Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Kiến nghị thu hồi quỹ đất 20% nếu không triển khai xây dựng nhà ở xã hội đúng tiến độ

Kiến nghị thu hồi quỹ đất 20% nếu không triển khai xây dựng nhà ở xã hội đúng tiến độ

Viết email In

Bộ Xây dựng đề nghị, các địa phương cần đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của những dự án này, theo tiến độ phê duyệt. Trường hợp, chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% rồi lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác…

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thành 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành 634.200 căn. Ngay khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành đã căn cứ nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Đề án.


(Ảnh minh họa)

Nhiều chính sách được đề xuất

Trong đó, Bộ Xây dựng cho biết đến nay đã hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội, cho phép các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 1/1/2024), với nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang, để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Mặt khác, Bộ ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu, hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu, để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 2 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội: Gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng (đến nay giải ngân 4.381/15.000 tỷ đồng cho khoảng 12.200 khách hàng);  Hỗ trợ lãi suất 2% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư thông qua các ngân hàng thương mại, theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Theo Bộ Xây dựng, qua báo cáo của địa phương, tính tới ngày 18/5/2023 (giai đoạn 2021-2025) hoàn thành được 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng 288.499 căn.

Cụ thể, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, quy mô xây dựng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng 127.272 căn hộ. Còn chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng 14.202 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng 161.227 căn hộ.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thời gian tới, nhằm hoàn thành tốt mục tiêu của Đề án, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành phối hợp cùng cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về Thuế, trong đó, tập trung sửa đổi những cơ chế chính sách liên quan tới nhà ở xã hội; tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn địa phương, tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

Còn phía địa phương, những dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này, theo tiến độ phê duyệt. Trường hợp, chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% rồi lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác. Bên cạnh đó, rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo xây dựng lại chung cư, để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án trong giai đoạn tiếp theo thì khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, trong đó, làm rõ mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phù hợp Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, căn cứ chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án nhà ở xã hội theo từng năm, từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu địa phương. Sớm lập, phê duyệt, công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu, để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia. Đặc biệt, có cơ chế, giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... Rà soát, phối hợp cùng bộ ngành liên quan giải quyết dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng nguồn lực này.

Riêng doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, Bộ Xây dựng đề nghị ngoài việc phát triển những dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, để đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Thanh Xuân

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1409 khách Trực tuyến

Quảng cáo