Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Để có thể trở thành Thung lũng Silicon

Để có thể trở thành Thung lũng Silicon

Viết email In

Margaret O’Mara (tạp chí Foreign Policy) phân tích thành công của thung lũng Silicon và đưa ra lời khuyên dành cho những thành phố đang có ý định trở thành thành phố công nghệ trong tương lai.

Từ những năm 1960, các nhà lãnh đạo thế giới như Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… đã có những chuyến thăm viếng Thung lũng Silicon với mong muốn phỏng theo mô hình này xây dựng những khu công nghệ cao của mình.

Trong vòng 1 thập kỷ, Chính phủ Pháp đã tạo nên được một trung tâm công nghệ cao Sophia Antipolis, dọc theo Cote d’Azur. Các công ty đa quốc gia thành lập chi nhánh ở đây. Hiện nay đây là một trung tâm thương mại thế giới nhưng không phải là trung tâm của đối mới sáng tạo. Trung Quốc đã xây dựng những khu nghiên cứu phát triển trên diện tích rộng, nơi chỉ một thập kỷ trước đây là một cánh đồng trồng lúa và nhãn, với nhiều không gian mở, thư viện tốt với nhiều phòng thí nghiệm mới, công nghệ cao gần hai trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, hi vọng sẽ thu hút những kỹ sư, nhà khoa học tài năng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh công nghệ cao. Khi tôi hỏi các kỹ sư của Trung Quốc giỏi giang, làm việc chăm chỉ rằng họ có ý định ở lại đây lâu dài hay không? Họ trả lời: Không đời nào.

Nguyên nhân của sự không thành công của các khu công nghệ cao trên là do nhiều người không hiểu được bí mật của Thung lũng Silicon là ở chỗ nó không dự định trở thành thành phố silicon. Thung lũng tồn tại và phát triển vì những yếu tố ngoài dự định ban đầu của những người khởi đầu xây dựng.

1. Cung cấp tiền cho những người tài năng và để họ tự do hoạt động

Thung lũng Silicon là kết quả của hơn 60 năm đầu tư của cả tư nhân và Nhà nước. Chính phủ Mỹ là nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên của thung lũng, nuôi dưỡng hệ thống đổi mới sáng tạo thông qua việc tài trợ nghiên cứu khoa học trong hai thập kỷ đầu của chiến tranh lạnh do lo sợ về sức mạnh khoa học của Nga. Phần lớn khoản tiền này chảy vào các trường đại học nghiên cứu. Bắc California trở thành quê hương của hai trường đại học danh giá của Mỹ: Đại học Stanford và Đại học California, Berkeley. Các cố vấn khoa học của Tổng thống Eisenhower viết trong bản báo cáo thường niên năm 1960, “các trường đại học là những tổ chức trọng yếu cho niềm hy vọng của dân tộc, và phải được đối xử một cách đúng đắn”.



Washington đưa ra yêu cầu và kiểm tra nhưng không tiến hành quản lý việc nghiên cứu. Chính phủ trở thành một trong những đối tác quan trọng của những công ty thành công như Hewlett Packard và Varian Associates. Năm 1971, với sự đồng ý của Chính phủ cho phép phát triển mạnh ngành công nghiệp điện tử ở ngoại ô phía Nam của San Francisco, nhà báo Don Hoefler đưa ra tên gọi “Thung lũng Silicon”. Cái tên này được dùng từ đó tới giờ. Sau một thời gian, những hợp đồng của Chính phủ giảm đi tuy nhiên những cơ hội thương mại mới được mở ra. Và các khoản tiền đầu tư đến với các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon. Mô hình đầu tư mạo hiểm này được tạo cho Bay Area, nơi có truyền thống mạo hiểm từ ngày nước Mỹ đổ xô tới bờ Tây tìm vàng, với một cộng đồng nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào những doanh nghiệp mới của những ông chủ phần lớn bị xem là những kẻ nổi loạn, kẻ ngoại đạo và thậm chí mới chỉ vừa qua tuổi teen.

Sự táo bạo, cơ chế trọng dụng nhân tài của Thung lũng Silicon  đã tạo ra cơ hội tuyệt vời cho những nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng ở đây với những chính sách thoáng về người nhập cư, thu hút sinh viên nước ngoài tài năng từ những nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Berkeley, hơn một nửa công ty tại Thung lũng Silicon là do người nước ngoài thành lập.

2. Tìm ra được một trường đại học hàng đầu

Những trường đại học hàng đầu không chỉ có giá trị như là trung tâm nghiên cứu mà còn là mạng lưới quan hệ cần thiết cho hoạt động kinh doanh.

Thật khó có thể nghĩ Stanford-một cơ sở giáo dục bình thường  của những năm 1950 có thể trở thành một trung tâm công nghệ. Tuy nhiên, trường đại học đã tận dụng được khoản tiền nghiên cứu lớn trong giai đoạn chiến tranh lạnh để trở thành trung tâm khoa học và công nghệ. Vào năm 1951, những người lãnh đạo của trường nhận ra có thể thu hút các cựu sinh viên của trường tới khu nghiên cứu Palo Alto được xây dựng ngay gần kề trường đại học với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa bên công nghiệp và nghiên cứu hàn lâm. Và Frederick Terman, Hiệu trưởng trường Đại học Stanford, đã mời được những cựu sinh viên tài năng của mình bắt đầu sự nghiệp tại đây trong số đó phải kể tới William Hewlett và David Packard. Stanford tiếp tục trở thành cỗ máy sản xuất nhân tài và những ý tưởng thông minh cho Thung lũng Silicon. Những CEO của các công ty công nghệ xuất thân từ Stanford nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Một vài những người đứng đầu công ty Google và Yahoo! đã từng là sinh viên của trường đại học này.



3. Đừng quên vị trí đóng vai trò quan trọng

Thung lũng Silicon trở nên thịnh vượng vì nó có những ưu điểm thu hút những người tài năng lựa chọn làm nơi sinh sống. Những năm 1950, 1960, hàng nghìn người Mỹ đã chuyển từ vành đai sắt thép (Rust Belt) tới vành đai Mặt trời (Sun Belt) và từ thành phố về vùng ngoại ô. Thung lũng đúng là nơi mà họ khao khát: cách xa những thành phố nhộn nhịp, có nhiều đất trống để xây nhà, đường, các khu văn phòng. Các thành phố công nghiệp bờ Đông không có được ưu điểm này. Những vị trí khác như Philadelphia, Baltimore có những trường đại học hàng đầu nhưng những khu vực dân cư trong thành phố khó có thể có được nhịp sống họ mong muốn. Thung lũng Santa Clara có thời tiết đẹp, khuyến khích các hoạt động ngoài trời, những trường học tốt và đất đai rộng rãi.

Tại Thung lũng Silicon, mọi người không phải quan tâm tới những vấn đề khác ngoài công việc của họ. Tiền kiếm được dễ dàng, các vấn đề xã hội cách xa hàng nghìn dặm. Và quan trọng hơn, thành công sẽ nối tiếp thành công.

Bí mật của Thung lũng Silicon là ở chỗ nó không dự định trở thành thành phố silicon. Thung lũng tồn tại vì những động lực khác mạnh hơn: chi tiêu cho khoa học trong Chiến tranh lạnh, GDP cao, tỷ lệ di cư-nhập cư cao, tính mạo hiểm, năng lực lãnh đạo, thời tiết thuận lợi…

Tin tốt cho những người muốn xây dựng Thung lũng Silicon là họ không còn ở thời những năm 1950. Toàn cầu hóa đã thay đổi sân chơi, công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giữa con người. Thung lũng Silicon góp phần tạo nên một chuỗi cung cấp công nghệ trong đó nhiều thành phố hiện nay đóng vai trò quan trọng. Các kỹ sư viết mã tại Bangalore, các chuyên gia công nghệ thông tin trả lời điện thoại tại Bucarest, các con chip silicon được sản xuất tại Singapore, các công ty mạng xã hội phát triển tại Sao Paulo. Không thể có chuyện điều kỳ diệu chỉ xảy ra ở một nơi duy nhất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí vẫn đóng vai trò quan trọng và những yếu tố đúng đắn khác sẽ tạo nên sự khác biệt. Một vài câu chuyện thành công của các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới trong vòng hai thập kỷ qua như ở Ireland, Ấn Độ là kết quả của những chính sách hợp lý của Chính phủ từ việc giảm thuế, bỏ bớt các rào cản đầu tư nước ngoài– chứ không chỉ dừng lại ở xây dựng các trung tâm nghiên cứu.

Không phải tất cả mọi nơi đều có thể là Thung lũng Silicon, cũng như không phải tất cả mọi nơi đều phải trở thành như vậy. Một môi trường lý tưởng cho các doanh nhân có thể là nơi sỏi đá hay thành thị, không nhất thiết phải là một công viên văn phòng yên tĩnh, ngập cỏ của Thung lũng Santa Clara.

Ngọc Tú (lược dịch)

>> Các công viên khoa học "chuyển mình" thành trung tâm thành phố 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo