Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc Những công trình kiến trúc giành Giải thưởng Danh dự AIA 2012 (Mỹ)

Những công trình kiến trúc giành Giải thưởng Danh dự AIA 2012 (Mỹ)

Viết email In

Hệ thống Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc sư Mỹ (AIA) nhằm ghi nhận những thành tựu trong một phạm vi hoạt động thuộc kiến trúc rộng lớn nhằm nâng cao nền tảng của lĩnh vực này, thiết lập một bộ khung hoàn chỉnh cho tất cả các kiến trúc sư có thế ứng dụng, và giúp công chúng thâu nhận được quy mô và giá trị mà kiến trúc tạo dựng. Ashui.com xin giới thiệu với bạn đọc những công trình vừa giành Giải thưởng AIA 2012.

8 House

8 House nằm tại Nam Ørestad bên một con kênh, sở hữu một góc nhìn bao quát tới vùng bình nguyên Kalvebrod Fælled tại Copenhagen. Với 475 đơn nguyên trong một tập hợp các kích cỡ và kiểu dáng, tòa nhà phù hợp với nhu cầu của con người thuộc mọi định dạng: già và trẻ; những gia đình chuẩn và người độc thân; những gia đình phát triển và thu nhỏ.

Tòa nhà hình nơ này kiến tạo hai không gian riêng biệt, ngăn chia bới điểm thắt của chiếc nơ là nơi tổ chức những chức năng cộng đồng với 492 m2. Tại tất cả mọi điểm đồng dạng, công trình được tiếp cận bởi một lối đi rộng 9 m giúp kết nối hai không gian đô thị xung quanh: khu công viên phía tây và bờ kênh phía đông. Thay vì phân tách những công năng khác nhau của tòa nhà – đối với cả khu mậu dịch và khu căn hộ – trong những khối khác nhau, chúng được dàn trải theo chiều ngang.

Các căn hộ được đặt phía trên, khi chức năng thương mại hình thành ở phần đế của công trình. Điều này dẫn đến việc những căn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành và cảnh quan, khi những không gian thương mại được bao quanh bởi cuộc sống phố xá. 8 House có hai mái phủ cỏ dốc với diện tích 1700m2, được bố trí với mục đích nhằm giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị cũng như kết nối thị giác tới những khu nông trang liền kề ở phía nam.
Hình khối của tòa nhà cho phép ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên tới tất cả đơn nguyên. Hơn nữa, nước mưa được thu gom và tận dụng qua một hệ thống quản lý nước mưa.

•    Thiết kế kiến trúc: BIG
•    Chủ sở hữu: Høpfner A/S; Danish Oil Company; St. Frederikslund
•    Địa điểm: Copenhagen, Denmark

Nhận xét của ban giám khảo:
8 House tái tạo điêu luyện tính liên kết xã hội theo bề ngang và sự tương tác giữa các khu phố của một ngôi làng liền kề qua một chuỗi những đường dốc thoải ấn tượng trong một dự án nhà ở liên hợp. Hình khối công năng tinh tế cung ứng một định dạng đầy sinh khí khi kiến tạo một hệ thống đường dốc đi bộ và triển khai những đơn nguyên ở tràn trề ánh nắng và khung cảnh.
Con người thực sự sống trong một khu vực cấp tiến với những nhà hàng, phòng tranh, văn phòng, khu mua sắm, trông trẻ, giáo dục và tiếng trẻ nô đùa. Đây là một dự án phức tạp và kiểu mẫu theo một đặc thù mới.

41 Cooper Square

41 Cooper Square, học viện Cooper Union mới tại New York, với khát vọng truyền bá tinh thần, văn hóa và danh tiếng của cả tổ chức và thành phố như khi nó được thành lập. Cơ quan vẫn trung thành với ý tưởng cực kì lạc quan của Peter Cooper là phổ cập giáo dục “tự do như gió và nước” và đã phát triển thành một trung tâm tri thức, văn hóa nổi tiếng tại New York.

41 Cooper Square nỗ lực truyền tải thông điệp của tổ chức là tạo nên một công trình biểu trưng – điều đó nói lên giá trị và khát vọng như một trung tâm giáo dục cấp tiến trong Nghệ Thuật, Kiến Trúc và Kỹ Thuật. Sâu hơn, tòa nhà được mường tượng như một phương tiện giúp thúc đẩy hợp tác và đối thoại liên nghành giữa ba trường cao đẳng, trước đây đặt trụ sở tại ba tòa nhà khác nhau.
Một khoảng thông tầng – không gian trung tâm cho việc trao đổi thông tin xã hội, tri thức và sáng kiến – định dạng phần lõi của công trình học viện mới. Một giàn lưới mắt cáo gợn sóng bao bọc cầu thang chính rộng 6 m dẫn lên bốn tầng từ sảnh tới giếng trời trung tâm đầy ánh sáng tự nhiên, bản thân cầu thang cũng vươn tới phần cao nhất của tòa nhà.

Khoảng thông tầng này là lõi quần thể của tòa nhà, cung ứng một không gian đối chất và những điểm hẹn, sinh viên tụ tập, diễn thuyết và cho những tranh luận tri thức giúp hình thành nên tinh thần học viện.

•    Thiết kế kiến trúc: Morphosis Architects
•    Chủ sở hữu: The Cooper Union
•    Địa điểm: New York City

Nhận xét của ban giám khảo:
Phần mặt tiền và việc bố trí nội thất nhận được rất nhiều sự quan tâm và điều đó nói lên cách dự án này kiến tạo nên ý niệm trường tồn cho công trình.
41 Cooper Square là một bản hùng ca khi bạn trải nghiệm nó.
Nó có một tinh thần và hào quang cực kì khó nắm bắt và vượt qua hầu hết mọi công trình.

Trung tâm Khoa học Máy tính Gates and Hillman

Trung tâm Khoa học Máy tính Gates and Hillman vừa hoàn thiện một khu nghiên cứu điện tử phức hợp trên khuôn viên phía tây của Đại Học Carnegie Mellon. Tòa nhà tập hợp bốn khoa của Trường Khoa học Máy tính bao gồm văn phòng, phòng hội thảo, không gian liên kết mở, những phòng dự án khép kín và một phòng đọc cho hơn 120 khoa, 350 sinh viên tốt nghiệp, 100 nhà nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và 50 nhân viên hành chính liên nghành cùng với một tổ hợp công cộng hơn gồm 10 phòng học đại học, một khán phòng 250 chỗ, quán café và 2 máy chủ cơ sở.

Thiết kế của Trung tâm Gates and Hillman đòi hỏi việc dàn xếp hàng loạt những hiện trạng phức tạp đang tồn tại với các điều kiện tổ chức tiên quyết. Những thách thức về địa thế bao gồm việc phá dỡ những tòa nhà đang tồn tại, một khu vực lớn đá ngầm, những đường ống cống đang tồn tại làm cản trở khu xây dựng và một không gian khuôn viên nhiều lớp cần được quan tâm.

Những điều kiện tổ chức tiên quyết gồm có nhu cầu cho một tòa nhà độc lập có thể được phân tách thành hai công trình riêng biệt, yêu cầu một sự đa dạng trong cách kết nối khuôn viên, cho cả người đi bộ và cả những đòi hỏi về dịch vụ dọc theo địa hình bao gồm hàng loạt lối đi lên độ cao 22,5 m.

•    Thiết kế kiến trúc: Mack Scogin Merrill Elam Architects
•    Chủ sở hữu: Carnegie Mellon University
•    Địa điểm: Pittsburgh

Nhận xét của ban giám khảo:
Dự án này được bố cục hoàn hảo trong khu khuôn viên và trong một địa thế hiểm trở. Công trình không chỉ phù hợp với văn hóa và khát vọng của ngôi trường mà còn thiết lập những mối liên kết khuôn viên mà đã bị hoàn toàn lãng quên trước đó. Việc phân bố và mạ kẽm lớp vỏ ngoại thất bất ngờ tạo nên vẻ duyên dáng cho toàn bộ công trình mà không gây nên sự nhàm chán.
Có lẽ đặc điểm tuyệt vời nhất của dự án là việc sắp xếp góc nhìn và những liên kết thị giác bằng việc bố trí kính nội thất trong suốt, kính chống phản quang ngoại thất cũng như cẩn trọng bố trí những tấm sàn.

Phòng thí nghiệm Kiến trúc Ghost 

Phòng thí nghiệm Kiến trúc Ghost nằm bên cửa sông LaHave trên bờ biển Nova Scotia thuộc Thái Bình Dương, nơi Samuel de Champlain là người đầu tiên đặt chân lên thế giới mới vào năm 1604. Khung cảnh nơi đây được kiến trúc sư chỉnh trang lại cách đây 25 năm, biểu lộ lịch sử bị tàn phá và 400 năm đất canh tác.

Ghost Lab là một trung tâm giáo dục kiến trúc theo truyền thống Taliesin của Frank Lloyd Wright hay Rural Studio của Samuel Mockbee. Kết cấu cố định đang hiện diện trên mảnh đất giữa những tàn tích – tháp, xưởng vẽ, cabin, chuồng trại và nhà thuyền – một phần là những sản phẩm trong chính một khóa thực tập. Chúng trở thành điểm tựa cho chương trình và một địa điểm cho những hoạt động cộng đồng.

Mỗi tổ hợp bắt đầu như một dự án hai tuần; từ thiết kế, đến làm nền, dựng khung, bao bọc. Ngọn tháp, ấn định góc phía nam của sân, và chuồng trại nằm phía ngoài hàng rào, được xây trên nền gỗ cũ. Xưởng vẽ và bốn cabin nằm trong hàng rào là những kết cấu giữ nhiệt trên nền bê tông. Mỗi cabin là một nguyên mẫu và giản dị, 65 m2, hai phòng ngủ gồm phòng phục vụ và một căn gác tiện nghi, được ốp bằng gỗ tuyết tùng từ phía tây. Dài 27 m, xưởng vẽ bọc kim loại được án ngữ bởi một bàn làm việc 12 m và một tủ đựng đồ bằng gỗ tuyết tùng dài 21,6 m. Chuồng ngựa Ghost 9 dài 21,6 m bao gồm một gian thiết bị và tàu cỏ cho ngựa, đồng thời mở ra một không gian làm việc thứ hai. Nhà kho bát giác nổi tiếng Troop, đã được chuyển đi xa 320 km và cải tạo để phù hợp hơn với ngôi nhà mới của nó, bao gồm một sảnh sinh hoạt cộng đồng ở phía trên và chuồng cừu ở phía dưới.

•    Thiết kế kiến trúc: Mackay-Lyons Sweetapple Architects Limited
•    Địa điểm: Upper Kingsburg, Nova Scotia

Nhận xét của ban giám khảo:
Dự án cho thấy không chỉ đơn thuần là một nhóm các công trình; đó là một trải nghiệm sự giáo dục theo lý tính cũng như một hành động nhằm duy trì vẻ đẹp thanh bình của khung cảnh. Như một công cụ giảng dạy, sinh viên nhận ra chính mình đã trìm đắm trong một môi trường mà họ bị thách thức kiến tạo những thiết kế chất lượng cao mà họ có thể tự thi công.
Dự án thực sự vượt xa sự tập hợp các thành phần của chúng; đó là một giải pháp tuyệt vời về vật liệu, chi tiết, cảnh quan và học tập.

LumenHAUS

Căn nhà vừa là nơi ở đồng thời là nơi trưng bày cho công chúng về những vấn đề năng lượng thay thế và sự bền vững. Nó đã được triển lãm ở Washington D.C, Times Square, Madrid, Spain, Millennium Park và tại Farnsworth House ở Plano Ill.

Đây là tòa nhà sử dụng năng lượng mặt trời dựa trên khái niệm “Kiến Trúc Thụ Cảm” (Responsive Architecture). Nó dàn xếp giữa những biến đổi khí hậu và nhu cầu của người sử dụng qua những hệ thống tự động giúp giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng khi đề xuất một kiến trúc ưu việt.
Là căn nhà độc lập điện năng ứng dụng những hệ thống thụ động và chủ động, nó sản sinh năng lượng nhiều hơn là tiêu thụ trong vòng một năm. Công trình đạt được sự cân bằng năng lượng toàn diện nhờ vào việc triển khai công nghệ kiến trúc tiên tiến là cửa chớp và màn chắn cảm biến.

Được xây dựng và vận dụng quy trình công nghiệp hóa, Hệ thống Eclipsis giảm thiểu sử dụng năng lượng, giúp tòa nhà hiệu suất hơn và nâng cao chất lượng không gian kiến trúc. Hệ Thống Eclipsis gồm hai lớp ngoại thất – cửa chớp không gỉ cắt laser và những tấm cách ly gồm aerogel và polycarbonate – đều cấu thành nên những đặc tính kỹ thuật và kiến trúc của ngôi nhà. Chất lượng ánh sáng vượt trội tràn ngập ngôi nhà từ sáng tới tối, và hệ thống tấm trượt tự động phản ứng lại những điều kiện thời tiết, đem lại một sự bảo vệ tối ưu và một trải nghiệm kiến trúc phong phú.   

•    Kiến trúc: Center for Design Research, School of Architecture + Design, Virginia Tech
•    Chủ sở hữu: School of Architecture + Design, Virginia Tech

Nhận xét của ban giám khảo:
Cách sử dụng vật liệu sáng tạo cùng tính linh hoạt của những cấu kiện giúp nhanh chóng đối phó với những biến đổi về môi trường thông qua những hệ thống tự động hóa nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
Mặt bằng và mặt cắt được phối hợp bởi ánh sáng và vật liệu nhằm nâng cao nhận thức về sự tác động môi trường.
Nội thất được thiết kế khéo léo cùng sự tiện nghi từ những không gian cô đọng, vật liệu tương thích và cách bài trí rõ ràng, phù hợp.

Biệt Thự Pittman Dowell

Tại Bắc Los Angeles thuộc rìa khu rừng Angeles National, biệt thự nằm trên khu đất 2,4 ha được Richard Neutra quy hoạch phát triển từ khi mới hình thành. Mặc dù ba mảnh đất đã được chỉnh trang, chỉ một căn nhà được xây dựng. Chủ nhân hiện tại, sở hữu căn nhà nguyên bản của Neutra, đang đầu tư một khu vườn khô tại một mảnh. Biệt thự mới nằm trên mảnh đất còn lại.

Năm mươi năm sau khi ngôi nhà đầu tiên được hoàn thiện, khung cảnh tự nhiên của khu vực đã thay đổi rõ rệt. Tương tự, nhu cầu đương thời của những nghệ sĩ cư trú đòi hỏi một mối liên hệ mới giữa cảnh quan và công trình.

Cảm hứng từ sự sắp đặt hình học của những hình khối đan cài, căn nhà là một hình hộp bảy cạnh tinh khiết được biến điệu bới hàng loạt những lát cắt chéo nhau. Giới hạn bởi một bề ngoài kín đáo, không gian sống trải ra những khung cảnh biến đổi kì ảo. Mối liên hệ thị giác và chuyển động mở rộng và phân bố cảm xúc từ bản chất ly tâm của khung cảnh và mảnh đất. Một khoảng không bất thường định hình bởi những giao điểm tạo thành một căn phòng lộ thiên chứa đầy đường chéo ẩn hiện vào không gian kế cận.

•    Thiết kế kiến trúc: Michael Maltzan Architecture, Inc.
•    Chủ sở hữu: Lari Pittman and Roy Dowell
•    Địa điểm: La Crescenta, California

Nhận xét của ban giám khảo:
Ngôi nhà giống như một dụng cụ quang học với những góc nhìn về không gian xung quanh bao gồm cả những khung cảnh ngoạn mục của thung lũng phía dưới và ngọn đồi phía trên.
Sự trình bày chi tiết cô đọng và việc phô trương bố cục không gian kiến tạo một sự diễn giải phi thường và thi vị, đẩy xa ranh giới tinh thần của một ngôi nhà thông thường. 

Tòa nhà Poetry Foundation

Poetry Foundation bao gồm một tòa nhà trò chuyện với một khu vườn được thiết kế dựa trên hình tượng một quyển sách bị xâm lấn nhằm miêu tả khuôn chữ L của mảnh đất. Mảnh vườn đan cài với công trình và được mường tượng như một “căn phòng” khác, nội dung của tòa nhà được diễn giải chầm chậm từ không gian tới không gian, không như sự trình diễn từ câu tới câu của một bài thơ.

Khách thơ bước qua một không gian xanh, một khoảng lặng trung lập giữa phố xá và tòa nhà khép kín. Khi đi qua vườn, người bộ hành đối diện với một không gian thư viện đầu tiên, làm họ nhận ra mình đang tiến vào một thế giới thi ca. Bên trong, một phòng triển lãm kết nối thư quán với không gian trình diễn, nơi công chúng lắng nghe các thi sĩ trình bày tác phẩm của họ cùng khung cảnh thiên nhiên.

Những chức năng công cộng (không gian trình diễn, phòng tranh, thư viện) được đặt ở tầng trệt, khi văn phòng nằm ở tầng hai, được tổ chức thành ba khu vực (Ban Quản lý Quỹ, Văn thư và Chương trình). Công trình được bố cục nhằm đem không gian xanh tới mọi góc nhìn.

Về mặt kiến tạo, tòa nhà được hình dung như một nhóm các lớp mà công chúng xuyên qua và dừng lại. Những lớp kẽm, kính và thủy tinh, phân tách để hình thành những không gian khác nhau của tác phẩm. Lớp kẽm oxi hóa ngoài cùng của công trình được đục tròn khi chúng vây quanh khu vườn, làm tăng sự trao đổi thị giác với khu phố nhằm thu hút sự chú ý của người đi bộ.

•    Thiết kế kiến trúc: John Ronan Architects
•    Chủ sở hữu: Poetry Foundation
•    Địa điểm: Chicago

Nhận xét của ban giám khảo:
Công trình này cho thấy sự điêu luyện và uy nghi của mình trong tính cô đọng và tinh xảo.
Từ con phố, người qua lại bị quyến rũ bởi sự kín đáo và cái sân trong khéo léo, tác phẩm bộc lộ tính thi ca rõ rệt.
Việc phân bố ánh sáng bằng khảo sát theo lớp tỉ mỉ và sự bố trí vật liệu có giới hạn trong nội thất được xử lý một cách độc đáo.

Trại tham quan Ruth Lilly

Trại Tham quan Ruth Lilly là kết quả của một khảo sát về mối liên hệ giữa công trình, địa thế và nghệ thuật, với chức năng như một cánh cổng và một điểm đến bên trong công viên 100 Acres Art & Nature tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Indianapolis.   

Mục đích nhằm kiến tạo một chuỗi những ý niệm và công trình cụ thể cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của thiên nhiên, nghệ thuật và kiến trúc thông qua việc tái tạo và suy ngẫm về “nơi chúng ta thuộc về.” Những hoài nghi nảy sinh từ trạng thái nền tảng, kết quả của một phản ứng nội tại, thấm nhuần tinh thần, xác tín và giáo điều của Bảo Tàng Nghệ Thuật, những nhà bảo trợ và công dân của Indianapolis.

Trại Tham quan là nơi chia sẻ cảm nghĩ về thiên nhiên và tạo vật được thâu nhận duy cảm từ chi tiết đến toàn thể. Khu công viên 40 ha được hình thành bởi thiên nhiên hoang dại và khát vọng biến đổi cấu trúc của mảnh đất, và là nơi mà con người cảm thấu quyền năng của những thế lực siêu nhiên kiến tạo nên thế giới của chúng ta.   

Nỗ lực hàn gắn mối bất hòa bằng việc vun trồng khu vực hoang dã cho thấy tư tưởng kết nối Thiên nhiênThành phố đã hồi sinh, sự biến đổi khó kiểm soát bù lại cảnh quan được chăm sóc. Có địa thế bị lũ lụt từ White River hoành hành, công viên chỉ cung cấp 0.4 ha cho việc xây dựng Trại Tham Quan Ruth Lily.

•    Thiết kế kiến trúc: Marlon Blackwell Architect
•    Chủ sở hữu: Indianapolis Museum of Art
•    Địa điểm: Indianapolis

Nhận xét của ban giám khảo:
Tác phẩm này hoàn toàn ăn nhập với bóng đổ của khu rừng xung quanh, sự minh bạch được nâng cao bởi hệ thống lưới chắn sáng phủ khắp công trình và những bức tường kính bao bọc mọi mặt đứng của công trình.  
Chiều cao khiêm tốn và phát triển bề ngang, công trình truyền tải sự bao bọc của cỏ cây và tính tinh tế từ vẻ thanh thoát của mình khi vươn tới và mời gọi thiên nhiên.

Khách sạn Standard, New York

Nằm tại Meatpacking District thuộc Manhattan, bên bờ sông Hudson, khách sạn thích ứng với hoàn cảnh một cách mâu thuẫn: những chân cột tạo hình, đẩy công trình tách biệt hoàn toàn với những ô phố phía dưới, nâng tòa nhà lên độ cao 17 m so với mặt đường, chấp thuận việc các khu công nghiệp mở rộng ồ ạt phía dưới và đẩy ánh sáng tự nhiên tiến sâu vào phố phường.

Tòa nhà 18 tầng đứng sứng sững trên High Line, một đường tàu 75 năm tuổi trên cao vừa được quy hoạch thành tuyến đường đi bộ công cộng. Hai khối của tòa nhà được “lắp ráp,” xoay chéo nhằm nhấn mạnh tính độc lập với những ô cờ của thành phố và sự thoát ly với vùng lân cận.

Mật độ xây dựng thấp đảm bảo tòa nhà có một vị thế nổi bật nhất vùng, và những góc nhìn không bị cản trở từ khắp mọi nơi. Sự tổng hòa hai vật liệu chính của tòa nhà là bê tông và kính, phản ánh đặc điểm của khu vực: phẩm chất cứng cỏi của bê tông đối lập với sự tao nhã của thủy tinh. Bàn cờ bê tông đem lại một cấu trúc thanh tú cho loại kính siêu trong water-white, hai vật liệu liên kết thống nhất trên diện ngoài của công trình.

Khung kính phá vỡ kiến trúc khách sạn truyền thống, thay thế sự mờ ảo bằng thấu suốt, riêng tư bằng cởi mở và thiết lập một hình thái mới.  

•    Tư vấn kiến trúc: Ennead Architects
•    Chủ sở hữu: André Balazs Properties
•    Địa điểm: New York City

Nhận xét của ban giám khảo:
Công trình khẳng định vị thế tại khu vực như là một ngọn tháp kết nối hoàn hảo với con sông và đường sắt. Tòa nhà hòa nhập với không gian xung quanh một cách khéo léo.
Có một sự rõ ràng trong việc lựa chọn và phân bố vật liệu, một ý thức kìm nén, dẫu vậy kết quả cuối cùng là một tác phẩm đầy sức mạnh thị giác.
Ý niệm về sự thấu suốt và công khai thống trị hoàn toàn quá trình thiết kế và lựa chọn chi tiết.

KTS Đoàn Anh Tuấn (biên dịch từ AIA)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo