Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Sự khoan dung của một thành phố

Sự khoan dung của một thành phố

Viết email In

Một người bạn vong niên vốn sống nhiều năm ở Đức biết tôi đến Berlin, cắc cớ đố tôi tìm thấy... sự cáu kỉnh ở thủ đô nước này!

Người bạn vong niên của tôi không phải là tín đồ sùng bái nước Đức một cách cực đoan. Đơn giản, ông chỉ muốn tôi thấu hiểu chân giá trị của một chuyến đi và tận hưởng Berlin bằng tất cả các giác quan chân thực nhất chứ không phải qua lăng kính vật chất. Ông đánh lạc hướng kẻ ham xê dịch bằng cách thách tôi... xuống bể mò kim. Càng mải đi tìm “cái kim cáu kỉnh” ấy tôi lại càng tìm thấy điều ngược lại: sự khoan dung của một thành phố.


Cổng Brandenburg

Cơ man các công trình lịch sử

Nói không ngoa, mỗi mét vuông của thủ đô rộng 891 km2 này phủ đầy hào quang của lịch sử. Mỗi con người Berlin như mang trong mình một câu chuyện của quá khứ. Thủ đô nước Đức hiện đại - trái tim châu Âu có những công trình lịch sử đáng để chiêm ngưỡng. Chúng tôi chắt chiu mãi mới có được nửa buổi chiều trong lịch công tác dằng dặc những cuộc họp để lang thang trên những con đường xanh ngắt bóng cây của Berlin. Những con đường rộng rãi vô cùng sạch sẽ khiến ta bỏ ý định nhảy lên xe bus hay chui xuống lòng đất (metro), thay vào đó vừa tản bộ dưới tán cây vừa ngắm những công trình kiến trúc kỳ thú.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Cổng thành Brandenburg. Trong ánh chiều tà, Brandenburg hiện ra uy nghi, mang lại một cảm giác vững chãi khó tả. Được dựng lên trong quãng thời gian từ năm 1788 đến 1791, trong quá khứ cổng thành này tượng trưng cho sự chia cắt hai miền Đông-Tây nước Đức. Theo trang web Wikitravel, Cổng Brandenburg được xây dựng dựa trên mô hình Cổng Propylaea ở Athena, Hy Lạp. Đứng dưới cổng nhìn lên, hình tượng nổi bật nhất là cỗ xe tứ mã và Nữ thần Victoria.

Ngoài Cổng Brandenburg, Berlin còn rất nhiều công trình nổi tiếng khác, tiêu biểu là Nhà thờ Berliner Dom, Quảng trường Potsdamer, Tòa nhà Quốc hội, Cung điện Charlottenburg, Đại học Humboldt.


Đại học Humboldt

Nhân nói về đại học nổi tiếng Humboldt 200 năm tuổi, cũng nên điểm qua về hệ thống đại học của Đức. Được mệnh danh là đất nước đại học, Đức có 383 trường, trong đó có 103 đại học tổng hợp và 176 đại học chuyên ngành. Tuy nhiên, không giống với các nước phương Tây và Mỹ, đại học tư không có vai trò lớn ở Đức. Có đến 96% sinh viên theo học tại các trường công.

Humboldt là trường lâu đời nhất Berlin, thành lập từ năm 1810 bởi nhà cải cách giáo dục và ngôn ngữ học người Phổ, Wilhelm von Humboldt. Đại học này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều đại học khác ở châu Âu. Hai nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein và Max Planck từng theo học tại đây. 

Thành phố khoan dung

Berlin là nơi chung sống của nhiều chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau (Anh, Thổ, Tây Ban Nha...). Có lẽ vì thế thành phố đa văn hóa này có độ mở rất lớn, nơi con người dễ hòa nhập với nhau. Dù là người đến Berlin lần đầu và không rành tiếng Đức, bạn cũng không có cảm giác bỡ ngỡ. Nền văn hóa Đức (cho dù vẫn bị hiểu lầm là lạnh lùng và ít cởi mở) dễ dàng tiếp thu và dung nạp các nền văn hóa ngoại lai, biến chúng thành nét văn hóa riêng. Chính văn hóa đã được sàng lọc này tạo nên tinh thần khoan dung trong giao tiếp hàng ngày của Berlin.



Gây ấn tượng nhất với tôi trong những ngày sống tại đây là sự khoan dung trong văn hóa giao thông. Người đi bộ sang đường luôn được tài xế ôtô nhường nhịn. Thậm chí, có lần giữa đường phố đông đúc, tín hiệu đèn đỏ đã bật mà có người đi bộ vẫn tranh thủ sang đường. Và hàng dài xe hơi vẫn vui vẻ đợi mà không có biểu hiện cáu kỉnh nào.

Tôn trọng lẫn nhau, người Berlin còn nhường nhịn khi xếp hàng ở mọi địa điểm công cộng. Ngoài việc thiết kế đường giao thông riêng cho người tàn tật, đương nhiên rồi, đàn ông còn ga-lăng nhường phụ nữ đi trước. Kèm theo một nụ cười.

Giống như Việt Nam, dân Đức cũng chịu áp lực rất lớn từ công việc hàng ngày. Nhìn ai cũng hối hả lao lên xe bus, tàu điện nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ tỏ ra bực bội hay gắt gỏng. Dường như người Berlin biết cất giấu những mệt nhọc của công việc vào một ngăn kéo riêng.

Tận mắt thấy cách ứng xử giữa con người với con người bằng một thái độ nhân văn, điều đó đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm. Tại sao nhịp sống gấp của một đất nước công nghiệp không hề ảnh hưởng đến con người? Tại sao người ta có thể khoan dung với nhau? Tại sao người phục vụ bàn có thể tự hào với công việc của mình, để vui vẻ phục vụ? Quá nhiều câu hỏi tại sao mà tôi chưa có lời giải. 

Thành Trung

 

Lời bình  

 
+1 # Imagini 03/01/2011 21:38
Toi cung vua co mot chuyen di Berlin ve. Qua thuc tam dac voi nhung dieu tac gia viet o tren.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo