Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Sự kiện Triển lãm H&P Architects tại Eurotile Center Đà Nẵng

Triển lãm H&P Architects tại Eurotile Center Đà Nẵng

Viết email In

Triển lãm kiến trúc của Văn phòng H&P Architects và xem phim "Tháp Eiffel" do Eurotile Center phối hợp cùng Ashui.com và CLB Điện ảnh Kiến trúc tổ chức.

Thời gian:   16:00 Thứ Năm, ngày 04/06/2020
Địa điểm:    Eurotile Center, 297 Nguyễn Văn Linh, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng

CHƯƠNG TRÌNH:

16:00   Đón khách / Xem triển lãm
17:00   Khai mạc triển lãm kiến trúc của văn phòng H&P Architects
17:15   Talk / cà phê kiến trúc
17:30   CLB Điện ảnh kiến trúc / chiếu phim “Tháp Eiffel"
19:30   Networking  
20:00   Kết thúc

LƯU Ý:
- Để tiếp tục đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, chương trình sẽ nhận đăng ký tham dự tối đa 30 suất sớm nhất;
- Việc đăng ký tham dự đồng thời bạn sẽ trở thành thành viên chính thức của Eurotile Center và được ưu tiên tham gia các hoạt động do Eurotile Center tổ chức với mạng lưới toàn quốc.

Link đăng ký tham dự (miễn phí): https://forms.gle/HC6teWpZ6E26mGfz8
_____

TRIỂN LÃM KIẾN TRÚC CỦA VĂN PHÒNG H&P ARCHITECTS

H&P Architects (HPA) được thành lập năm 2009 tại Việt Nam, cung cấp những giải pháp chuyên nghiệp ở nhiều hạng mục dự án: Văn phòng, chung cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, nhà ở tư nhân, quy hoạch và thiết kế đô thị cũng như công trình công nghiệp, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Cặp đôi nhà sáng lập Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương đã giành danh hiệu "Kiến trúc sư của Năm" tại Ashui Awards 2018. Ngoài ra, HPA cũng đã giành rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong hơn 10 năm qua.

Theo HPA, Kiến trúc bao gồm ba yếu tố không thể tách riêng: Thế ứng xử, Ngôn ngữ và Tâm thức.

- Ứng xử: là những hành vi làm cho đời sống cá nhân và cộng đồng thích ứng, không chỉ để bảo tồn mà còn để phát triển. Kiến trúc “sống” trong mối quan hệ chặt chẽ giữa Con người – Môi trường tự nhiên – Môi trường xã hội. Sự thích ứng với từng khu vực khí hậu đặc biệt trong môi trường tự nhiên, có thể tận dụng – ứng phó với những gì có lợi – bất lợi, cùng với, tính tổng hợp – dung hợp – tích hợp những sự chuyển biến mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống trong môi trường xã hội luôn là những yếu tố sống động tạo nguồn cảm hứng, tạo ra những chất liệu dồi dào cho sáng tác kiến trúc. Thế ứng xử đóng vai trò “nội dung tinh thần”.

- Ngôn ngữ: Thông thường Kiến trúc không những phản ánh trung thực không gian tâm lý của xã hội – ngoài ra, đôi khi, còn phải đi trước hiện thực một bước để dự báo kịp thời những biến chuyển của xã hội trong tương lai. Ngôn ngữ kiến trúc - cũng như các ngôn ngữ nói chung, bao gồm Vốn từ vựng và Ngữ pháp. Vốn từ vựng có được từ ứng xử, có nguồn gốc xa xưa với những khoảng đóng mở, quan hệ cộng sinh của công trình với thiên nhiên - trên quan điểm người dân địa phương làm gốc, đúc kết lại thành một bảng chữ cái có giá trị, được phối kết hợp với nhau bằng một hệ Ngữ pháp riêng, khiến những không gian cất tiếng nói, đầy rung cảm, giàu hình ảnh, đậm tính nhân văn, thiết tha với cuộc sống con người. Hệ Ngữ pháp sẽ ngày càng giàu có và phong phú do có cấu trúc “mở” linh hoạt, có thể bản địa hoá với những từ “ngoại nhập”, nảy sinh những từ mới trong quá trình biến đổi xã hội, khiến Ngôn ngữ lan rộng phạm vi ảnh hưởng về cả nội dung và hình thức. Ngôn ngữ, tự có cái trách nhiệm diễn tả tình cảm, tư tưởng của dân chúng; tự hoá thân thành “vỏ vật chất” của “nội dung tinh thần”.

- Tâm thức: là cách thức tư duy - chi phối, quyết định Thế ứng xử và Ngôn ngữ, đồng thời làm cho ứng xử và ngôn ngữ thấm đượm phong cách riêng ấy. Tâm thức hoà quyện với Ứng xử và Ngôn ngữ, bổ trợ, vượt gộp thành một thể thống nhất hữu cơ trong hiện thực đời sống xã hội.

Tìm hiểu thêm: http://hpa.vn
_____

PHIM "THÁP EIFFEL" (Gustave Eiffel)

Khi tạo dựng kiến trúc, người ta thường liên tưởng tới hình khối, không gian, ánh sáng. Và để hiện thực hóa được ba yếu tố đó chúng ta cần phải có vật liệu. Đây như là hai vế của một phương trình mà nhiều kiến trúc sư bắt đầu đồ án từ cái vế thứ hai.  

Cho tới thế kỷ 19, người ta thường dùng các vật liệu địa phương như gạch, đá, gỗ... để tạo dựng kiến trúc. Nhưng Cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ này tại châu Âu đã đưa ra một cách nhìn nhận mới khi vật liệu thép được sản xuất hàng loạt và ứng dụng trong kiến trúc. Trước tiên phải kể đến các nhà máy được xây dựng bằng vật liệu này. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được nghiên cứu lại để cho phù hợp với không gian mới. Chính những bước nhịp của hệ khung có khẩu độ lớn đã làm thay đổi hoàn toàn việc bố trí các công năng bên trong. Với sức chịu tải lớn mà trọng lượng lại nhẹ hơn gạch và đá, kết cấu thép đã tạo ra những hình thái kiến trúc hoàn toàn mới lạ. Hàng loạt các công trình được đưa vào ứng dụng như các cây cầu, nhà ga, bưu điện, mái che lối đi bộ, các toà nhà cao tầng... và đặc biệt, những công trình lần đầu xuất hiện ở thế kỷ 19 như siêu thị hay tòa nhà hội chợ triển lãm quốc tế.

Việc sử dụng kết cấu thép đã giải phóng không gian bên trong. Các công trình có sự kết hợp giữa thép và kính đã tạo ra một cảm giác nhẹ nhàng, có điểm nhìn xuyên suốt. Và đặc biệt ánh sáng thay đổi hoàn toàn so với kiến trúc trước đây. Đây là những luận điểm đã ảnh hưởng trực tiếp đến các kiến trúc sư hiện đại đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, hệ tư tưởng "hình thái phụ thuộc kết cấu" (form follows structure) đã theo nhiều thế hệ kiến trúc sư trong công việc sáng tác của mình. Để tìm hiểu lịch sử kiến trúc thế kỷ 20, chúng ta không thể bỏ qua trào lưu ứng dụng vật liệu thép ở thế kỷ 19. Điều rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác sáng tạo đi đúng hướng, đó là tính tiếp nối liên tục giữa các thế hệ, dựa trên một nền tảng lý luận rõ ràng.

CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ giới thiệu tới các bạn một trong những kỹ sư tài năng nhất thế kỷ 19, Gustave Eiffel. Ông đã trở thành huyền thoại khi để lại dấu ấn của mình khắp nơi trên thế giới. Chính ông là tác giả của cây cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương ở Huế (1897-1899) và hệ mái thép của toà nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn (1886-1891). Ông không chỉ đơn thuần là một kỹ sư, mỗi công trình của mình ông luôn đi tìm vẻ đẹp hoàn hảo khi sáng tạo ra những giải pháp kết cấu đầy ấn tượng. Cũng phải biết rằng vai trò của người kỹ sư rất quan trọng trong việc tạo hình kiến trúc cho các công trình bằng thép ở thế kỷ này.

Các bạn sẽ xem một tổ hợp phim tài liệu nói về công trình gây nhiều tranh cãi nhất của ông, nó đã trở thành biểu tượng của thành phố Paris, đó chính là toà tháp mang tên ông, Eiffel. Các phim này được thực hiện nhân kỷ niệm 120 năm ngày khánh thành tháp Eiffel (1889-2009). Các bạn sẽ biết được không chỉ lịch sử của công trình mà còn rất nhiều thông tin bổ ích khác như khám phá nhiều chi tiết kỹ thuật, phương pháp bảo tồn, những thách thức cho các kiến trúc sư hiện nay khi tạo thêm các nhà hàng trong toà tháp..., và đặc biệt công việc tiếp quản và quản lý một công trình lịch sử với hơn 7 triệu khách tham quan hàng năm.

Ngoài ra, một số công trình tiêu biểu khác của Gustave Eiffel cũng được đề cập đến. Đặc biệt là bức tượng Nữ thần Tự do, một món quà của nước Pháp tặng nước Mỹ, mà hệ kết cấu cũng do chính ông tính toán. Tất cả các phóng sự được thực hiện bởi chương trình truyền hình văn hoá nổi tiếng của Pháp "Des racines et des ailes" (Tạm dịch: Hiểu nguồn gốc để chắp cánh cho tương lai) !

(CLB Điện ảnh Kiến trúc thành lập năm 2015 do Ashui.com và VUUV phụ trách)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo