Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Gọi vốn theo mô hình PPP

Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Gọi vốn theo mô hình PPP

Viết email In

Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tính hấp dẫn, thu hút đầu tư cao đang xem xét để được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Thông tuyến xuyên Việt

Mặc dù vẫn còn phải hoàn thiện thêm một số hạng mục, nhưng Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ và Dự án Khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1- giai đoạn III, đoạn Cần Thơ - Cà Mau được đưa vào khai thác đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 về cơ bản đã xóa bỏ hai “nút cổ chai” cuối cùng trên tuyến trục dọc chạy suốt khu vực Tây Nam Bộ.

Vào trước thời điểm thông xe (ngày 26/1/2011), Quốc lộ 1 đoạn từ phía Nam cầu Mỹ Thuận tới phía Bắc cầu Cần Thơ thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ là cung đường “đau khổ” đối với cánh lái xe. Đường hẹp chỉ với 2 làn xe, rộng chưa đầy 12 m, mặt đường bị bong, bật khá nhiều, khiến tốc độ chạy xe chỉ đạt tối đa 50 km/h.

Chính vì vậy, ông Mai Văn Đức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – chủ đầu tư công trình nhận xét, dù chỉ có vốn đầu tư 1.850 tỷ đồng, nhưng Dự án Đầu tư mở rộng đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xác định là công trình trọng điểm, cấp bách.

Dự án có điểm đầu là Km 2030 – Quốc lộ 1 (chân cầu Mỹ Thuận phía Nam), điểm cuối nối vào nút giao cầu Cần Thơ có lý trình Km 2061. Dự án không chỉ xóa bỏ một điểm ách tắc nghiêm trọng trên Quốc lộ 1, mà cùng với cầu Cần Thơ tạo thành thế liên thông cho trục chiến lược giao thông kinh tế giữa TP.HCM với 13 tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

Trong khi đó, với việc thông xe kỹ thuật 15 trên tổng số 16 cầu, Dự án Khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1 - giai đoạn III, đoạn Cần Thơ - Cà Mau sau gần 4 năm thi công đã giúp Tổng cục Đường bộ Việt Nam gỡ bỏ hai gánh nặng lớn: kết thúc được một trong các dự án có “số phận long đong” bậc nhất trong  ngành giao thông do vấn nạn bỏ thầu giá thấp; giá vật liệu tăng đột biến và khắc phục được tình trạng lệnh pha tải trọng cầu - đường trên Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Đầu tư lớn cho khu vực Nam Bộ

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi, trong năm 2011, tại khu vực Tây Nam Bộ sẽ có ít nhất 2 dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được khởi công.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, Dự án thành phần tuyến TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang – một trong ba dự án thành phần của Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I, sẽ được khởi công ngay trong quý I/2011.

Dự án Hành lang ven biển phía Nam có điểm đầu tại Cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang), điểm cuối tại đường vành đai ngoài TP. Cà Mau (Cà Mau) với tổng chiều dài 225 km, tổng mức đầu tư khoảng 440 triệu USD.

Được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, tuyến đường sẽ là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giúp xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau. Bên cạnh đó, cùng với tuyến đường Xuyên Á từ TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia) đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2005, tuyến đường ven biển phía Nam sẽ là hành lang thứ hai kết nối 3 quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong là Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Trong khi đó, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài 32,3 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, có tổng mức đầu tư là 6.084 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành bước nghiên cứu khả thi. Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT,  đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tính hấp dẫn, thu hút đầu tư cao, với lưu lượng ước 40.000 lượt xe đi lại/ngày – đêm vào năm 2015.

Dự án dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long  chủ trì, đứng đầu tổ hợp.

Hiện Bộ GTVT đã đồng ý với phương án tài chính sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn vay trong và ngoài nước, vốn của các nhà đầu tư, lưu ý đến việc khai thác sử dụng quỹ đất dọc theo hai bên tuyến để tạo nguồn vốn thực hiện Dự án.

Việc xây dựng 32,3 km đường cao tốc sẽ “đóng mạch” toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc dài 150 km từ TP.HCM về Cần Thơ”, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Anh Minh

>> Giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL: Chờ những “mắt xích” cuối 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2181 khách Trực tuyến

Quảng cáo