Ashui.com

Friday
Oct 04th
Home Cộng đồng Sinh viên Discovery Week: “Tuần lễ khám phá” của sinh viên Kiến trúc

Discovery Week: “Tuần lễ khám phá” của sinh viên Kiến trúc

Viết email In

Trong tháng qua, các bạn sinh viên Trường ÐH Kiến trúc Hà Nội đã thực sự có được một không khí sáng tạo và trải nghiệm độc đáo về kiến trúc qua tuần lễ khám phá. 

Tham quan phố cổ trong một ngày dài, chụp ảnh, vẽ ký họa và sau đó là cùng nhau tạo nên những tác phẩm  bày tỏ cảm nhận của bản thân mình về phố, đó chính là những hoạt động trải nghiệm đáng nhớ của các bạn. Discovery week đã khép lại, các thành viên cũng đã hoàn thành bài dự thi của mình đầy cố gắng và hứng khởi. Chúng ta hãy cùng hòa mình vào cuộc thi thông qua cảm nhận của chủ nhân các tác phẩm đoạt giải trong Discovery week.

Giải Nhất:

Tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi là sự nỗ lực của một tập thể gồm các thành viên đến từ lớp 08K3: Ðặng Thị Yến, Việt Anh, Trung Kiên, Hồng Nhung và Xuân Tùng.





Các bạn có suy nghĩ gì và cảm nhận gì khi tham gia Discovery week, hòa mình vào không khí của phố cổ?

Nhóm mình tham gia vào Discovery week một cách tự nhiên và đầy hứng khởi. Quyết định tham gia xuất phát từ suy nghĩ muốn tìm hiểu thêm thật nhiều về phố cổ, muốn tham gia vào các hoạt động của trường, và qua đó bọn mình cũng muốn rèn luyện cách làm việc theo nhóm.

Mỗi người trong nhóm đã thực hiện một tác phẩm riêng để rồi tạo thành một cuộc triển lãm nho nhỏ của đội mình. Có thể nếu tách ra, 08K3 đã đoạt được nhiều giải hơn, tại sao các bạn lại quyết định cùng nhau thực hiện một nhóm các tác phẩm mang dấu ấn rất riêng? Hoạt động theo nhóm, các bạn gặp khó khăn gì khi thống nhất ý tưởng?

Có nhiều người đã hỏi nhóm câu này, nhưng bọn mình muốn lập nhóm để thể hiện sự đoàn kết. Hơn nữa, tuy mỗi tác phẩm có nội dung, chất liệu khác nhau nhưng đều muốn nói đến sự thay đổi theo thời gian của phố cổ, cũng chính vì vậy mà bọn mình quyết tâm cùng nhau hoàn thành “Nhịp thời gian”.

Mỗi thành viên có một ý tưởng riêng, làm theo cách riêng, có người vẽ màu, có người dùng vật liệu là các mảnh gỗ, nên cũng không ảnh hưởng gì đến nhau. Tuy vậy nhóm cũng đã gặp không ít khó khăn. Có lúc không có đủ tự tin để tiếp tục, nhưng rồi lại động viên lẫn nhau, và cuối cùng cả nhóm đã hoàn thành xong công việc.

Chắc hẳn các bạn đã thu được không ít cảm nhận từ chuyến khám phá, có thể chia sẻ với mọi người được chứ?

Bọn mình rất bất ngờ khi biết nhóm được giải nhất, bởi vì các tác phẩm khác cũng rất hay và độc đáo. Qua chuyến đi, phố cổ ngày nay trong mắt bọn mình là sự pha trộn giữa  cổ kính và hiện đại, mang một nét rất riêng. Bọn mình thực sự bị chinh phục bởi nét riêng này. Mong rằng phố cổ Hà Nội sẽ mãi là phố cổ Hà Nội với những nét độc đáo đã được bao thế hệ từ trước đến nay vẫn gìn giữ và lưu truyền.

Giải nhì: Hàng Đào

Đây là một tác phẩm cắt dán khá trừu tượng của bạn Phạm Thanh Hương lớp 06K2.

Tác phẩm của bạn thoạt nhìn khó hiểu đối với đa số mọi người. “Hàng Ðào”! Mình vẫn chưa tưởng tượng hết được. Hương có thể giải thích kỹ hơn về ý tưởng của mình được không?

Hàng Ðào xưa là phố buôn tơ bán hàng tấm. Những nhà buôn thuần tơ không mở cửa hàng. Hàng mua cất trong nhà. Cửa hàng tấm cũng đơn giản: Bên ngoài bày vài cái thạp chè cũ, trên treo những giải lụa màu sặc sỡ. Bên trong, quanh tường là tủ đựng hàng, trong xếp những cuốn vác nhiễu giả (chỉ có lượt ngoài, trong là lõi giấy) làm quảng cáo, còn hàng thật  thì đựng trong những bao sơn để ở trong cùng, có khách hỏi mua mới lấy ra. Sau “Ngày khám phá”, mình đã được biết thế nào là nhà cổ: nhỏ bé, chật chội, và rất tối. Dù vậy những tấm lụa đào được cất giữ thật kỹ càng và cẩn thận, bởi bàn tay của các bà, các cô giống như một điểm sáng trong cái chật chội và cũ kỹ đó. Theo mình, có lẽ chính những điểm sáng nhỏ bé đó là điều làm nên phố Hàng Ðào. Và, mình muốn lưu giữ lại hình ảnh đó, nên đã thực hiện tác phẩm này. Vì nội dung tác phầm là một khái niệm phi vật thể, nên mình sử dụng cách thể hiện trừu tượng, hi vọng sau thuyết minh của mình, mọi người có thể hiểu thêm về một Hàng Ðào thật xưa trong cảm nhận của mình.

Giải nhì: Phố cổ Hà Nội

Một tác phẩm khác cũng mang tên “Phố cổ Hà Nội”, nhưng khác biệt hơn, đây là một video clip. Tác giả của clip này là bạn Vũ Tuấn Tú, sinh viên lớp 07K7.
  

Vì sao bạn quyết định tham gia vào Discovery Week? Và vì sao bạn lại chọn cách thể hiện này?

Mình là người ngoại tỉnh. Mình tham gia Discovery Week vì muốn có cơ hội cảm nhận phố cổ Hà Nội sâu sắc hơn. Mặt khác đây cũng là cơ hội giao lưu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Video là thế mạnh của mình. Lúc thực hiện, rất nhiều cảnh nháp được quay. Sau đó, với sự định hướng và cố vấn của thầy giáo Ðỗ Việt Phương, mình đã lựa chọn được những chi tiết, hình ảnh phù hợp với cảm nhận và hướng đi đã định, và hoàn thành đựợc tác phẩm.

Với thể loại đặc biệt như vậy mình chắc là bạn gặp phải khá nhiều khó khăn khi thực hiện?

Mình đã mất tới 5 ngày để hoàn thành tác phẩm. Mình vẫn cảm thấy tiếc vì chưa tiếp cận được với loại máy quay tốt hơn, và còn gặp một số khó khăn khi thực hiện. Người dân nghĩ rằng hành động quay phim của mình không có thiện chí, còn bạn bè thì không hiểu mình đang loay hoay làm cái gì.

Dù sao clip “Phố cổ Hà Nội” cũng đã hoàn thành và đem đến cho BGK cũng như tất cả các bạn khán giả những cảm nhận rất sâu sắc. Vậy còn Tú, qua tác phẩm của mình Tú  muốn nói điều gì?

Clip được chia làm 2 phần: “Xưa và Nay” và “Những hình ảnh hiện tại”. Trong phần II mình muốn thể hiện cảm nhận của bản thân. Mình thực sự cảm thông với những người dân nơi đây. Phố cổ mãi mãi  cần được lưu giữ, còn xã hội thì luôn thay đổi, họ chắc hẳn gặp khó lắm. Qua bài phỏng vấn này mình cũng muốn gửi lời cảm ơn tới các anh các chị đã tạo ra một cuộc khám phá đầy bổ ích và lý thú.

Giải ba:  Phố cổ 113

Tác phẩm có cái tên thật lạ này là của bạn Ðặng Xuân Tùng, lớp 08K3. Và cũng như tên gọi, tác phẩm này có một cách thể hiện rất mới: kết hợp giữa hình khối không gian và hình phẳng.

Tại sao bạn lại nảy sinh ý tưởng này? Bạn có gặp khó khăn gì khi thực hiện ý tưởng đó không?

Mình đã có ý tưởng làm một tác phẩm từ nhiều chất liệu ngay trước cuộc thi. Mình đã dùng diêm, dây điện, sơn màu, mực vẽ để thực hiện. Có một sự cố nhỏ xảy ra khi mình làm mái nhà từ diêm, vô tình đã gây cháy một nửa mái, sau đó phải dùng sơn quét lại. Lúc đầu mình cũng hơi nản chí vì khó, thật may là mình đã hoàn thành kịp trước thời hạn nộp bài.

Mình chưa hiểu rõ về tên tác phẩm, lý do để bạn đặt tên như thế? Bạn đã hài lòng về kết quả mình đạt được chưa?

Theo mình, phố cổ bây giờ không được như xưa, chỉ có tầng 2 được giữ lại, còn bên dưới là các quán ăn, cửa hàng phục vụ cho đời sống. Do đó mình đặt tên cho bức tranh là “Phố cổ 1/2”. Thực sự là mình chưa hài lòng lắm vì tác phẩm hơi nhỏ, nếu có thời gian mình sẽ làm được nhiều thứ hơn. Nhưng dù sao qua “Phố cổ 1/2”, cũng hy vọng phố cổ Hà Nội sẽ không thay đổi thêm nữa, không là 1/3 , 1/2 hay đổi mới hoàn toàn. Chỉ muốn phố cổ bây giờ chỉ là “Phố cổ 1/2.” thôi, hoặc có thể trở về “Phố cổ 100%” thì tốt quá.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 4643 khách Trực tuyến

Quảng cáo