cần thiết. Cấu trúc đô thị thành phố được nghiên cứu, hình thành dựa trên đặc điểm về điều kiện tự nhiên, môi trường, yếu tố văn hóa, lịch sử và mối quan hệ vùng… sẽ cơ bản làm gia tăng vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội, bất động sản, đầu tư.

Việc quy hoạch cần có bản đồ đánh giá quỹ đất thuận lợi cho xây dựng các khu vực sẽ phát triển trong, ngoài ranh giới thành phố hiện hữu. Cùng với đó, làm cơ sở cho việc xác định quy mô quỹ đất phát triển cho các khu chức năng của đô thị, theo từng giai đoạn và thể hiện trên hệ thống bản đồ quy hoạch theo Thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Quy hoạch phát triển đô thị là khâu tối quan trọng, liên quan nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng –an ninh, lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên, trong quy hoạch cần phải có sự đầu tư xứng đáng cho từng phần việc như: Đánh giá hiện trạng để làm rõ cơ sở lựa chọn phát triển đất xây dựng đô thị. Dự báo phát triển phù hợp nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường sinh thái, văn hóa – xã hội… Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến băn khoăn về vị trí trung tâm thành phố và đề xuất quy hoạch địa điểm mới, băn khoăn về quy hoạch mới chưa đề cập đến phát triển giao thông đường thủy, mở rộng cảng Lễ Môn, chưa nêu rõ nét hệ thống đường sắt đô thị, vấn đề giải quyết môi trường nước. Cùng với đó là vấn đề quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng, việc quy hoạch mở rộng nghĩa trang chưa phù hợp .


Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao các tham luận cùng ý kiến của các đại biểu, diễn giả. Những đóng góp đầy trí tuệ, tâm huyết của đại biểu đối với sự phát triển của tỉnh sẽ được các cấp, ngành hữu quan và đơn vị tư vấn tiếp thu, chắt lọc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Đồ án quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đào Nguyên

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo