Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Trần Thanh Vân: "Nền kiến trúc đang bị thị trường hóa"

KTS Trần Thanh Vân: "Nền kiến trúc đang bị thị trường hóa"

Viết email In

LTS: Xung quanh câu chuyện làm sao để bảo tồn văn hóa phố cổ Hà Nội và khu phố Sài Gòn cũ đang thu hút sự quan tâm của công luận. KTS Trần Thanh Vân đã có sự chia sẻ với những ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn về Kiến trúc Việt Nam.

Tôi không muốn nhắc lại toàn bộ ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, tôi chỉ muốn nhắc lại đôi điều giới kiến trúc đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được chấp nhận, nay có thêm ý kiến của một "chuyên gia nước ngoài gốc Việt" thì hy vọng ý kiến đó sẽ nặng cân hơn. Đó là vấn đề bảo tồn văn hóa phố cổ của thành phố Hà Nội và khu phố Sài Gòn cũ.

  • Ảnh bên : KTS Trần Thanh Vân

Trong phát biểu của mình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhắc tới khu phố cũ Xintiandi ở thành phố Thượng Hải. Đó là nơi tôi cũng rất biết, trong những lần trở lại thăm Thượng Hải sau này tôi cũng đến Xintiandi, chùa Dự Viên, Chùa Phật Ngọc và tôi rất đồng tình với anh. Điều quan trọng là anh đã được mời đến nghiên cứu tôn tạo khu đó và người Thượng Hải đã nghe theo anh.

Cũng nhờ vậy mà Thượng Hải hôm nay, trong một thành phố hiện đại, năng động vào bậc nhất thế giới với hệ thống giao thông hiện đại có 5, 6 tầng này, lại đang tồn tại một khu phố cổ có chỉ sô GDP rất cao. Như vậy là thực hiện được mục tiêu "Bảo tồn giá trị văn hóa mà vẫn sinh lời?". Khu phố cổ Hà Nội xưa và khu phố Pháp Hà Nội cũ đã được nghiên cứu và đề xuất nhiều năm bởi rất nhiều chuyên gia danh tiếng trong và ngoài nước, nhưng có lẽ do nhận thức chưa tới, nên hôm nay đã đến thời điểm tổ chức Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà những giá trị quý báu của 1000 năm Thăng Long vẫn đắp chiếu nằm im, chờ ngày được tôn vinh.

Kiến trúc Việt bị thương mại hóa

Một điểm nữa tôi rất đồng tình với KTS Ngô Viết Nam Sơn, là nền Kiến Trúc của ta đang bị thương mại hóa, cộng thêm với chính sách nửa vời, tàn dư của bệnh bảo thủ thời bao cấp, nên các nhà đầu tư vẫn bằng mọi giá lao vào chiếm các khu đất vàng ở nội đô để hưởng hệ thống hạ tầng kỹ thuật có sẵn mà không phải trả tiền, để góp thêm một tay phá nát hệ thống hạ tầng vốn đã ọp ẹp, quá tải và đang rất cần được giải cứu.

  • Ảnh bên : Nhà thờ Đức Bà - TP.HCM (Ảnh: Kevin Tat.)

Đây không chỉ thể hiện trình độ quản lý non kém, mà có lẽ còn do lợi ích nhóm đã vượt lên trên lợi ích của quốc gia, của xã hội, cho nên mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh cấm đập biệt thự cũ để xây công trình cao tầng trong khu phố cổ, Hà Nội vẫn kiến nghị cho tiếp tục xây hơn 200 dự án cao tầng đã có quá trình từ trước năm 2010. trong số đó chắc chắn có Trung tâm Thương mại cao 17 tầng trên nền Chợ Âm phủ, sau khi bị phản đối đã được đền ô đất rộng hơn, đẹp hơn ở ngay bên cạnh để xây công trình to hơn, cao hơn.

Vụ Khách sạn Novotel on the Park đã bị phản đối nhưng Nhà đầu tư lại được đền bù hơn 7600m2 đất Nhà máy rượu ở phố Nguyễn Công Trứ và những nhà đầu tư đã quyết định bỏ ý định xây Khách sạn 5 tầng như cũ mà đổi thành Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng để có nhiều lãi hơn?.

Ngoài ra, chắc hẳn trong hơn 200 dự án này cũng có Trung tâm thương mại trên phố Lý Thái Tổ của Ngành điện mà Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo  đã cương quyết bảo vệ với lập luận rằng Hà Nội chủ trương biến Quận Hoàn Kiếm thành Trung tâm thương mại lớn?

Nhân đây tôi cũng muốn nhắc tới một chỉ số rất cơ bản mà một Kiến trúc sư không được bỏ qua là Khoảng cách giữa hai công trình cao tầng ít nhất không được nhỏ hơn một lần rưỡi chiều cao của công trình đó (gọi là 1,5 H).

Nhìn tổng quát có thể thấy, tất cả các công trình xen cấy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay đều không đạt chỉ số nêu trên. Do vậy mà ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn luôn có hiện tượng đào móng xây công trình mới thì sập công trình có sẵn ở ngay bên cạnh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn vừa phát biểu một bài rất hay với tư cách là một vị khách mời. Nhưng Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn sẽ không đóng góp được gì, nếu những người có quyền lực trong ngành kiến trúc và Quy hoạch vẫn sùng Ngoại, bài Nội về hình thức, mà thực chất là "Sùng lợi ích trước mắt của chính họ" thì dù có tài và dù đã hết sức cố gắng cống hiến sức mình, thì với tư cách không còn là khách, ý kiến của ông sẽ không được chính quyền quan tâm nữa.

Ngay ở Thủ đô Hà Nội, sau sáu bảy lần làm đi làm lại quy hoạch chung, lần nào cũng có chuyên gia danh tiếng đến từ nước ngoài, xưa nhất có chuyên gia Liên Xô, gần đây nhất có chuyên gia Nhật Bản do Jica gửi đến, nhưng tất cả đều đã bị xếp xó, lần tuyển chọn Liên danh Tư vấn Quốc tế quan trọng nhất này xuất hiện ba đơn vị tư vấn hoàn toàn mới là PPJ: gồm POSCO E&C là công ty con của Tập đoàn Thép Hàn quốc POSCO giầu có, Công ty Mỹ Perkins Eastman Architect và Công ty Hàn quốc Jina Architect, họ được giới thiệu là có tài năng và kinh nghiệm hàng đầu thế giới.

Vậy mà hơn một năm rồi, thành phố Thủ đô, ngôi nhà của Tổ quốc ta, quay mặt ra hướng nào? Cổng ngõ ở đâu? Gian thờ đặt ở đâu? Trung tâm hành chính chỗ nào... liên danh tư vấn này vẫn chưa xác định được.

Mới hồi tháng 5/2010 vừa đây, trong Triển lãm QH chung Hà Nội ở Vân Hồ, người ta rầm rộ giới thiệu Trục Thăng Long tức Trục Tâm Linh là đường Hoàng Quốc Việt kéo dài tới Hồ Đồng Mô, thì hôm nay Trục Thăng Long lại đã chạy sang đường Láng Hòa Lạc rồi. Sự tùy tiện sử dụng ngôn từ "Thăng Long" và "Tâm Linh" đó khiến cho dư luận rất đau lòng.

  • Ảnh bên : Một góc phố cổ Hà Nội.

Hãy chung sức vì một Việt Nam bền vững trường tồn

Hà Nội không thiếu Kiến trúc sư và chuyên gia Quy hoạch giỏi, họ cũng được đào tạo bài bản, họ đã hiểu rất sâu, nắm rất chắc về giá trị Văn hóa Và Lịch sử Thăng Long, cộng tác với họ cũng có một Kiến trúc sư Việt kiều danh tiếng là KTS Hồ Thiệu Trị, người được coi là một chuyên gia hàng đầu về Kiến trúc Pháp ở Thủ đô và đã về nước đóng góp cho nền Kiến trúc nước nhà và Hà Nội trong gần 20 năm nay. Nhưng tiếc rằng, trong Triển lãm tại Vân Hồ vừa qua, có ý kiến ra sức quảng bá cho một Đại lộ Champs Elysées của Paris tại Trục Tâm linh có tên Thăng Long mà không quan tâm đến ý kiến của KTS Hồ Thiệu Trị và vị am hiểu khác.

Thủ đô đang ở giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu Quy hoạch chung, dù chất lượng làm việc của Liên danh tư vấn PPJ xuất sắc hoặc kém cỏi ra sao, thì bước nghiên cứu này phải được kết thúc sớm để chuyển sang bước tiếp theo. Theo thiển nghĩ của tôi, có hai vấn đề lớn mà trong tất cả các lần báo cáo vừa qua, Liên danh tư vấn PPJ và những người cộng sự chưa vươn tới được.

Một, với một chỉ giới hành chính rộng trên ba ngàn ba trăm hecta, Kinh đô Thăng Long 1000 năm sẽ phát triển trong 1000 năm tới ổn định, trường tồn ra sao? TRUNG TÂM ĐẦU NÃO QUỐC GIA SẼ Ở ĐÂU và giá trị của Sông Hồng, của Hồ Tây, của Tản Viên Sơn trong Thủ đô phát triển này?

Hai, theo các tư liệu địa chất thủy văn thì vùng đất Kinh đô Thăng Long và thành phố Hà Nội cũ đang có những biến động bất lợi do con người vì thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng giá trị Văn hóa - Lịch sử đã gây ra. Nay tiến hành Quy hoạch mở rộng, ta đề ra phương châm bảo tồn đô thị lõi thì ta phải làm gì? Sau 1000 năm Hoàng thành Thăng Long đã chìm sâu xuống 5m, không để cho nó tiếp tục chìm thì các giải pháp về Quy hoạch xây dựng và quản lý dân cư chính sách kinh tế phải đồng loạt thực hiện. So với cốt nền của Thành phố Thượng Hải mà KTS Ngô Viết Nam Sơn đã nghiên cứu, thì nơi đây ổn định hơn nhiều.

Tôi nghĩ, đã đến lúc không nên chia rẽ tản mạn nữa, mà những bộ não thông minh và nặng tình yêu đất nước nên cụm lại để đưa ra những phương án, những ý kiến hay thuyết phục các cấp có trách nhiệm.

KTS Trần Thanh Vân 

>> TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo