Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Sự kiện Ngày Trái Đất 2020: Chung tay "Hành động vì khí hậu"

Ngày Trái Đất 2020: Chung tay "Hành động vì khí hậu"

Viết email In

50 năm qua, Ngày Trái đất đã trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức để nhìn nhận về giá trị của môi trường tự nhiên, và qua đó kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người cùng chung tay bảo vệ Trái đất. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai, vì vậy, chủ đề Ngày Trái đất 22/4/2020 được Liên hợp quốc được lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”.

Sự kiện dân sự lớn nhất hành tinh

Sự kiện Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970 đã thu hút hàng triệu người dân Mỹ tham gia hưởng ứng. Vào ngày 22/4/1970, khoảng 20 triệu người Mỹ (chiếm khoảng 10% dân số Mỹ vào thời điểm đó) đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố, cùng với các hoạt động của sinh viên được tổ chức tại khuôn viên các trường đại học để phản đối sự thiếu hiểu biết, nhận thức về môi trường và đòi hỏi một hướng đi mới để bảo vệ hành tinh. Do đó, Ngày Trái đất đầu tiên được ghi nhận là sự kiện khởi động thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường và hiện được công nhận là sự kiện dân sự lớn nhất hành tinh.

Sự kiện Ngày Trái đất cũng đã dẫn đến việc thông qua các luật về môi trường mang tính bước ngoặt tại Mỹ, bao gồm Đạo luật về Không khí sạch, Nước sạch và Đạo luật bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã hưởng ứng và sớm thông qua các đạo luật tương tự.

Ngày Trái Đất 22/4 được LHQ công nhận từ năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh. Năm 2016, LHQ đã chọn Ngày Trái đất là ngày để Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực.

"Hành động vì khí hậu” được LHQ lựa chọn là chủ đề của Ngày Trái đất năm nay bởi biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai. Theo báo cáo của LHQ, vào cuối năm 2020 này,  nhiều quốc gia dự kiến sẽ phải thúc đẩy các hoạt động  nhằm thực hiện các cam kết quốc gia đã ký kết trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Do vậy, ngay từ bây giờ cần kêu gọi mọi người dân trên toàn thế giới cùng nhau thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu trong tương lai.

Ông Hay Hayes - Người đứng đầu tổ chức Ngày Trái đất đầu tiên vào năm 1970 và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị của sự kiện Ngày Trái đất cho biết, mặc dù Ngày Trái đất có những thành công đáng kể trong việc thúc đẩy thay đổi nhận thức và các hành động tiến bộ về vấn đề môi trường, nhưng hiện nay Trái đất phải đối mặt với một thách thức môi trường toàn cầu thậm chí còn khủng khiếp hơn, từ mất đa dạng sinh học đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm chất thải nhựa… Do vậy, cần phải kêu gọi hành động ở tất cả các cấp chính quyền thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu. Sự kiện Ngày Trái đất 2020 hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì Trái đất. “Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là thông điệp chính của Ngày Trái đất năm 2020 gửi đến toàn thế giới.


Trồng cây để bảo vệ Trái đất

Cứu Trái đất bằng những hành động thiết thực

Thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là cảnh báo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Theo UNEP, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm khoảng 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập kỷ qua, lên tới mức kỷ lục 55,3 tỉ tấn CO2, hay tương đương với lượng khí thải trong năm 2018, 3 năm sau khi 195 nước trên thế giới ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nhà khoa học Pháp nhận định, khí nhà kính thải vào bầu khí quyển thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm bề mặt Trái đất nóng lên nhanh hơn cách hiểu trước đây. Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng từ 6,5-7 độ C so với mức nhiệt thời tiền công nghiệp, nếu khí thải carbon không giảm. Các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu về ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu "dưới mức 2 độ C", nếu có thể là 1,5 độ C, sẽ khó đạt được. Với việc Trái đất nóng lên 1 độ C, thế giới đã phải đối mặt với những đợt gió nóng, hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới chết người ngày càng nghiêm trọng.

Theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, các nước đã cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C nếu có thể. Để làm được như vậy, các nước đã nhất trí giảm lượng khí thải và nỗ lực hướng tới một thế giới carbon thấp trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, LHQ phát hiện thấy rằng thế giới đang trên đà khiến nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng đến 3,2 độ C ngay cả khi tính tới những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris 2015. Ở nhiệt độ này, giới khoa học lo ngại có thể gây ra thảm họa khí hậu khôn lường.

LHQ cho rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C là vẫn có thể đạt được, song cần tới một sự thay đổi chưa từng có và mang tính phối hợp của nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang tăng trưởng phần lớn nhờ dầu mỏ, khí đốt. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhận định: "Chúng ta đang thất bại trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không hành động khẩn cấp và giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu, chúng ta đang bỏ lỡ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C".

Theo LHQ, những "cơ hội cụ thể" cho những nước có lượng phát thải lớn thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá, giảm bớt sử dụng dầu khí và tăng cường năng lượng tái tạo. Nhìn chung, các nước cần phải nỗ lực gấp 5 lần để giảm lượng khí thải nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.

Ngày Trái đất năm nay vô cùng đặc biệt bởi diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Để bảo vệ Trái đất, mỗi cá nhân chúng ta có thể thực hiện những việc làm đơn giản ngay bây giờ hoặc sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, đó là: Trồng cây, hạn chế đồ nhựa dùng một lần, lấy hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy, ưu tiên thực phẩm hữu cơ, tiết kiệm nước, giảm tiêu thụ thịt để hạn chế khí nhà kính từ ngành chăn nuôi, đọc trên thiết bị số thay vì in tài liệu ra giấy, hội họp trực tuyến, tắt và rút phích các thiết bị điện không sử dụng, đi lại bằng phương tiện công cộng… Trái đất cần được bảo vệ không chỉ một ngày mà trong suốt 365 ngày của năm từ những hành động nhỏ bé nhưng vô cùng thiết thực này.

Minh Trà tổng hợp

(TT&VH)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo