Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dự án phát triển TP Cần Thơ có thể bị thiếu vốn đối ứng

Dự án phát triển TP Cần Thơ có thể bị thiếu vốn đối ứng

Viết email In

Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ đề xuất bổ sung và thay đổi phạm vi đầu tư của hợp phần 1 thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do không có khả năng đáp ứng về nguồn vốn đối ứng.

Báo cáo của Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho thấy, dự án nêu trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án, vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) theo quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 6/1/2016; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 20/1/2016 và được điều chỉnh tổng mức đầu tư tại quyết định 2596/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 và quyết định 3432/QĐ-UBND ngày 26/12/2018.


Đô thị ở trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị ngập trên diện rộng trong đợt triều cường mới đây.
(Ảnh: Thanh Liêm)

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 7.843 tỉ đồng (tương đương trên 344,1 triệu đô la Mỹ. Trong đó, vốn ODA, gồm vốn IDA (Hội Phát triển Quốc tế) và IBRD (Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển) hơn 5.697 tỉ đồng (tương đương 250 triệu đô la Mỹ), vốn không hoàn lại từ SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ) là 227,9 tỉ đồng (tương đương 10 triệu đô la Mỹ) và phần vốn đối ứng là hơn 1.917 tỉ đồng (tương đương 84,151 triệu đô la Mỹ).

Chính vì vậy, Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ đã có báo cáo đề xuất điều chỉnh, bổ sung và thay đổi phạm vi đầu tư của hợp phần 1 thuộc dự án như nêu trên.

Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho rằng, nếu đầu tư toàn bộ các hạng mục thuộc dự án, thì tổng nhu cầu vốn đối ứng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn dự án sẽ tăng từ khoảng 1.917 lên 6.372 tỉ đồng, tức vượt so với tổng mức dự án được duyệt đến khoảng 4.454 tỉ đồng.

Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được thực hiện từ năm 2016 đến 2022.

Cụ thể, tại báo cáo số 2132/BC-BQL, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ đề xuất, điều chỉnh thay đổi thiết kế của hệ thống kênh chính, kênh cấp 2 và huỷ đầu tư xây dựng hồ điều hoà làng Đại học và Long Hoà; bổ sung xây dựng thêm hai trạm bơm khu vực trung tâm quận Ninh Kiều; huỷ đầu tư hạng mục xây dựng công viên và đường sau kè sông Cần Thơ; bổ sung đầu tư nâng cấp mặt đường Cách mạng Tháng Tám (quốc lộ 91).

Ngoài ra, ông Sơn đề xuất bổ sung đầu tư xây dựng một số hạng mục còn dở dang của hồ Bún Xáng thuộc dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long- tiểu dự án TP Cần Thơ.

Báo cáo của Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho thấy, việc không xây dựng công viên và đường kè sông Cần Thơ, thì kinh phí thu hồi đất, bồi thường và tái định cư sẽ tiết kiệm được khoảng 1.566 tỉ đồng.

Trong khi đó, giảm quy mô đầu tư hệ thống kênh rạch thoát nước và không đầu tư hồ điều hoà trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp kéo giảm chi phí đền bù từ 1.772,4 tỉ đồng xuống còn 217,95 tỉ đồng.

Theo Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, với việc thực hiện các đề xuất điều chỉnh, bổ sung và huỷ một số hạng mục đầu tư như nêu trên sẽ giúp tổng kinh phí vốn đối ứng dự kiến giảm khoảng 3.428 tỉ đồng.

Liên quan đến đề xuất nêu trên, UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Xây dựng của địa phương này chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan xem xét và có ý kiến tham mưu để trình UBND TP Cần Thơ xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Trung Chánh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3319 khách Trực tuyến

Quảng cáo