Bài viết này nhằm mục đích trình bày khái quát về sự phát triển của các thực hành nghệ thuật công cộng tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây thông qua những ví dụ minh hoạ và diễn ngôn thích hợp.
Các thực hành nghệ thuật công cộng tại Hàn Quốc 5 năm qua có thể được giới hạn vào ba chủ điểm quan trọng nhất. Trước tiên là cuộc tranh luận về Luật Trang trí Cao ốc (The Building Decoration Law) – một chính sách văn hoá quốc gia đối với việc lưu dụng các tác phẩm điêu khắc công cộng. Chủ điểm thứ hai là sự xuất hiện tràn ngập các dự án nghệ thuật công cộng khổng lồ, được điều hành bởi chính quyền địa phương. Và sau hết là sự xuất hiện của những nghệ phẩm công cộng kiểu mới mà đặc điểm của nó là hướng tới một thứ lý tưởng mang màu sắc hành động (activist ideal) và mang tinh thần dấn thân xã hội.
- Ảnh bên : Dự án tiểu hội chợ Chunggye (Chunggye Mini Expo Project)
Trong bài viết này, thực hành của các dự án “Thành phố bay” (Flying City) và “Ốc đảo” (Oasis) sẽ được tập trung khảo sát bởi chúng gây được nhiều sự chú ý của truyền thông đại chúng và giới nghệ thuật. Ba chủ điểm vừa nêu trên không chỉ phản ánh những thay đổi trong xã hội Hàn Quốc mà còn tạo ra những đặc tính (mới) cho các thực hành nghệ thuật công cộng Hàn Quốc.
Nghệ phẩm công cộng trong không gian công cộng
Nghệ phẩm công cộng đặt trong không gian công cộng chiếm số lượng chủ yếu trong các thực hành nghệ thuật công cộng tại Hàn Quốc. Số lượng ngày càng tăng và tính phổ biến của các điêu khắc công cộng bắt nguồn từ sự xuất hiện của Luật Trang trí Cao ốc do chính phủ Hàn Quốc ban hành vào thời điểm Hàn Quốc đăng cai Olympic 1988. Đạo luật này quy định rằng chủ cao ốc bắt buộc phải trích ra 0.7% phí xây dựng cao ốc cho các nghệ phẩm công cộng. Sự bùng phát dân số đô thị và tình trạng các cao ốc được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị chính là nguyên nhân của sự bùng phát đến kinh hoàng về số lượng các tác phẩm điêu khắc công cộng. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chất lượng thẩm mỹ của chúng, đặc biệt là vấn đề phong cách. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc công cộng vẫn duy trì phong cách của chủ nghĩa hiện đại – cũng là phong cách nghệ thuật chính thống tại thời điểm ban hành đạo luật. Không thèm đếm xỉa tới sự giao tiếp (communication) với công chúng, những tác phẩm điêu khắc này chỉ có chức năng trang trí cho không gian mà thôi. Thêm nữa, việc chỉ có một nhóm nhỏ nghệ sĩ luôn luôn được đặt hàng và thậm chí, họ còn sang lại hợp đồng cho các xưởng đúc, dẫn đến kết quả là rất nhiều vấn đề đã nảy sinh trong quá trình sản xuất và trưng bày các điêu khắc công cộng.
Kim Kunhee, Communication/ Her Room (giao tiếp/căn phòng của cô ấy), nhiếp ảnh, là một phần của dự án CHẢY (FLOW)
Tình trạng trên đã khơi dậy rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, trùng hợp với thời điểm khi mà mức độ hứng thú đối với nghệ thuật công cộng tăng cao, dẫn tới sự ra đời của Hội đồng Nghệ thuật Công cộng vào năm 2002, với mục đích phản đối lại các chính sách văn hoá lúc đó. Hội đồng Nghệ thuật Công cộng đã đặt ra những câu hỏi: Các tác phẩm nghệ thuật công cộng hiện thời đã đáp ứng được đến đâu nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng (public) – công chúng thực sự của chúng và các tác phẩm ấy đã tương thích với đời sống của cư dân sống xung quanh chúng đến mức độ nào? Những chủ điểm liên quan đến lợi ích của cộng đồng này đã trở thành căn cứ cho các lý lẽ mà Hội đồng đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của nghệ thuật công cộng. Hơn thế, Hội đồng cũng gợi ý chính phủ đưa ra một chính sách khác, nhằm tạo một ngân quỹ, rút ra từ những chi phí bắt buộc do Luật Trang trí Cao ốc quy định đối với chủ cao ốc mỗi khi xây dựng một cao ốc mới. Ban điều hành quỹ sẽ dùng tiền quỹ để tổ chức các hoạt động tuyển chọn nghệ sĩ, để bảo quản và duy tu nghệ phẩm. Hiện tại, Bộ Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc đang cân nhắc nghiêm túc gợi ý đầy thiện chí về việc xây dựng một đạo luật mới. Từ thực tế là mỗi năm, Hàn Quốc đã chi đến 11.5 tỷ won cho nghệ thuật công cộng (Khảo sát do Viện Chính sách Du lịch và Văn hoá Hàn Quốc thực hiện năm 1997), Hiệp hội Nghệ thuật Công cộng mong đợi chính sách mới sẽ có thể cung cấp được những công việc mới và giải quyết các phúc lợi nghề nghiệp cho một lượng nghệ sĩ lớn hơn.
Hyunjin Shin từng có quãng thời gian 6 năm làm giám tuyển tại một số không gian phá cách và phi lợi nhuận trước khi trở thành trưởng ban giám tuyển của không gian phá cách Ssamzie. Bà từng làm giám đốc chương trình tại trung tâm nghệ thuật Mỹ Á, New York và nghiên cứu viên tại Liên hội nghệ thuật Mỹ Á. Bà có bằng thạc sĩ quản lý nghệ thuật (M.A in Arts Administraton) tại Học viện Nghệ thuật Chicago và bằng cử nhân mỹ thuật B.F.A in Fine Arts) tại Đại học Hong Ik, Seoul, Hàn Quốc. Hyunjin Shin từng viết bài cho nhiều tạp chí nghệ thuật như NYArts, Wolgan Misool, Misulsegae vàOpen Art. Gần đây, bà cũng được mời trình bày tham luận: “Các không gian phá cách Hàn Quốc và sự tồn tại của chúng” (Korean Alternative Spaces and Their Survival) trong hội thảo về các không gian độc lập ở Macau, tổ chức tại không gian nghệ thuật phá cách Old Ladies House Art Space (Tạm dịch: Ngôi nhà của các mệnh phụ già). Hyunjin Shin từng tổ chức một số triển lãm như Young Video Show vào năm 2004, Video Cultural Lounge vào năm 2003, và WATERwalks tại ISE Cultural Foundation tại NYC vào năm 2002. Hiện tại, là trưởng ban giám tuyển của không gian nghệ thuật phá cách Ssamzie, Hyunjin Shin đang đồng thực hiện một dự án quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại châu Á diễn ra từ 8 – 12 tháng 9 năm 2006. Đó là workshop lần thứ hai của mạng lưới Nội Á (Intra Asian Network) mang tên: New Ways of Engaging Asia – Artists’ Mobility and Artist-in-Residency. |
Những dự án nghệ thuật công cộng thuộc chính quyền địa phương
Chính quyền dân sự, khi lên nắm quyền tại Hàn Quốc vào thập kỷ 90, đã giới thiệu mô hình hoạt động chính quyền địa phương (Local Goverment Act). Điều này giúp cho chính quyền địa phương có thể có được sự độc lập của mình đối với chính quyền trung ương, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các thành phố nhỏ. Ngay từ khi được thành lập, các chính quyền địa phương đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của các dự án văn hoá trong việc quảng bá hình ảnh địa phương và đã bắt đầu thực hiện những dự án nghệ thuật nghệ thuật công cộng, cho dù hầu hết các dự án này, rốt cục, đều bị biến thái thành ra các vườn tượng. Gần đây các dự án nghệ thuật công cộng thuộc chính quyền địa phương đã bắt đầu có những chuyển biến theo xu hướng trở thành các dự án nghệ thuật cỡ lớn đồng thời gắn liền với mối quan tâm khắp quốc gia về môi trường. Chính quyền thành phố Anyang là nơi đầu tiên hỗ trợ không gian phá cách Không gian bổ sung Đá và NướcMạng lưới bảo vệ sông Anyang của chúng ta (Saving Our Anyangriver Network) để đồng tổ chức Dự án sông Anyang CHẢY (FLOW)(1) một dự án được nội liên (interconnected) cùng dự án phát triển đô thị của thành phố, dự án cải thiện môi trường và kế hoạch làm đẹp đô thị (beautification plan).
Trong dự án CHẢY, các tranh tường dựng tại nhiều địa điểm xung quanh khu vực trung tâm là sông Anyang, các triển lãm nhiếp ảnh thực hiện trên các bảng quảng cáo (billboards) cùng các dự án nghệ thuật khác sẽ được đồng thời khai trương. Hơn thế, chính quyền thành phố Anyang còn khởi động một ngân quỹ 20 triệu USD cho việc lập kế hoạch dài hạn nhằm biến toàn bộ thành phố thành một công viên nghệ thuật; trong kế hoạch này, dự án nghệ thuật công cộng Anyang được thiết lập vào tháng 11 năm 2005 chính là dự án thường niên đầu tiên.
Chính quyền thủ đô Seoul, vào năm 2002, cũng bắt đầu thực hiện một dự án nhằm phục hồi sông Chunggye, đoạn chẩy giữa tòa thị chính và Shindab, bị che khuất bởi cầu vượt cao tốc xi măng phía trên. Dự án đã được hoàn tất vào ngày 1 tháng 11 năm 2005 với tổng chi phí 1.4 tỷ USD do chính quyền thành phố cấp. Dự án này là một bước trong kế hoạch dài hạn của thành phố nhằm cung cấp đời sống có chất lượng cho cư dân và quy hoạch phát triển đô thị mang tính hòa hợp hơn với thiên nhiên. Lễ mừng công hoàn tất dự án đã bao gồm trình diễn, hòa nhạc và một triển lãm với 50 tranh tường được trưng bày dọc theo bờ sông.
Nghệ thuật công cộng kiểu mới (New Genre Public Art)
Vào khoảng năm 2000, nghệ thuật Hàn Quốc ghi nhận sự xuất hiện cùng với việc phô diễn những hành vi độc đáo của nghệ thuật công cộng kiểu mới mà đặc trưng của nó là nhấn mạnh đến nơi chốn (site) của nghệ thuật công cộng cũng như tiến trình làm việc mang tính cộng tác với cư dân của cộng đồng địa phương dựa trên nền tảng mối quan hệ trực tiếp giữa văn cảnh tại chỗ và nghệ phẩm. Nghệ thuật công cộng Hàn Quốc kiểu mới vào thời điểm ấy sở hữu những đặc tính mạnh mẽ trong các hành vi đăng kết xã hội của nó và nhóm nghiên cứu đô thị “Thành phố bay” (The Urbanism Research Group Flying City) cùng dự án “Ốc đảo” (Oasis Project) đã chính là hai nhóm nghệ sĩ quan trọng tiêu biểu của các dạng hành vi này.
Khởi đầu, nhóm nghiên cứu đô thị “Thành phố bay” đã được thành lập bởi Jeon Youngseok, Jang Jongkwan và Kim Gisoo. Những nghệ sĩ này tiến hành nghiên cứu về tác động mà tiến trình công nghiệp hoá tốc độ nhanh gây ra cho thành phố Seoul từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đặc biệt, khu vực dọc theo sông Chunggye - trung tâm của quá trình công nghiệp hoá thời hậu chiến cũng như một địa điểm mang nhiều dấu ấn lịch sử - chính là nơi mà những nghệ sĩ này thực hiện một loạt các dự án nghệ thuật công cộng. Trong số các dự án ấy, “bản đồ tâm trí” (Mental Map, 2001 - 2003) là một khảo cứu về ảnh hưởng trên cấp độ vô thức. Trong dự án này, nhóm “Thành phố bay” đã phỏng vấn các cư dân sinh sống trong khu vực và yêu cầu học sinh sáng tạo bản đồ tâm lý (psychological map) cũng như vẽ ra các bản đồ tương lai về những nơi mà họ mong muốn được sinh sống. Sông Chunggye cũng là khu vực tạo ra nền tảng cho sự phát triển của quá trình công nghiệp hoá Seoul bởi tại đây tập trung rất nhiều các kho hàng (stores) mua bán thiết bị điện tử, may mặc và đồ ngũ kim (hardware). Không một nhãn hiệu hàng hoá nào trên thế giới không được sao chép và bày bán tại khu vực sông Chunggye. Thậm chí, người ta còn nói đùa rằng khu vực này có bán đủ các thiết bị để có thể lắp đặt cả một vệ tinh không gian. Nhóm “Thành phố bay” mới đây đã tổ chức Dự án tiểu hội chợ Chunggye (Chunggye Mini Expo Project) nhằm giới thiệu thành viên dẫn đầu của khu vực tràn ngập các kho hàng mua bán máy móc và thiết bị này. Trong dự án này, họ đã nghiên cứu các mối quan hệ tương liên giữa và trong các kho hàng, sau đó, tạo ra biểu đồ để thị giác hoá các nghiên cứu của họ. Họ cũng biến các kho hàng thành ra các không gian triển lãm tạm thời bằng cách bày bán tại đó các mô hình theo mẫu thực do họ chế tạo và viết các giai thoại về các mô hình đó trên những cửa sổ trưng bày, khuyến khích công chúng ghé vào xem.
Ảnh chụp trong cuộc trình diễn “Ủng hộ quyền bầu cử của lao động nhập cư” (Migrant Worker’s Election Campaign) của Kyongju Park
Kyongju Park, một nghệ sĩ tham gia vào triển lãm mang tên "Tuyên bố công khai Vận động quyền bầu cử cho người lao động nhập cư " (Migrant Workers Election Campaign Performance) nhằm mục đích thay đổi cách nhìn của dân Hàn Quốc về 350.000 lao động nhập cư tại đây. Cùng thời điểm đó, cô cũng khảo sát dân Hàn về phản ứng của họ trong trường hợp nếu người lao động nhập cư tranh cử vào chính phủ. Về sau, cô đã thiết lập một công ty phát thanh Internet dành cho lao động nhập cư.
Trong triển lãm của mình, nghệ sĩ Jihye Kim đã trưng bày tác phẩm mang tên “Giấy mời tới đô thị mới Pyunghwa” (Invitation to Pyunghwa New City ). Tác phẩm trình bày câu chuyện về việc các cư dân tại thành phố Pyungtaeck đang bị đe doạ tống cổ khỏi nhà mình bởi các kế hoạch mở rộng căn cứ Humphrey của quân đội Mỹ. Pyungtaek, trước khi bị chiếm cứ bởi doanh trại quân đội Mỹ, từng được biết tới dưới cái tên Daechoo – ri. Cùng với các cư dân thành phố đã sống dưới thời khu vực này còn mang tên cũ, nghệ sĩ tổ chức một cuộc họp mặt và đồng ca một ca khúc hướng đạo sinh Daechoo (Daechoo boy Scouts Song) để nhắc nhớ về những năm tháng cũ, khi các cậu bé trong thành phố vẫn còn có thể chơi bóng tại ngay chính sân bóng – nơi giờ đây đã trở thành doanh trại quân đội Mỹ.
- Ảnh bên : Dự án “Ốc đảo”, Quảng cáo rao bán cao ốc thuộc Liên đoàn các Tổ chức Nghệ thuật Hàn Quốc
“Ốc đảo” là tên của nhóm nghệ sĩ thành lập bởi Kim Kang và Kim Youn Hoan và cũng là tên của một dự án chiếm dụng (squat project). Nhóm nghệ sĩ này đã có công giới thiệu ý niệm “chiếm dụng” (squatting) vào xã hội Hàn Quốc và đã thực hiện một cách tích cực phương châm hồi xuân cho các cao ốc hoang phế hoặc thi công dang dở. Từ mùa đông 2004, họ đã tìm cách chiếm cứ tòa cao ốc thuộc Liên đoàn các tổ chức nghệ thuật Hàn Quốc (Korean Federation of Art Organization, KFAO). Việc xây dựng tòa cao ốc này mới được hoàn tất khoảng 90% và rồi cứ để dang dở thế trong vòng 7 năm, mặc dù KFAO đã nhận các tài trợ tổng cộng 21.5 triệu USD từ Bộ Văn hoá và Du lịch (Ministry of Culture and Tourism, MCT) và từ Quỹ Nghệ thuật và Văn hoá Hàn quốc (Korean Culture and Art Foundation, KCAF). Nhóm các nghệ sĩ thuộc dự án “Ốc đảo” bắt đầu chiếm cứ tòa cao ốc bằng cách làm sạch và chơi trốn tìm trong đó. Hoạt động của họ chỉ bị dừng lại khi có sự can thiệp của cảnh sát. Sau đó, các nghệ sĩ “Ốc đảo” cho đăng một quảng cáo tuyên bố rằng các không gian văn phòng trong toà cao ốc 25 tầng thuộc sở hữu của KFAO này hiện đã được niêm yết trên thị trường phân phối và tuyên bố nhận đơn đăng ký thuê. Tiếp đến, “Ốc đảo” đã cùng với 400 người đăng ký thuê văn phòng tổ chức các cuộc hòa nhạc, triển lãm và biểu tình dưới hình thức trình diễn liên tục ngay phía trước tòa cao ốc đòi quyền được sử dụng các không gian trống để làm các studio. Đòi hỏi của họ thu hút mạnh mẽ giới truyền thông; hệ quả là rất nhiều báo đài đã đưa thông tin về sự thiếu trách nhiệm trong quản lý của KFAO cũng như những điều tiếng xấu nhắm vào hai tổ chức đại diện văn hoá thuộc chính phủ (MCT và KCFA). KFAO đã kiện nhóm “Ốc đảo” ra tòa và hai nghệ sĩ thuộc nhóm “Ốc đảo”, Kim Youn Hoan và Byunghwan, trong phiên sơ thẩm, đã phải nộp phạt số tiền là 500.000 won (khoảng 500 USD).
Ngay trong thời gian tiến hành vụ xét xử, nhóm “Ốc đảo” thậm chí đã tiến hành tổ chức các màn trình diễn/biểu tình một người ngay phía trước văn phòng MCT. Rất nhiều các nhà hoạt động nghệ thuật đã tham gia vào các buổi biểu tình nghệ thuật ấy của họ. Số lượng người tham gia cũng như mức độ gây chú ý và hứng thú mà dự án này thu được vượt xa hơn mọi dự án do các nhóm nghệ sĩ từng tổ chức. Với khả năng biến hoá nhờ vào sự phức tạp và đa dạng ở thao tác lập chương trình của họ cũng như ở năng lực điều hành trong quãng thời gian phân bố không gian văn phòng, những hoạt đồng của nhóm “Ốc đảo” có thể sánh với các hoạt động được thực hiện bởi những tổ chức phi chính phủ cỡ lớn.
Tuy nhiên, những gì làm tôi quan tâm không phải là các cuộc chiếm cứ - thật sự chỉ diễn ra trong đôi ba ngày - của những nghệ sĩ nhóm “Ốc đảo” mà là rất nhiều cuộc tụ họp nghệ thuật và biểu tình văn hoá chống lại KCAF và MCT do họ tổ chức. Việc làm này của họ đã cho thấy rõ tiêu điểm mà những hoạt động của họ nhắm đến với tư cách là hiện thân của một chủ nghĩa hành động văn hoá (cultural activism) muốn thúc đẩy những cải tổ trong công tác điều hành văn hoá.
- Ảnh bên : Loạt biểu tình một người, từ trái sang: Kim Kang, Seungwook Koh, Kim Yoonhoan
Những đặc tính của nghệ thuật công cộng Hàn Quốc
Sự phê phán của Hiệp hội Nghệ thuật Công cộng đối với tình trạng mất kiểm soát của Luật Trang trí Cao ốc, những chỉ trích của nhóm nghệ sĩ “Ốc đảo” nhắm vào công tác điều hành quỹ của MCT và KCFA, dự án Daechoo – ri của Jihye Kim quan tâm tới chủ đề quyền cư trú giữa doanh trại quân đội Mỹ và cư dân bản địa và cuối cùng là những cuộc trình diễn của Kyongju Park về quyền tham gia bầu cử cho các công nhân nhập cư - tất cả các hành vi vừa điểm qua trên đây đều có thể được coi là công việc của các nhà hoạt động văn hoá quan tâm tới các chủ đề chính trị, xã hội.
Điểm chung của các nhóm nghệ sĩ này nằm ở chỗ họ tiếp cận với công việc ở một tầm mức đòi hỏi phải có những kỹ năng điều hành tuyệt hảo. Phần lớn các thành viên thuộc các nhóm nghệ sĩ này đều từng tham gia phong trào nghệ thuật Minjoong vào thập kỷ 80 khi quá trình dân chủ hoá mới manh nha tại Hàn Quốc. Vì lý do đó, rất nhiều người có xu hướng gắn các thực hành nghệ thuật công cộng gần đây với Phong trào nghệ thuật Minjoong. Phong trào nghệ thuật Minjoong có thể được coi là một phong trào hành động (activist movement) khi nó tìm cách phát giác những hành vi tồi tệ của chính thể quân sự thân Mỹ vào thời điểm bấy giờ, qua đó, góp phần tạo động lực thay đổi tình trạng xã hội Hàn Quốc. Kích động dư luận dân chúng có lẽ là một trong những cách tiếp cận chung giúp cho các dự án của phong trào nghệ thuật Minjoong cũng như các dự án nghệ thuật công cộng gần đây đạt tới thành công. Nhóm nghệ sĩ “Ốc đảo” sử dụng cách tiếp cận này thông qua việc tổ chức các cuộc trình diễn kéo dài hàng tháng, đồng thời cũng giới thiệu một phong cách nghệ thuật mang tên “chiếm dụng”. Hiệp hội nghệ thuật công cộng cũng hướng đến cách tiếp cận này qua việc tổ chức vô số hội thảo và thảo luận bàn tròn về đạo Luật Trang trí Cao ốc nhằm thu hút sự chú ý tới cuộc tranh luận về việc quyền sở hữu thực đối với các tác phẩm nghệ thuật công cộng thuộc về bên nào trong hai bên: chủ tòa cao ốc hay cư dân sống trong và xung quanh tòa cao ốc đó? Mặc dù Hiệp hội Nghệ thuật Công cộng phải điều giải cuộc tranh luận mà tiền đề của nó có thể dẫn đến việc vi phạm quyền sở hữu cá nhân nhưng bản thân sự hiện diện của cuộc tranh luận ấy đã chứng minh việc xã hội dân sự đang hiện diện tại Hàn Quốc. Đòi hỏi các đại diện quản lý quỹ thuộc chính phủ phải có những cải cách trong phương pháp điều hành chỉ có thể xuất hiện trong một khí hậu chính trị khi chính quyền không thể không đáp ứng nhu cầu dân chúng.
Nói tóm lại, có thể khẳng định: một trong những đặc điểm nổi bật của các thực hành nghệ thuật công cộng Hàn Quốc chính là sự xuất hiện với một số lượng lớn các nghệ sĩ - những người tiếp bước tinh thần dấn thân xã hội của phong trào nghệ thuật Minjoong - giờ đây, đang thể nghiệm các cách tiếp cận đương đại để quán chiếu vào việc tìm kiếm giải pháp cho các chủ đề xã hội hiện tại cũng như cho các thay đổi trong không khí chính trị của quốc gia.
(1) FLOW: Tên ghép từ 4 chữ của: Flower (hoa) tượng trưng cho Ecological Art (Nghệ thuật sinh thái), Land (đất) tượng trưng cho Land Art (Nghệ thuật thực địa), Object (mục tiêu) tượng trưng cho Public Art (Nghệ thuật công cộng) và Wall (tường) tượng trưng cho Mural Painting (Tranh tường ngoài trời). Nguồn: Bản quyền hình ảnh thuộc tác giả Hyunjin Shin và thuộc các nghệ sĩ: Kim Kang (Hyunsook), Kim Youn Hoan thuộc nhóm “Ốc đảo” (Oasis), nhóm nghiên cứu “Thành phố bay“, nghệ sĩ Kyongju Park, Jihye Kim, không gian phá cách “không gian bổ sung đá và nước“ (Suplementary stone and water space), nghệ sĩ Kim Kunhee. Bài viết và hình ảnh do tác giả cung cấp. Bản quyền bài viết thuộc tác giả Hyunjin Shin. |
Hyunjun Shin / Như Huy dịch
- Hà Nội trong mắt trẻ mồ côi
- Tái hiện di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội bằng 3D
- Triển lãm “Ôi thành phố”, góc nhìn mới về Hà Nội
- Sống nghệ thuật (Living Art) của Urban Landscape Group
- "Đánh thức không gian": Cuộc chạy trốn của Rùa Hồ Gươm
- "Ánh sáng thành phố" của Phương Vũ Mạnh
- Khi nghệ thuật nhạo báng chính trị
- Quyền uy nghệ thuật châu Á của một phụ nữ Việt
- Không "nhốt" ý tưởng trong một chất liệu hay hình thể…
- Nghệ sỹ Trần Lương: Xin hỏi, tôi theo Tây, ngoại lai như thế nào?