Ashui.com

Friday
Oct 11th
Home Tương tác Góc nhìn Thành phố thông minh của Việt Nam đã "thông minh" đến đâu?

Thành phố thông minh của Việt Nam đã "thông minh" đến đâu?

Viết email In

Nhiều địa phương đang phát triển thành phố thông minh. Việc này đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp nhưng để có những thành phố thông minh thực sự thì còn nhiều việc phải làm.  


Các thành phố thông minh có thể gắn camera để điều hành giao thông. (Ảnh minh họa: Minh Hoàng)

Người dân, doanh nghiệp bắt đầu hưởng lợi từ thành phố thông minh (TPTM) 

Từ tháng 7 này, người dân Hà Nội đã có thể tải về điện thoại thông minh ứng dụng iHanoi do UBND thành phố cung cấp. Qua phần mềm này, người dân có thể kết nối với các cấp chính quyền để phản ảnh những bức xúc về đời sống dân sinh; các hành vi chậm trễ, gây phiền hà… của cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trên phần mềm đó, người dân cũng có thể theo dõi tình hình giao thông để tránh đường tắc nghẽn. Hoặc với sổ sức khỏe điện tử, họ có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe, tiền sử bệnh, thông tin các đợt khám, chữa bệnh, thông tin tiêm chủng tại các bệnh viện công trên địa bàn; tra cứu các cơ sở y tế, mạng lưới nhà thuốc.

Qua iHanoi, người dân được cung cấp thông tin về chất lượng không khí tại các khu vực, những lưu ý khi chất lượng không khí không bảo đảm; bản đồ du lịch, dịch vụ du lịch… Thậm chí, người dân cũng có thể tra cứu các sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), xem thông tin về sản phẩm, nhà cung cấp hoặc tra cứu các đường dây nóng trên địa bàn và thực hiện gọi tới các đường dây nóng này…

iHanoi là phần mềm tích hợp nhiều tính năng của một TPTM. Để có thể cung cấp được các tính năng này, chính quyền thành phố Hà Nội đã sử dụng nhiều giải pháp TPTM khác nhau của nhiều nhà cung cấp.

Việc triển khai TPTM như trên đã góp phần làm Hà Nội được bình chọn là một trong hai thành phố của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024 do Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức TPTM bền vững thế giới (WeGO) công bố mới đây. Thành phố còn lại là TPHCM.

Với TPHCM, vào năm ngoái, thành phố cũng được VINASA trao giải thưởng ứng dụng thông minh với hệ thống thu phí sử dụng hạ tầng, công trình, dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển. Hệ thống đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, cho phép 100% tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan có thể tự động khai báo trên hệ thống trực tuyến.

Cùng với TPHCM và Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng đang phát triển TPTM và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, vào năm ngoái, thành phố Đà Nẵng đã được ban tổ chức giải thưởng quốc tế TPTM Seoul 2023 trao giải đồng ở hạng mục thành phố lấy con người làm trung tâm.

Đà Nẵng đã triển khai nền tảng hành trình số – giúp người dân, du khách có thể đặt yêu cầu, theo dõi hành trình xe cấp cứu, thời gian dự kiến xe đến; định vị các vị trí bệnh viện, trạm xá nơi gần nhất, cũng như gửi đánh giá về chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện, trạm xá…

Thành phố xây dựng hạ tầng TPTM đồng bộ với hệ thống mạng đô thị kết nối gần 200 cơ quan, đơn vị; sử dụng trung tâm giám sát, điều hành TPTM với 15 nhóm dịch vụ, hơn 150 loại số liệu biểu đồ trực quan cùng hơn 50 loại cảnh báo.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng triển khai hệ thống quan trắc với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu tự động, số hóa dữ liệu điểm xả thải trên nền GIS, triển khai hệ thống thiết bị giám sát hành trình 25 xe rác, hệ thống quản lý giám sát, công khai thông tin môi trường…

Nhờ vậy, chính quyền có những dự báo tốt, dựa trên số liệu như cảnh báo, giám sát về ngập lụt đô thị, tình hình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ dịch vụ công, ô nhiễm môi trường, phản ánh/góp ý của người dân… để phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành.

Tây Ninh cũng là tỉnh từng được VINASA trao giành giải TPTM năm 2023 ở lĩnh vực thành phố điều hành và quản lý thông minh. Địa phương này đã kết nối, phân tích dữ liệu, số liệu từ các hệ thống chuyên ngành, địa phương trên địa bàn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành nhằm cung cấp các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trong các dịch vụ công.

Ngoài những thành phố lớn nêu trên, một số thành phố mới cũng hướng đến việc phát triển TPTM. Trong đó, có Phổ Yên (Thái Nguyên), ngay khi được nâng cấp lên thành phố, chính quyền địa phương đã đưa vào vận hành giải pháp trung tâm điều hành thông minh. Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục hành chính của Phổ Yên được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng và trả kết quả trực tuyến – giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ hội cho nhà cung cấp giải pháp công nghệ

Việc triển khai TPTM không chỉ tạo thuận lợi cho quản lý điều hành, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội rất lớn cho các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Việc cung cấp giải pháp thành phố thông minh đã tạo cơ hội lớn cho những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ như VNPT, Viettel, FPT…

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Nền tảng Trợ lý AI VNPT, cho biết VNPT đang thực hiện chiến lược tạo ra hàng nghìn trợ lý trí tuệ nhân tạo AI chuyên biệt cho từng ngành nghề để nâng cao hiệu quả vận hành các TPTM tại Việt Nam.

Theo ông, trong lĩnh vực giao thông thông minh, các hệ thống AI tích hợp vào camera giúp dự đoán tình trạng giao thông cũng như “học” cách người dân di chuyển. Từ đó, hệ thống liên tục được tối ưu hóa để dự đoán ngày càng chính xác lưu lượng và đề xuất tuyến đường hợp lý nhất, giúp giảm kẹt xe.

Tập đoàn FPT cũng đã cung cấp nhiều sản phẩm cho hệ sinh thái sản phẩm thành phố thông minh. Trong đó, bộ giải pháp FPT Smart Transportation giúp quản lý và điều hành giao thông trong thành phố hiệu quả thông qua các phần mềm, hệ thống như đo đếm và phân loại phương tiện, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt… Giải pháp này đã được triển khai và mang lại nhiều đổi mới cho giao thông tại một số thành phố như TPHCM, Đồng Nai và Bình Định.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng sáng lập VINASA, cho biết nhiều doanh nghiệp đang cùng các địa phương định hướng và xây dựng TPTM. Chẳng hạn, Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và 45 IOC cấp huyện. FPT cũng tham gia tư vấn để đưa AI vào quá trình quy hoạch, phát triển đô thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đã có những kết quả đáng khích lệ nhưng việc phát triển TPTM ở Việt Nam hiện vẫn còn thua xa so với các nước. Tại bảng xếp hạng các TPTM hàng đầu thế giới năm 2024, mặc dù Việt Nam có hai thành phố góp mặt nhưng việc Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97, TPHCM ở vị trí thứ 105 đã cho thấy, các địa phương còn nhiều việc phải làm để trở thành thành phố thông minh thật sự. Trong xu hướng đó, cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp các giải pháp xây dựng TPTM ngày càng nhiều.

Vân Ly

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo