Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Trại Điêu khắc Việt Nam: Số lượng nhiều, còn chất lượng?

Trại Điêu khắc Việt Nam: Số lượng nhiều, còn chất lượng?

Viết email In

Các trại điêu khắc liên tục được tổ chức từ Bắc chí Nam. Gần đây nhất, Trại điêu khắc quốc tế Đồng Mô dự kiến diễn ralà từ ngày 23/11 đến ngày 21/12/2008 nhưng vừa phải lui lại thời gian đến Quý 1 năm 2009. Số lượng nhiều, còn chất lượng?

Đi trại lại gặp “người quen”

Đã tham dự nhiều trại điêu khắc quốc tế ở nước ngoài cũng như trong nước, cả ba nhà điêu khắc Noell El Farol (Philippines), Paul Haggins (lreland) và Stephen Turner (Canada) khẳng định: Ở VN mỗi năm có nhiều trại điêu khắc nhiều thuộc vào hàng “top ten” trong khu vực, nhưng một số trại tổ chức còn nghiệp dư.
 

Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh (ngồi bìa phải) tại một trại điêu khắc Hàn Quốc

Đưa ra con số có sự so sánh đối chiếu từ nhiều nguồn thông tin, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết, VN có số trại điêu khắc hằng năm chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ả Rập (Dubai). Lẽ ra số lượng trại phải đi đôi với chất lượng, thế nhưng trại ở ta vẫn cứ… nghiệp dư. Vì sao nghiệp dư? Câu hỏi này được Bùi Hải Sơn lý giải như sau: thành công chiếm đến 50% của một trại điêu khắc được quyết định bởi nhân sự - tức là khách mời. Ở ta, tôi đã hai lần tham gia trại quốc tế An Giang, và lần nào cũng chỉ gặp bấy nhiêu gương mặt trong cũng như ngoài nước. Với xứ người thì khác, cụ thể như Hàn Quốc, mỗi trại, họ chọn lọc mời khoảng năm tác giả trong nước và năm tác giả nước ngoài, lần sau mời các tác giả khác. Còn chúng ta thì, trại ở Huế, Hải Phòng… cũng có chừng ấy tác giả. Mà điêu khắc cũng như các ngành nghệ thuật khác, để thai nghén ra một tác phẩm khác mình và khác người cần phải có thời gian. Đó là chưa nói đến việc nhiều người cả một thời gian dài hoặc cả đời chỉ có vài “mảng, miếng” làm tới làm lui. Cho nên ở ta, đi An Giang hay Huế, Hải Phòng cũng gặp dăm tác phẩm của vài tác giả có thể nói là giống nhau vì của cùng một người “đẻ ra”. Nước ngoài họ sợ sự trùng lắp ấy nên nhất định chỉ mời mỗi tác giả làm một tác phẩm trên lãnh thổ của họ, hạn hữu lắm mới có lần thứ hai.

Nếu chỉ quẩn quanh trại nào cũng chừng ấy tác giả, dù họ tài danh đến mấy, thì làm sao nền điêu khắc phát triển được - nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh băn khoăn.

Thế nào là chuyên nghiệp?

Nói cho công bằng, trại điêu khắc xuất hiện nhiều ở một quốc gia sẽ tạo nên nhiều đất cho các nhà điêu khắc dụng võ. Nhưng như vừa nói, vấn đề nhân sự dự trại (khách mời) chiếm đến 50% sự thành công của trại. Tại sao ở ta cứ mời đi mời lại chừng ấy tác giả? Theo nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh vì BTC ở ta quá ít thông tin về các hoạt động điêu khắc trên thế giới cũng như trong nước. Điều này cũng dễ hiểu vì BTC không biết chuyên nghiệp hóa từng khâu trong tổ chức điều hành, chẳng hạn như ở Hàn Quốc, BTC đã ủy quyền cho một trường ĐH Mỹ thuật ở thành phố, nơi diễn ra trại, lên danh sách khách mời. Vì trường ĐH là nơi giảng dạy và nghiên cứu nên họ biết rất rõ các hoạt động, trào lưu và từng tác giả trong nước, thế giới như thế nào… có phù hợp với mục đích, ý nghĩa của trại họ đang tổ chức hay không.

Ở các trại điêu khắc Hàn Quốc, Canada… ngoài thời gian chuyên tâm sáng tác, các tác giả còn được mời dự nhiều buổi thảo luận chuyên đề về điêu khắc. Xung quanh đó là các hoạt động như ngày nào cũng có các đoàn thể từ học sinh tiểu học đến người cao tuổi đến tham quan trại cùng một hội chợ chuyên về điêu khắc và các sản phẩm liên quan. Ở ta hiện nay, các khách mời dự trại gần như chỉ có mỗi hoạt động duy nhất là hì hục “đục đẽo” cho ra tác phẩm, xong rồi về. Một trại điêu khắc chuyên nghiệp ngoài làm “nghiệp vụ” của các tác giả, còn là một ngày hội của cư dân nơi diễn ra. Như trại Iksan (Hàn Quốc) mà nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn vừa tham dự, đài truyền hình KBS còn tài trợ lớn cho trại và ngày nào cũng có các phóng sự truyền hình về các hoạt động của trại này. Phóng sự của KBS rất đa dạng và hấp dẫn, ví dụ như họ làm nhiều tập từ lúc khai thác khối đá, phân tích chất liệu đá ra sao đến việc cho ra một tác phẩm điêu khắc.
 
Trại bán thời gian phù hợp hơn với điều kiện VN
 
Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh hai lần đi trại điêu khắc quốc tế ở Hàn Quốc đều được mời tham gia bán thời gian. Nghĩa là mọi ý tưởng về tác phẩm, tác giả chuẩn bị ở nhà và gửi mẫu phác thảo cho BTC. BTC sẽ có người thi công thành tác phẩm với đúng kích thước thật do tác giả yêu cầu. Khi tác giả sang đến nơi chỉ cần xem lại tác phẩm và hiệu chỉnh những chỗ chưa vừa ý mình. Hiện nay, nhiều trại điêu khắc ở VN thường “tập trung” kéo dài và tác giả tự làm tác phẩm, điều này làm tốn kém nhiều chi phí để tổ chức. “Ở VN hiện nay, nên áp dụng phương án “bán thời gian”, vì ít tốn kém lại làm được nhiều hoạt động xung quanh liên quan đến điêu khắc”, nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh nhận xét.

Ở ta, gần như năm nào cũng có trại sáng tác điêu khắc trong nước hoặc quốc tế. Thế nhưng, trại bế mạc thì tác phẩm “trùm chăn” để đó. Trong khi, như ở Hàn Quốc, kết thúc trại cũng đồng nghĩa với việc tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn.
 
Bế mạc, tác phẩm “đắp chiếu”

Tỉnh An Giang đã hai lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế vào năm 2003 và 2005, thế nhưng đến nay các tác phẩm có được từ vẫn chưa dùng vào việc gì. Đó là khẳng định của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn khi anh đều tham dự cả 2 trại tại An Giang. Theo tìm hiểu của TT&VH, cả hai trại điêu khắc quốc tế ở An Giang đều nhằm mục đích phục vụ cho công viên dưới chân núi khu di tích văn hóa Miếu Bà Chúa Xứ. Bản thiết kế công viên này đã có, nhưng không hiểu vì sao từ rất lâu rồi mà công viên này chưa được xây dựng. Và tất nhiên, các tác phẩm điêu khắc từ hai trại quốc tế được tổ chức khá tốn kém kia vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà không thực hiện được “nhiệm vụ” của mình: mang lại cái đẹp cho mọi người.

  • Ảnh bên : Một tác phẩm trong Trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế

Các trại ở An Giang còn ít nhiều có mục đích để hướng đến là xây dựng công viên. Rất nhiều trại khác ở một số tỉnh thành, bế mạc trại cũng đồng nghĩa là các tác phẩm… “đắp chiếu”. Vì ngay từ ban đầu, các trại này hình thành mà không có một mục đích rõ ràng trong việc sử dụng tác phẩm. Hoặc có ý muốn dùng tác phẩm vào việc này việc nọ nhưng lại vướng nhiều thứ, trong đó có việc ê-kip tổ chức trại không “thông nhau” với ê-kip sử dụng tác phẩm và đặc biệt là do… kinh phí lúc nào cũng “khó khăn”.

Hiện nay, gần như chỉ có trại điêu khắc quốc tế ở Huế nhân dịp các festival là được đưa vào sử dụng trang điểm cho công viên. Ấy nhưng, tác phẩm được “ra mắt” người dân rồi lại không được bảo quản chu đáo. Như công luận thời gian qua ít nhiều đã lên tiếng về việc viết vẽ bậy hay cưa lấy tượng đồng bán ve chai… khiến cho các tác phẩm ở Huế không còn đẹp như ban đầu.
 
“Gần như năm nào chúng ta cũng tổ chức các trại điêu khắc trong nước và quốc tế, nhưng đến nay các tác phẩm sáng tác từ các trại vẫn chưa được dùng vào việc gì, hoặc có dùng nhưng cách bảo quản rất kém” - Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn bức xúc.

Ở trên chỉ mới nói đến các trại do các đơn vị nhà nước đứng ra tổ chức. Còn các trại điêu khắc của các nhóm cá nhân cùng các triển lãm thì sao? Anh Phạm Minh Chiến, Trưởng nhóm điêu khắc trẻ Không gian mới, sau hơn một tháng triển lãm của nhóm này diễn ra tại khu du lịch Văn Thánh (TP.HCM), cho biết: Các tác phẩm vẫn còn nguyên, chưa bán được và cũng không biết sử dụng vào việc gì. Năm ngoái, triển lãm của nhóm này cũng diễn ra tình trạng như vậy… Có chăng là, các nhà điêu khắc quá yêu nghề nên mới tiếp tục sáng tác dù biết “cá nhân” hay “các trại” cũng “chẳng để làm gì”.
 
Xứ người, xong tác phẩm là dùng ngay

Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh đã hai lần dự trại ở Hàn Quốc, anh nói: Tác phẩm mình làm xong là được đặt ngay vào vị trí triển lãm mà cũng là vị trí vĩnh viễn của bức tượng. “Sau khi hoàn thành tác phẩm trong một trại điêu khắc ở Hàn Quốc, các tác giả được mời đến một sân vận động mới xây dựng xong. Bên ngoài sân vận động đã đánh dấu các vị trí để đặt tượng, các tác giả tự thỏa thuận để chọn chỗ cho tác phẩm của mình. Hôm sau, BTC mang tác phẩm đến, trước sự chứng khiến của nhiều người, người ta đào vị trí để đặt tượng. Tôi rất ngạc nhiên, vì nhìn vào nơi đặt tượng của mình là một thảm cỏ xanh rì, nhưng khi gạt lớp cỏ đi là đã lòi ra ngay chân tượng bằng bê-tông. Thì ra, khi xây xựng sân vận động, người ta đã thiết kế cả các vị trí để đặt tượng nằm trong quy hoạch tổng thể rồi” - Hoàng Tường Minh kể.

Ở một số nước phát triển, trong quy hoạch xây dựng các tòa nhà lớn hay các khu vực công cộng, người ta luôn bắt buộc chủ đầu tư phải dành một khoảng kinh phí nhất định cho mỹ thuật, trong đó có điêu khắc. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, cho biết: “Ở Hàn Quốc, hầu hết các tòa cao ốc đều có một tác phẩm điêu khắc lớn đặt ở lối vào trung tâm tòa nhà. Tác phẩm ấy không chỉ làm cho tòa nhà đẹp hơn, mà nó còn trở thành biểu tượng của tòa nhà đó. Biểu tượng còn được in thành logo trên các giấy tờ, bao bì… trong các giao dịch. Nghĩa là người ta đã tính đến điêu khắc như một phần không thể thiếu trong xây dựng. Theo tôi biết, luật xây dựng Hàn Quốc cũng quy định cụ thể về việc này”.

Tuy nhiên, Bùi Hải Sơn cũng cho biết thêm, theo tìm hiểu của anh, nếu luật không quy định thì các nhà xây dựng Hàn vẫn mời điêu khắc vào công trình của mình.“Tôi nghĩ, với môi trường Hàn Quốc như hiện nay, điêu khắc luôn có đất sống. Luật quy định chẳng qua để khống chế một vài thành phần cá biệt mà thôi. Tôi mong rằng điêu khắc và xây dựng ở ta phải “bắt tay” nhau như thế” - anh Sơn đinh ninh như vậy.

Nếu so sánh cách làm của người với cách làm của ta, thì ra điêu khắc của ta thường “đi trước” và “nằm chờ” các công trình xây dựng hoặc nằm ngoài quy hoạch tổng thể các công trình. Thế nhưng, buồn thay, điêu khắc của ta “đi trước” nhưng luôn “về sau” hoặc đã “về rồi” nhưng vẫn nằm đâu đó bên ngoài, lạc nhịp với cảnh quan xung quanh mình. 

>> Trao giải Cuộc thi điêu khắc "Tôn vinh di sản văn hoá Hội An" 

 

Lời bình  

 
+1 # LÊ VĂN HÙNG 04/06/2012 07:44
Tôi đến vườn tượng núi Sam thấy có phó tượng ghi chú thích "Người anh hùng đáng kính Tướng quân Ba". Ông này là ai, xin các nhà điêu khắc cho tôi biết với. Tôi thắc mắc: trại điêu khắc AG 2003 có chủ đề "Dấu ấn An Giang 2003" nhưng nhìn tượng này thì chẳng có gì là An Giang mà giống một tướng Tàu. Có khi nào mình bỏ tiền ra nuôi điêu khắc gia Trung Quốc để nó tạc tượng tướng Tàu để cho dân mình nhìn ngắm. Tượng này coi chừng là Phục Ba tướng quân - Mã Viện đó mấy ông lãnh đạo ơi! Coi lại đi! Coi chừng mình chết với thằng Tàu này nhé!
Thân chào!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2150 khách Trực tuyến

Quảng cáo