Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Thế giới Trung Quốc: 24 tỉ USD chi thêm cho đập Tam Hiệp

Trung Quốc: 24 tỉ USD chi thêm cho đập Tam Hiệp

Viết email In

Hoàn thành năm 2008 với kinh phí lên đến khoảng 36 tỉ USD, Tam Hiệp là đập thuỷ điện có công suất lớn nhất thế giới. Do một số vấn đề trước đây đã không được quan tâm đúng mức, khiến cho khoản chi cho đập này trong các năm tới lên tới 24 tỉ USD, theo một báo cáo mới đây của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó, một phần đáng kể được dùng để trợ giúp 1,27 triệu dân đã bị chuyển đi nơi khác ở.



Đền bù thấp, khó kiếm việc

Dân di dời thường cho rằng họ được đền bù kém hơn nông dân. Một luật sư chuyên về các tranh chấp lao động ở Wanzhou, giải thích: “Một bộ phận những người bị chuyển đi nơi khác đã chấp nhận để các xí nghiệp, đều là quốc doanh, mà họ là nhân viên hay công nhân, nhận tiền đền bù do nhà nước cấp cho. Thế mà, các xí nghiệp này sau đó thường bị phá sản, nên họ mất tất cả. Chúng tôi đã nghiên cứu các hồ sơ, nhưng không làm được gì cả, vì áp lực của chính phủ quá mạnh”.

Được phổ biến trên internet từ tháng 8 vừa qua, một kiến nghị gửi lên chính phủ, với tựa đề “Nỗi đau của 200.000 dân bị dời ở Wanzhou”, đã tố cáo nạn bất công do quan chức địa phương gây ra trong việc đền bù, bất chấp luật lệ nhà nước.

Do 80% người bị dời là cư dân nông thôn nên khó tìm việc làm mới. Zhou Jingxiang, nhà nghiên cứu thuộc đại học Trùng Khánh, nhận định: “Do nông dân thường có trình độ học vấn rất thấp, tìm việc làm cho họ là cả một sự thách thức”.

Trước đây chỉ rộng 2km2, Fengjié đã được biến thành một thành phố rộng 20km2 với hơn 200.000 dân. Nhưng Fengjié đã mất đi hầu hết du khách, vì từ khi có đập Tam Hiệp các du thuyền trên sông Dương Tử phải ghé lại ở một cảng mới cách đó vài chục cây số. Xie Wangming, một chủ nhà in bị phá sản, nói: “Trong hơn mười năm, các nhà kinh doanh bất động sản và các xí nghiệp xây dựng đã kiếm được rất nhiều tiền. Nay sự phồn vinh bộc phát đó đã chấm dứt. Các công nghiệp địa phương phải đóng cửa vì không cạnh tranh được khiến dân phải đi nơi khác tìm việc”.

Với hơn một triệu dân, đô thị mới được xây ở Wanzhou đảm nhận vai trò trung tâm hậu cần và kinh tế cho vùng đập Tam Hiệp. Tuy nhiên Wanzhou vẫn không tạo được nhiều việc làm, nên tỷ lệ thất nghiệp cao.

Các vấn đề môi trường

Theo hai nhà địa chất Fan Xiao và Yang Yong, nước hồ càng dâng lên cao, thì càng thấm nhiều vào lòng đất, làm cho cơ cấu của các lớp đất bị nhũn đi, nên thường gây ra các vụ trượt đất. Theo báo Tài Chính, từ đây đến năm 2020, phải dời thêm 350.000 dân sống ven hồ đi nơi khác.

Xuất hiện các cảnh báo về nạn ô nhiễm môi trường, chủ yếu do nước thải của cư dân sống ven hồ chứa nước (dài 600km) gây ra. Wu Dengming, một cán bộ hưu trí đã lập ra tổ chức phi chính phủ Green Volunteer League, nhận định: “Giữ cho hồ chứa nước không bị ô nhiễm trầm trọng là cả một vấn đề rất lớn”. Ông tranh đấu đòi ban hành một đạo luật cho phép các tổ chức phi chính phủ được quyền kiện ra toà khi các sông hồ bị đe doạ.

Ý thức được vấn đề nghiêm trọng này, chính quyền Trùng Khánh đã quyết định xây 45 công trình xử lý nước thải từ đây đến năm 2015.

Wu Dengming đang cổ xúy xử lý nước thải bằng thực vật. Nhờ ông, một trạm xử lý nước như thế đã vận hành ở Wanji từ cuối tháng 6 vừa qua. Trước khi đổ vào sông Dương Tử, 800m3 nước bẩn do hương trấn 25.000 dân này thải mỗi ngày, được cho chảy qua các kênh lạch có trồng các loại thực vật như cây rong xương cá hay cây dong riềng để chúng hấp thụ các chất bẩn. Được nhiều nước trên thế giới dùng, kỹ thuật xử lý nước này rất thích hợp cho các vùng quê nghèo ở Trung Quốc, vì chi phí khoảng 0,04 USD cho một tấn nước thải, thay vì 0,35 USD theo cách cũ. Và tiền đầu tư cho một trạm chỉ khoảng 140.000 USD. Wu Dengming hồ hởi tuyên bố: “Điều mà chúng tôi muốn, là phát triển công nghệ này dọc theo sông Dương Tử, để xử lý nước thải cho khoảng năm triệu người”.

Nhờ sự tác động của xã hội, công dân ngày càng phát triển và năng động, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường đang bị hiện tượng công nghiệp hoá ồ ạt đe doạ.

Nguyễn Đan Tâm 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo