Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bài học về đô thị hóa bền vững và công trình “xanh”

Bài học về đô thị hóa bền vững và công trình “xanh”

Viết email In

Phát triển bền vững và đô thị hóa bền vững là những nguyên tắc được đề cao, khi mà thế giới ngày càng trở lên chật chội và biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người. Những thành phố chọc trời với những mảng bê tông xám xịt đã không còn là sự ưa chuộng của nhiều quốc gia trong phát triển đô thị.

 

Đô thị hóa bền vững với “nguyên tắc xanh”

Theo Giám đốc Vụ Đông Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Klau Gerhaeusser, đô thị hóa không bền vững chính là thách thức mà nhiều nước đang phát triển phải đối mặt. Và trong chiến lược đô thị hóa bền vững phải có màu “xanh”, vì chỉ có cách tiếp cận “xanh” mới bảo đảm được chất lượng nước, không khí và xử lý rác hiệu quả… Đặc biệt cần sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng, quy hoạch đô thị và xây dựng đúng đắn.

Chia sẻ những kinh nghiệm để quá trình đô thị hóa bền vững thành công ở Singapore, ông Jocelyn Chua - Cục Công trình và Xây dựng (BCA) Singapore “bật mí”, phát triển đô thị bền vững phải bắt đầu từ quy hoạch với cách tiếp cận dài hạn, tổng thể và liên kết, để cân đối nhu cầu sử dụng đất, đảm bảo tăng trưởng bền vững, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Cũng theo ông Jocelyn Chua, Quy hoạch chi tiết được xây dựng trong thời gian 10 - 15 năm. Đó chính là quy hoạch sử dụng đất pháp quy đến từng thửa đất. Các dự án phát triển của cả khu vực tư nhân và Nhà nước đều bắt buộc phải nằm trong quy hoạch được duyệt. Nhờ đó các khu phát triển ở Singapore đều được xây dựng một cách trật tự, phù hợp với các ý tưởng do Quy hoạch yêu cầu, tạo tổng thể và liên kết cho phát triển bền vững.

Chính việc sử dụng đất một cách cẩn trọng là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho Singapore có được sự tăng trưởng kinh tế mạnh, sự gắn bó xã hội vững chắc, đảm bảo đủ đất để hỗ trợ tiến trình phát triển kinh tế hiện tại và tương lai” - ông Jocelyn Chua khẳng định.

 

“Xanh” - xu hướng của tương lai…

Theo dự báo, năm 2030 hơn 60% dân số thế giới sẽ sống trong đô thị và chính sự tăng trưởng này sẽ gây áp lực rất lớn lên hạ tầng, nhất là vấn đề cấp nước và rác thải. Để giảm áp lực hạ tầng, giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính… nâng cao chất lượng sống của con người, tạo môi trường bền vững, trong lành thì xây dựng “xanh”, kiến trúc “xanh” là giải pháp cần thiết đang được nhiều nước quan tâm.

Theo ông Bambang Soemardiono - Sở Hội đồng Phát triển Xây dựng Quốc gia Indonesia, ở Indonesia, một loạt các khu phát triển BĐS “xanh” ra đời, ngay lập tức trở thành xu thế phát triển mới. Hiện các KTS và kỹ sư Indonesia đang nghiên cứu các nguyên tắc xanh trong thiết kế để các công trình đạt hiệu suất cao về sử dụng năng lượng, vật liệu cũng như kiến tạo không gian hợp lý hơn, nhằm đem lại cho môi trường và cư dân điều kiện sống, làm việc lành mạnh.


Reflections by Daniel Libeskind (nguồn: Ashui.com)

Ở Singapore, nhằm xây dựng môi trường bền vững, Cục Công trình và Xây dựng Singapore đã đưa ra hệ thống đánh giá công trình xanh phù hợp với khí hậu nhiệt đới như cải thiện hiệu quả năng lượng, bảo tồn nước, chất lượng môi trường trong nhà, giảm thiểu chất thải trong công trình. Năm 2009, Chính phủ Singapore đã đưa ra cam kết: Toàn bộ các công trình xây dựng mới của khu vực nhà nước và công trình đang cải tạo lớn phải đạt điểm xanh cao nhất; Toàn bộ việc bán mới đất đai của Chính phủ tại các vị trí có tăng trưởng chiến lược yêu cầu phải đạt được các tiêu chuẩn điểm xanh như một phần của điều kiện để được bán đất…

Không chỉ đi đầu trong xây dựng “xanh”, Chính phủ còn khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng, cải tạo công trình xanh với những ưu đãi cụ thể như: Năm 2006 ưu đãi bằng tiền trực tiếp cho các chủ đầu tư đạt hạng công trình xanh trên mức cơ bản, và năm 2009 thì thưởng tổng diện tích sàn cho chủ đầu tư nếu công trình xây dựng mới đó đạt xếp hạng điểm xanh ở mức cao hơn. Ngoài ra, chương trình ưu đãi trị giá 100 triệu đô la Singapore vào năm 2009 cũng đã được khởi động nhằm đẩy nhanh việc làm “xanh” các công trình hiện có…

Các cơ chế, chính sách liên quan như Luật Quản lý công trình… đã được sửa đổi, theo đó các dự án có cải tạo lớn trên 2.000m2 tổng diện tích sàn hoặc xây mới phải đạt điểm xanh bắt buộc. Đối với công trình hiện hữu, phương thức chia giai đoạn để làm xanh hóa cũng đã được đề ra. Ngoài ra, vấn đề đào tạo, từ đào tạo ngắn hạn đến khóa học dài hạn, chuyên sâu, cấp đại học và sau đại học, việc tham gia của các bên liên quan thông qua các diễn đàn (VD như trò truyện trong bữa ăn sáng dành cho các tổng giám đốc…), thông qua trường học, cửa hàng, các phương tiện thông tin đại chúng… nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công trình “xanh”, xây dựng “xanh”, kiến trúc “xanh” cũng được thực hiện.

Nhờ có hệ thống chiến lược đúng đắn và một Quy hoạch tổng thể công trình xanh hiệu quả, cộng với sự quyết liệt trong thực hiện, Singapore đã đạt được thành công đáng kinh ngạc, từ 17 dự án công trình “xanh” năm 2005 đã tăng lên 120 dự án vào năm 2008 và năm 2010 con số này đã là hơn 500.

(Theo Báo Xây dựng)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo