Ashui.com

Friday
Sep 13th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nhật Bản muốn dẫn dắt cuộc đua "thành phố thông minh"

Nhật Bản muốn dẫn dắt cuộc đua "thành phố thông minh"

Viết email In

Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh nhưng người dân lại không mấy tin tưởng vào việc thu thập dữ liệu cá nhân. Ngược lại, Nhật Bản lại đang thành công trong việc thuyết phục công dân của mình.

Xây dựng tiêu chuẩn mới

Mô hình thành phố thông minh hàng đầu của Nhật Bản đang được xây dựng tại thành phố Aizuwakamatsu của tỉnh Fukushima, một khu vực nổi tiếng với rượu sake và truyền thống võ sĩ đạo.


Trung tâm sáng tạo AiCT của thành phố Aizuwakamatsu khuyến khích cư dân cung cấp thông tin theo mức độ họ chọn.
(Ảnh: accenture.com)

Tại Bệnh viện Đa khoa Takeda, một nam bệnh nhân đang sử dụng chiếc điện thoại thông minh của mình để thanh toán hóa đơn. Hệ thống thanh toán này là một thử nghiệm cho việc sử dụng mã QR trong phương thức thanh toán điện tử trực tuyến.

Keisuke Kobayashi của TIS, công ty phát triển của hệ thống này, cho biết: “Chúng tôi muốn làm mọi thứ thuận tiện hơn bằng cách sử dụng mã QR. Không chỉ cho việc thanh toán hóa đơn bệnh viện, mà còn để trả thuế, vận chuyển và mua hàng”.

TIS cũng muốn cắt giảm thời gian mà mọi người phải đến bệnh viện bằng cách cung cấp các dịch vụ như đưa đón bệnh viện, đặt lịch hẹn khám bác sĩ trực tuyến và giao thuốc tận nơi. Người dùng sẽ được điểm thưởng và dùng điểm đó để đổi các dịch vụ khác, như phiếu ăn uống.

TIS cũng lên kế hoạch về các dịch vụ y khoa dự phòng, như chăm sóc y tế từ xa hay chẩn đoán bệnh bằng trí tuệ nhân tạo – các biện pháp đang được khuyến khích khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài TIS, các công ty khác cũng tham gia nỗ lực phát triển tại Aizuwakamatsu nhằm nâng cao khả năng di chuyển, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp và sản xuất của thành phố. Đó là NEC, Toppan Printing, Coca-Cola, SoftBank Group và Mitsubishi. Tất cả các công ty này đều đang hợp tác chung với nhau tại trung tâm sáng tạo của thành phố - AiCT.

“Tham gia tùy chọn”

Vào tháng 5 năm nay, một công ty thuộc tập đoàn Google tại Toronto (Canada) đã thông báo rằng họ sẽ rút khỏi một dự án thành phố thông minh ở đây. Công ty này đã đổ lỗi cho ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và những lo ngại về quyền riêng tư từ cộng đồng người dân.

Tại Trung Quốc, Alibaba Group Holding, Tencent Holdings, Baidu và các công ty khác hiện đang tham gia vào chương trình quy hoạch hơn 100 thành phố thông minh của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất các tiêu chuẩn quốc tế dành cho các thành phố thông minh của mình lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (IOS). Nhưng nhiều người Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại với cách thức quản lý dữ liệu tập trung của chính phủ.

Riêng Nhật Bản thì khác. Việc thu thập thông tin của cư dân không tiến hành theo kiểu bắt buộc hay lắp camera khắp nơi.

Dân số Aizuwakamatsu chỉ 120.000 người. Cư dân ở đây có thể lựa chọn mức độ họ muốn cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy các dịch vụ thông minh hay không.

Shojiro Nakamura, giám sát dự án thuộc công ty tư vấn Accenture, nói rằng: “Nếu không có sự tin tưởng của cư dân, việc phát triển đô thị thông minh sẽ thất bại. Mô hình 'tham gia tùy chọn’ bao gồm việc mỗi dịch vụ phải được sự cho phép rõ ràng từ người dùng trước khi thu thập dữ liệu cá nhân của họ”.

Thành phố này hiện đang nỗ lực để thuyết phục người dân bằng cách nêu rõ những lợi ích từ việc chọn tham gia. Việc quản lý dữ liệu sẽ được giám sát bởi cộng đồng người dân để tăng tính minh bạch và đảm bảo với mọi người rằng thông tin cá nhân của họ sẽ không bị lạm dụng cho các mục đích khác.

Ví dụ, trong năm nay, thành phố đưa ra ý tưởng lắp đặt các thiết bị cảm ứng tại bãi đậu xe của một điểm du lịch địa phương nhằm theo dõi sức hút của điểm du lịch này. Tuy nhiên, ý tưởng bị bác bỏ vì cộng đồng cho rằng công nghệ này “theo dõi” nhất cử nhất động của họ.

Hiện có khoảng 20% người dân đăng ký một số loại dịch vụ điện tử thông minh. Và con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào cuối năm tài chính 2020. Ông Nakamura cho biết khi số lượng đăng ký đạt 50%, thì thành phố sẽ cho phép người dân được chọn lựa tham gia tất cả các dịch vụ dưới dạng một gói tổng thể, thay vì từng dịch vụ riêng lẻ. Và khi con số này đạt 70%, thì hệ thống sẽ được coi là đã lấy được lòng tin của người dân và sẽ chia sẻ dữ liệu cá nhân theo mặc định.


Các đại công ty của Nhật Bản đang tham gia vào quá trình phát triển mô hình “thành phố thông minh kiểu Nhật” tại thành phố Susono ở hạt Shizuoka.
(Ảnh: Automotive News)

Xuất khẩu mô hình Nhật Bản

Vào tháng 5, Chính phủ đã sửa đổi một bộ luật để mở rộng các thành phố thông minh bằng tiêu chí "truy cập mở". Bằng cách tiêu chuẩn hóa hệ điều hành đô thị - phần mềm cơ bản cho mô hình thành phố thông minh, nhiều thành phố có thể kết nối với nhau để chia sẻ dữ liệu. Điều này sẽ giúp loại bỏ việc mỗi thành phố phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho riêng mình, và giúp các thành phố kém phát triển dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi sang mô hình thành phố thông minh.

Accenture sẽ giới thiệu hệ thống điều hành đô thị thông minh đã được phát triển ở Aizuwakamatsu đến thành phố Kashihara thuộc tỉnh Nara, và có thể sẽ ra mắt ở các thành phố khác. Trong khi đó, Toyota Motor và NTT đang lên kế hoạch để phát triển một mô hình thành phố thông minh với tên gọi là "Thành phố dệt" (Woven City) cho thành phố Susono ở tỉnh Shizuoka.

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường IDC có trụ sở tại Mỹ, chi tiêu toàn cầu cho lĩnh vực công nghệ thành phố thông minh sẽ tăng lên 13 ngàn tỉ yen (khoảng 122,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020) và sẽ lên 20 ngàn tỉ yên vào năm 2023.

Chiến lược mở rộng của Nhật Bản, nhằm mục đích làm cho việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quy hoạch đô thị đơn giản hơn, đã gặt hái được nhiều thành công. Và nếu mô hình đô thị này của họ trở thành một tiêu chuẩn cho toàn cầu, các dịch vụ thuộc mô hình thành phố thông minh của Nhật Bản sẽ dễ dàng được bán cho các quốc gia khác trên thế giới.

Ricky Hồ - Lê Hiếu

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo