Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Lấn biển Cần Giờ 2.870ha: Chờ Thủ tướng quyết định

Lấn biển Cần Giờ 2.870ha: Chờ Thủ tướng quyết định

Viết email In

UBND TP.HCM vừa gửi văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ý kiến về các nội dung liên quan đến dự án “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” từ 600 ha lên 2.870ha, với tổng vốn đầu tư hơn 217.053 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong 11 năm.

Cụ thể, tại văn bản số 1049/UBND-DA do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 23/3/2019 có ý kiến về các nội dung liên quan đến dự án “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” của Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP.HCM cho biết:

Khu vực lấn biển Cần Giờ 2.870ha theo đề xuất của nhà đầu tư, không có người dân sinh sống nhưng có các cơ sở kinh tế của người dân cần phải hỗ trợ, giải tỏa. Số người dân bị ảnh hưởng trực tiếp dự kiến khoảng 767 hộ (1.696 nhân khẩu) đang sản xuất nghêu, đánh bắt bộ (bắt ốc, kéo lưới tay...)


Theo nhà đầu tư, mở rộng quy mô dự án lên 2.870ha để đáp ứng mục tiêu xây dựng Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển tầm cỡ quốc tế theo chủ trương của TP.HCM và chính phủ.
(Ảnh: Huy Phong)

Ngày 7/9/2018, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ nộp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”, với quy mô từ 600 ha (đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo tiền khả thi năm 2004; TP.HCM cấp phép xây dựng năm 2007, đã san lấp 15,5ha) tăng lên 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, với tổng vốn đầu tư 217.053,967 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành trong 11 năm, gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 2019 – 2022), thực hiện: hạ tầng khung (đê bao, tuyến giao thông chính đô thị mặt cắt 50m, đường trục chính ra mũi Hải Đăng, đường liên khu vực và đường khu vực…); Biển hồ, khu công viên chuyên đề, khu cây xanh chuyên đề - thể dục thể thao; Khách sạn và khu hỗn hợp trung tâm; Khu công cộng dịch vụ đô thị; Khu hỗn hợp và tháp điểm nhấn cao 108 tầng; Khu nhà ở; Khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng;…

Giai đoạn 2 (từ năm 2022 – 2027), thực hiện: hoàn thiện tiếp hạ tầng khung (đường nhánh, bến cảng, Monorail); Công viên công cộng, bệnh viện, cầu qua biển hồ; Khu nhà và khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng; khu cao tầng hỗn hợp;…

Giai đoạn 3 (từ 2027 đến 2030) thực hiện: hạ tầng khung (bãi biển, các đường nhánh còn lại…); Nhóm nhà ở còn lại và khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng;…


Dự án “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” được đề xuất tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, dự kiến triển khai trong 11 năm.
(Ảnh: Huy Phong)

Theo văn bản giải trình của nhà đầu tư, “qua quá trình triển khai nhận thấy tiềm năng to lớn của sự phát triển khu du lịch lấn biển Cần Giờ, nhằm phát triển thành một khu du lịch có tầm cỡ quốc tế, xứng đáng với sự phát triển kinh tế của TP.HCM, là đầu tàu kinh tế của cả nước, nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và mở rộng phát triển khu đô thị du lịch Cần Giờ. Đến năm 2015, phương án điều chỉnh mở rộng hoàn tất và phương án mở rộng chính thức được đề xuất trình UBND TP.HCM, và được thành phố chấp thuận nguyên tắc cho triển khai nghiên cứu.

Thực hiện chủ trương của thành phố và chính phủ nhằm xây dựng Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển tầm cỡ quốc tế, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Cần Giờ cùng với sự hỗ trợ của các bộ ngành đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch và mở rộng quy mô dự án lên 2.870ha để đáp ứng mục tiêu trên...”.

Theo văn bản 1049/UBND-DA, về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các bộ ngành từng có ý kiến dự án cần được cơ quan thẩm quyền quản lý môi trường thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường khu vực, môi trường nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới năm 2000.

Ngày 28/1/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 220/QĐ-BTNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khu du lịch biển Cần Giờ, với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc Cần Giờ.


Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong ảnh: những cây Đước có đánh dấu đỏ nằm trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, muốn chặt đi phải xin phép UNESCO.
(Ảnh: Như Hùng)

Theo UBND TP.HCM, trong công văn số 3715/BKHĐ-PC ngày 5/5/2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ, do tổng vốn đầu tư là 217.053,967 tỷ đồng (lớn hơn 5.000 tỷ đồng) và có hạng mục xây dựng và kinh doanh sân golf.

“UBND TP.HCM có ý kiến về một số nội dung nêu trên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án”, văn bản số 1049/UBND-DA viết.

Huy Phong

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1619 khách Trực tuyến

Quảng cáo