Nhà máy điện than cuối cùng của Anh vừa đóng cửa hồi tuần trước. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực khử carbon để chiến chống biến đổi khí hậu vì Anh là nơi nhà máy điện than đầu tiên của thế giới được xây dựng.
Nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar ở Nottingham, miền trung nước Anh dừng hoạt động hôm 30/9. (Ảnh: AP)
Nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar ở Nottingham, miền trung nước Anh chính thức dừng hoạt động hôm 30/9, chấm dứt hơn nửa thế kỷ đốt than để sản xuất điện.
Trong nhiều thế kỷ, than là nguồn năng lượng chính ở Anh. Than là huyết mạch của cuộc cách mạng công nghiệp, cung cấp nhiên liệu cho động cơ hơi nước và sau đó sản xuất phần lớn điện năng cho nước Anh. Đến thập niên 1960, gần 90% điện năng ở Anh dựa vào than. Giờ đây, lần đầu tiên nước này không sử dụng than để sản xuất điện.
Chính phủ Anh ca ngợi sự kiện đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar là cột mốc quan trọng hướng đến mục tiêu sản xuất toàn bộ năng lượng của đất nước từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Động thái này cũng đưa Anh trở thành nước đầu tiên trong nhóm cường quốc công nghiệp G7 từ bỏ điện than.
“Kỷ nguyên điện than có lẽ sắp kết thúc nhưng một kỷ nguyên mới về việc làm tốt hơn trong ngành năng lượng ở đất nước chúng ta mới chỉ bắt đầu”, Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Shanks nói.
Phil MacDonald, Giám đốc tổ chức tư vấn năng lượng toàn cầu Ember cũng cho rằng: “Đây là chương cuối cùng của quá trình chuyển đổi nhanh chóng đáng chú ý của nước Anh, nơi diễn ra cuộc cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới”.
Lịch sử điện than của Anh bắt đầu cách đây 142 năm khi Holborn Viaduct, nhà máy nhiệt điện than đầu tiên trên thế giới, đặt tại London, bắt đầu phát điện vào năm 1882. Mở cửa vào năm 1968, Ratcliffe-on-Soar là một công trình lớn với tám tháp làm mát bằng bê tông và ống khói cao 199 mét. Nhà máy từng cung cấp điện cho 2 triệu hộ gia đình và sử dụng đến 3.000 kỹ sư nhưng lực lượng lao động giảm theo sản lượng điện trong những năm gần đây.
Tập đoàn năng lượng Uniper (Đức), chủ sở hữu nhà máy, cho biết đang làm việc với các công đoàn để giúp nhiều kỹ sư của Ratcliffe-on-Soar nhận công việc mới tại các nhà máy điện khác của tập đoàn.
Hành trình thoát khỏi than của Anh được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các mục tiêu khử carbon và chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ.
Vào thập niên 1960, có hơn 170 nhà máy điện than hoạt động trên khắp nước Anh. Năm 1990, than vẫn cung cấp khoảng 80% điện năng của nước này. Đến năm 2012, tỷ lệ này giảm xuống còn 39% và đến năm 2023, xuống mức 1%. Hơn một nửa điện năng của Anh hiện nay đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và mặt trời. Phần còn lại từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân.
“Mười năm trước, than là nguồn năng lượng hàng đầu, cung cấp 1/3 sản lượng điện của đất nước chúng ta. Vì vậy, để đạt được điều này chỉ một thập niên sau đó khi sự đóng góp của than được thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch và carbon thấp là thành tựu đáng kinh ngạc”, Dhara Vyas, Phó Giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng Anh nói.
Chính phủ Anh đặt mục tiêu đưa phát thải ròng carbon trong ngành điện về mức zero (Net-Zero) vào năm 2030. Đây là một trong những mục tiêu khử carbon nghiêm ngặt nhất trong ngành điện của thế giới. Để đạt được tham vọng trên, từ nay đến cuối thập niên này, Anh sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió trên bờ, gấp bốn lần công suất điện gió xa bờ và gấp ba lần công suất điện mặt trời.
Nước này hiện có hai lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, Hinkley Point C1 và Hinkley Point C1 C2, dự kiến hoạt động lần lượt vào năm 2029 và 2030.
Tony Bosworth, nhà vận động của tổ chức Friends of the Earth, cho biết ưu tiên hiện nay của chính phủ Anh là loạt bỏ khí đốt bằng cách phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo khổng lồ của đất nước.
Ed Matthew, giám đốc của tổ chức tư vấn khí hậu E3G ghi nhận, Anh quốc gia đầu tiên xây dựng nhà máy điện đốt than và cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi năng lượng than. “Đây là sự lãnh đạo toàn cầu thực sự, soi đường cho các nước khác đi theo”, Matthew nói.
Quyết định đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng ở Anh chứng tỏ các nền kinh tế lớn có thể loại bỏ nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất. Dave Jones, nhà phân tích điện của Ember nhận xét, việc Anh chấm dứt sản xuất điện than mang tính biểu tượng rất lớn vì đây là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng nhà máy điện than và phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu này để bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp.
Khánh Lan
(KTSG Online /Theo CNN, Guardian)
- Dự án tòa nhà cao nhất thế giới tái khởi động sau nhiều năm
- Tokyo lại được bình chọn là thành phố lớn được yêu thích nhất thế giới
- Indonesia dẫn đầu xu hướng phát triển thành phố thông minh bền vững tại ASEAN
- Bỉ xây dựng hòn đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới để khai thác năng lượng gió
- Sydney được bình chọn là "thành phố tốt nhất thế giới"
- Hàn Quốc: Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tuyệt đẹp kéo dài tới tận DMZ
- COP29 đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng công suất trữ năng lượng toàn cầu
- Châu Phi đối mặt với gánh nặng tài chính do biến đổi khí hậu
- Văn phòng ở Trung Quốc trống hơn cả thời kỳ Covid-19
- Brazil phê duyệt dự án toà tháp dân cư cao nhất thế giới