Từ thực trạng thành phố trong thành phố như Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, và tương lai sẽ có những thành phố tương tự hình thành, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc nghiên cứu đưa thêm khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật cũng được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện.
(Ảnh minh họa)
Cần bổ sung định nghĩa rõ ràng "khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị"
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội, tán thành với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.
Đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”, đại biểu Thủy cho rằng cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị. Đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn TP. Hà Nội phát biểu thảo luận.
“Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác”, đại biểu Thủy nêu quan điểm.
Tuy nhiên, do hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.
Đại biểu dẫn chứng như Tp.Tuyên Quang, Tp.Phú Quốc hay thị xã Tịnh Biên- tỉnh An Giang đều đang có một hoặc một số phường cách biệt hẳn với các phường còn lại, chen ở giữa là các khu vực nông thôn rất rộng lớn. Điều này tạo ra sự phân tán, khó khăn trong cung cấp và phát triển các dịch vụ hạ tầng đô thị, giảm tính cạnh tranh, giảm sự thu hút các nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn trong việc quản lý tài nguyên, đặc biệt là về đất đai cũng như xử lý các vấn đề về môi trường.
“Đây là một sự lãng phí về nguồn lực đầu tư, về cơ hội phát triển và lãng phí cho xã hội nói chung. Hơn nữa, việc xác định rõ mô hình cấu trúc đô thị, trong đó có khu vực nội thành, nội thị liền mạch không chỉ có ý nghĩa về mặt không gian mà còn gắn liền với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền đô thị”, đại biểu đoàn Tp.Hà Nội nói.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định, nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này.
Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Cùng băn khoăn khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định, nêu rõ dự thảo luật giải thích khái niệm đô thị và nông thôn là dựa trên các yếu tố mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là phi nông nghiệp hay là nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Tuy nhiên, khái niệm đô thị và nông thôn trên vẫn có vướng mắc.
Trong thực tế nước ta thành phố thì có nội thành, ngoại thành; thị xã thì có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị như thị trấn, đô thị loại 4, loại 5 và nhiều vùng nông thôn hiện nay có mật độ dân số cao, người dân sinh sống chủ yếu không phải làm nông nghiệp. Nhiều nông thôn hiện nay hạ tầng cũng như vai trò, khả năng phát triển kinh tế vùng, khu vực phát triển rất tốt. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu giải thích khái niệm đô thị nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Cần xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, nêu một ý để Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét có nên đưa một khái niệm mới ở trong quy hoạch. Theo đại biểu, “trước đây, có thành phố thuộc tỉnh, nhưng bây giờ chúng ta có thành phố thuộc thành phố. Vậy, có nên đưa một khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này để tránh tình trạng phải gọi Tp.Thủ Đức thuộc Tp.Hồ Chí Minh, sau này sẽ có Tp.Thủy Nguyên thuộc Tp.Hải Phòng...”.
Đại biểu cho rằng “nước ngoài, tiếng Anh dùng từ "Metroplis" là "siêu đô thị". Chúng ta xem có nên đưa khái niệm này vào hay không? Chúng ta có quy định 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt. Những đô thị đặc biệt có nên gọi là "Metropolis" không?
"Vấn đề này nên xem xét để nếu trường hợp sau này những thành phố khác như Tp.Hải Phòng mà có thành phố con trực thuộc tự dưng sẽ được nâng lên thành "siêu đô thị". Vì vậy, Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm”.
Cùng quan tâm vấn đề này, để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đào Chí Nghĩa, đoàn Tp.Cần Thơ, góp ý: tại khoản 3 Điều 6 đối với quy hoạch đô thị và nông thôn quy định đối với các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới, khu vực tái thiết đô thị, khuyến khích phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng, khai thác quỹ đất để thực hiện xây dựng khu vực đầu mối đường sắt đô thị kết hợp với phát triển và tái thiết đô thị.
Theo quy định dự thảo này thì cần định nghĩa rõ cụm từ "đô thị lớn" được đề cập trong dự thảo luật. “Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, giải thích khái niệm "đô thị lớn" vào Điều 2. Nội dung này tôi thống nhất với đại biểu Nguyễn Quang Huân là cơ quan soạn thảo cần phải xác lập các cấp độ đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, siêu đô thị và cần phải giải thích nội dung này rõ ở Điều 2”, đại biểu đoàn Tp.Cần Thơ nêu ý kiến.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác…
Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, ông Nghị cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch…
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật đã quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể. “Nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch về phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa…
Bên cạnh đó, phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được xác định dựa trên phạm vi lãnh thổ, đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn. Bộ trưởng cho biết, các khái niệm như "nội thành", "ngoại thành", "ngoại thị" không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Nhĩ Anh
(VnEconomy)
- Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040: Hướng tới đô thị di sản – xanh và sáng tạo
- Bộ GTVT ban hành 10 giải pháp giảm phát thải trong giao thông đến năm 2030
- Phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho UBND TP Đà Nẵng
- Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân làm tăng giá bất động sản
- Cần Thơ hủy bỏ 10 quy hoạch không còn phù hợp
- Ưu tiên phát triển đô thị gắn với chuyển đổi giao thông công cộng
- Chính phủ trình Quốc hội đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
- Tập đoàn Đèo Cả phát động cuộc thi ứng dụng BIM và công nghệ số trong thiết kế trạm dừng nghỉ
- Hải Phòng thành lập Ban chỉ đạo Quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà
- Chuẩn bị khởi công 5 dự án giao thông lớn những tháng cuối năm