Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Chỉ thị nêu rõ, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng là những công việc thường xuyên, quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành phải quán triệt, thực hiện tốt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”; tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, trọng tâm là củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả...
Hạ tầng khu vực Lê Văn Lương kéo dài đang bị “quá tải” (Ảnh minh họa: Ashui.com)
Theo Chỉ thị 14, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, là định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, quy hoạch luôn phải đi trước với phương pháp và cách làm khoa học, có tầm nhìn chiến lược phát triển, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của thành phố nói chung và mỗi địa phương nói riêng trong từng giai đoạn. Quy hoạch cũng phải từng bước giải quyết được những bất cập, bức xúc trong quá trình phát triển, nhất là tại khu vực nội đô như: Ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, quá tải hạ tầng xã hội...
Các cấp, các ngành cần bám sát các quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương để khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung hoàn thiện và sớm phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, Quy hoạch vùng huyện; đặc biệt đối với các huyện có chủ trương phát triển thành quận, cần nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; sự tham vấn chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai lập, thẩm định quy hoạch để đảm bảo tính thực tiễn, khách quan, khoa học và khả thi của quy hoạch.
Các cấp, các ngành phải chú trọng hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng. Nghiên cứu xây dựng các Đề án quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đối với các khu vực đặc thù như: Khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực 2 bên sông Hồng, sông Đuống, các khu đô thị vệ tinh và các khu đô thị, khu nhà ở mới... Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm.
Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng.
Để tổ chức thực hiện, ngoài yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và siết chặt kỷ cương, kỷ luật nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch tổ chức thực hiện của UBND thành phố, xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn.
Có thể thấy, quy hoạch kém và dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội rơi vào vòng luẩn quẩn: Quy hoạch, sửa, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống.
Cuối tháng 1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha. Đáng chú ý, đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2) đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ Văn phòng sang thành Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ. Theo đó, mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã ký 2 quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mỹ Đình II và Xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng.
Cụ thể: Theo Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Đình II tỷ lệ 1/500 được duyệt, ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm được xác định chức năng đất công cộng thành phố và khu vực có các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đất khoảng 7.782m2 (bao gồm cả đường giao thông); diện tích xây dựng 3.610m2; mật độ xây dựng 46,4%; tầng cao bình quân 5,3 tầng (công trình cao 5 - 9 tầng); hệ số sử dụng đất 2,45 lần.
Tuy nhiên, theo quyết định điều chỉnh mới, Hà Nội giữ nguyên phạm vi ranh giới của ô đất theo quy hoạch được duyệt, đề xuất điều chỉnh thành ô đất ký hiệu NO có chức năng đất ở (gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liên kế) với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đường giao thông 674,8m2; diện tích đất thực hiện dự án 7,106,7m2; mật độ xây dựng 50%; hệ số sử dụng đất 6 lần; tầng cao công trình 6 và 21 tầng; tầng hầm 1 - 3 tầng; dân số 700 người.
Tương tự, tại Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) tại ô đất 4.500m2 ký hiệu N6.3. Theo đó, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh công năng xây dựng công trình tại ô đất từ Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000m2.
Từ trước năm 2008, khi Hà Nội chưa được mở rộng, nhiều chuyên gia quy hoạch đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị “chỉ để ở” phía Tây và Nam Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của Thủ đô trở thành những “điểm đen” vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống.
Tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường này đang phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Theo quan sát, chỉ tính trong vòng bán kính 100m hai bên mặt đường Lê Văn Lương dài hơn 2km thì có tới gần 40 tòa nhà cao tầng.
Thực tế hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều khu đô thị, tổ hợp nhà ở có mật độ xây dựng những tòa nhà cao tầng san sát nhau với mật độ dày đặc, được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Như trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 1km và rộng khoảng 6m nhưng hàng ngày đang phải gánh tải cho hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng “đua nhau” mọc lên gây nên cảnh quá tải và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Ngay đó, đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… cũng dày đặc cao ốc. Những con đường này trở thành “điểm đen” tắc đường và ngập nặng khi mưa lớn tại khu vực Thanh Xuân.
Đánh giá về chất lượng quy hoạch Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch của Hà Nội hiện nay luôn luôn bị phá dỡ, luôn luôn bị điều chỉnh theo hướng phục vụ dự án bất động sản. Như vậy, để chấm dứt tình trạng vi phạm trong quản lý quy hoạch và quản lý trật tự đô thị cần có chế tài, quy định xử lý chủ động, đủ mạnh và nghiêm túc.
Ánh Dương
(Báo Xây dựng)
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng trong đấu giá đất
- Hoàn thiện chế định bảo lãnh ngân hàng đối với dự án bất động sản
- Quỹ "đất vàng" ven sông Hồng ở Hà Nội
- Sau "cơn sốt Thủ Thiêm", cần điều tiết lại thị trường
- Cấp bách hoàn thành các dự án lớn, TP.HCM kiến nghị loạt cơ chế đặc thù
- Đà Nẵng khởi động dự án đầu tư cảng Liên Chiểu
- Giảm 8.700 tỉ đồng vốn đầu tư dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô
- Cả nước còn hơn 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng
- Bình Định kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội
- Luật Kinh doanh bất động sản: Chính thức bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng