Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc Di sản biệt thự Pháp ở Hà Nội

Di sản biệt thự Pháp ở Hà Nội

Viết email In

Du khách đến Hà Nội không thể để lỡ dịp ngắm nhìn những công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng trước năm 1954, từ những toà nhà công cộng nguy nga như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống xứ, Toà án, Nhà hát lớn, Ngân hàng Đông Dương, Bảo Tàng Louis Finot, … đến những ngôi biệt thự cổ xinh xắn núp bóng dưới những hàng cây. Di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội thật phong phú về qui mô, thể loại cũng như phong cách, mà không một thành phố nào ở Đông Nam Á có thể sánh được.


Biệt thự Tân cổ điển đế chế trên phố Trần Hưng Đạo 

Có thể nói di sản biệt thự Pháp ở Hà Nội bắt đầu hình thành từ khi người Pháp củng cố về cơ bản chính quyền đô hộ của họ trên toàn cõi Đông Dương và hoạch định kế hoạch mở rộng và xây dựng Hà Nội trở thành thủ phủ Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Những khu phố mới được mở ra với những đường phố rộng rãi có những hàng cây rủ bong mát hai bên. Các lô đất ở đây ban đầu được dành cho các quan chức của bộ máy cai trị, sau đó được bán cho những người Pháp sang Việt Nam sinh sống, rồi cả những người Việt, người Hoa giàu có, trên đó dần hình thành những ngôi biệt thự hết sức đa dạng tuỳ theo thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân.

Trước tiên phải kể tới nhóm các biệt thự phong cách Tân cổ điển đặc trưng bởi tính chất hoành tráng và vẻ kỳ vĩ với tính đăng đối nghiêm ngặt trong bố cục, sự dồi dào trong trang trí. Biệt thự Tân cổ điển rất phong phú về phương cách tạo hình, nghệ thuật trang trí và có thể chia thành ba loại chính theo các đặc trưng về hình khối kiến trúc và phong cách trang trí.

Biệt thự Tân cổ điển duy lý với bố cục hình khối tương đối đơn giản, mặt đứng hoàn toàn đối xứng. Khối giữa nhà luôn được tổ chức nhô ra phía trước, trong nhiều trường hợp còn được nhấn mạnh bởi một ban công duy nhất. Các hoạ tiết trang trí mang tính cổ điển Hy Lạp – La Mã được sử dụng tập trung ở khối giữa nhà cùng các lan can, ban công và xung quanh cửa sổ, cửa đi, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, hợp lý.

Biệt thự Tân cổ điển thuần khiết nhấn mạnh tính cân bằng và sự vững trãi trong hình khối không gian. Các hoạ tiết trang trí theo tinh thần cổ điển được trải đều trên mặt đứng, nhưng đặc biệt nhấn mạnh ở khối trung tâm với một vọng lâu hình cung tròn với những hoạ tiết hình hoa lá tạo ra một điểm nhấn thú vị và rất đặc biệt ở loại biệt thự này.


Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp trên phố Lê Hồng Phong 

Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế đặc trưng bởi hình khối kiến trúc kiểu phức hợp với nhiều khối đa diện. Vẻ hoành tráng của biệt thự loại này còn được nhân lên bởi sự giàu có về mặt trang trí và sự phong phú của các hoạ tiết. Đại diện lớn nhất của thể loại này là biệt thự Schneider trong khuôn viên trường Chu Văn An có thể so sánh với những biệt thự đẹp nhất vùng Torino, Italia nửa cuối thế kỉ 19.

Tiếp nối trào lưu Tân cổ điển là các biệt thự phong cách Địa phương Pháp với xu hướng đưa phong cách kiến trúc các vùng miền khác nhau của nước Pháp vào trong thiết kế thể hiện rõ nhất ở hình thức mái, hệ công xon (console) cùng các hoạ tiết trang trí phong phú về thể loại. Tuy mang tên chung là phong cách Địa phương Pháp nhưng kiến trúc các biệt thự loại này cũng có nhiều điểm khác biệt thể hiện nguồn gốc của chúng thuộc miền Bắc, miền Trung hay miền Nam nước Pháp.

Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp được đặc trưng bởi hệ mái đa diện có độ dốc lớn để tuyết không thể đọng trên mái. Phía trên còn được tô điểm bởi những tháp nhỏ cùng ống khói vươn cao làm tăng phần duyên dáng cho bộ mái. Thân nhà trang trí đơn giản và nhấn mạnh phương đứng với hệ thống cửa cao và hẹp, được kết thúc bởi các cuốn vòm. Hệ thống các hoạ tiết trang trí giản dị nhưng tinh tế và thường được lặp lại ở các tầng nên mang tính thống nhất cao.

Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp có hệ mái dốc vừa phải với bộ diềm và hệ công xon được trang trí cầu kỳ. Mặt tiền phi đối xứng được cấu thành bởi các yếu tố kiến trúc được bố trí theo phương đứng. Trên tường không nhiều các hoạ tiết trang trí nhưng phía trên các cửa sổ, cửa ban công thì được trang trí rất tinh xảo bằng các loại vật liệu khác nhau như gạch trần, gốm men hoặc phun vữa xi măng quét màu.


Biệt thự Art Deco tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du 

Biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp có bộ mái ngói với độ dốc khá nhỏ cùng các ống khói thấp. Hình khối kiến trúc của biệt thự loại này rất phong phú với nhiều giật cấp trên mặt đứng do sự bố trí các phòng kính và ban công ở phía trước. Hệ thống cửa mở rộng theo phương ngang cùng những hành hiên rộng kết hợp với các trụ gạch đỡ dàn hoa bê tông cũng là nét duyên dáng rất riêng của loại biệt thự này.

Tới cuối những năm 1920 thì một trào lưu hoàn toàn mới đã xâm nhập vào kiến trúc biệt thự Hà Nội, trào lưu hiện đại Art Deco. Biệt thự Art Deco thường sử dụng các khối hình vuông hoặc chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với khối hình bán nguyệt là nơi bố trí lồng cầu thang tạo thành một hình thức kiến trúc hiện đại và giản dị. Ngôn ngữ trang trí chủ đạo của biệt thự Art Deco là sử dụng các đường cong nhằm làm bớt đi vẻ thô nặng của các khối hình hộp. Vật liệu trang trí chủ yếu là thép uốn với nhiều hình thức phong phú, đôi khi những mảng phù điêu bằng thạch cao hoặc xi măng cũng được sử dụng, kính màu thì chỉ có lác đác ở vài ngôi nhà. Cấu tạo mái bằng ở đa phần biệt thự Art Deco lần đầu tiên tạo ra khái niệm sân thượng trong kiến trúc nhà ở Việt Nam. Sân thượng còn được tô điểm thêm bởi dàn cây bằng bê tong cốt thép và một phòng trà với các cửa sổ mở rộng, cho phép người ở có được những hoạt độn tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên ngay ở nhà mình, một điểm rất đáng lưu tâm trong cuộc sống đô thị.


Biệt thự phong cách Đông D­ương trên phố Lý Nam Đế 

Tới cuối những năm 1930, một số biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương, một phong cách đã hình thành từ trước đó ở các công trình công cộng. Đặc trưng của loại biệt thự này là mặt bằng không gian được thiết kế theo công năng hiện đại kiểu Châu Âu nhưng hình thức kiến trúc lại mang đậm màu sắc Á Đông. Mái nhà lợp ngói, các góc mái uốn cong lên và kết thúc bởi đầu đao theo kiểu kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Hệ cửa thường có gờ bao quanh, phía trên có ô văng dốc lợp ngói để che mưa nắng. Các hoạ tiết kiểu Á Đông được xử dụngđể trang trí các mảng tường, cửa sổ, lan can hay con sơn đỡ mái. Những biệt thự loại này đều có nét duyên dáng riêng phù hợp với khí hậu và cảnh quan địa phương.

Biệt thự phong cách Pháp – Hoa cũng xuất phát từ ý tưởng xây dựng những ngôi nhà đáp ứng được công năng hiện đại nhưng vẫn mang màu sắc kiến trúc Á Đông. Nhưng khác với phong cách Đông Dương, các tác giả của loại biệt thự này sử dụng các thức kiến trúc và yếu tố trang trí cổ điển Trung Hoa. Mái dốc lợp ngói ống, ngói tráng men màu, bốn góc uốn cong và được trang trí rất cầu kỳ, con sơn đỡ mái dạng trồng đấu nhiều lớp. Tường được sử dụng như những mảng trang trí với các yếu tố trang trí kiểu Trung Hoa cổ kết hợp các cửa vòm bán nguyệt. Một số dinh thự còn có hàng cột tròn với các tai cột ngang. Ở các biệt thự phong cách Pháp - Hoa ít thấy những giải pháp lấy ánh sáng hay thông gió tự nhiên hợp khí hậu Hà Nội.


Mái dinh thự phong cách Pháp - Hoa trên phố Hoàng Diệu 

Ngoài ra còn có các biệt thự theo xu hướng kiến trúc hỗn hợp, kết hợp giữa kiểu nhà ống Việt Nam với biệt thự kiểu Pháp tạo ra những biệt thự khối ghép đầu tiên ở Hà Nội.

Biệt thự Pháp ở Hà Nội rất phong phú về thể loại, đa dạng về ngôn ngữ kiến trúc và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong di sản kiến trúc Thủ đô. Giá trị của các công trình biệt thự Pháp không chỉ đơn thuần về mặt kiến trúc mà còn về các mặt lịch sử, văn hoá. Do vậy chúng ta cần nhanh chóng hoạch định sách lược để bảo tồn di sản quý giá này để con cháu chúng ta khỏi phải nhìn biệt thự Pháp trên tranh ảnh hay các hình vẽ 3D.

Bài và ảnh : Ths.KTS. Trần Quốc Bảo
Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội cận đại (GRAH)



>> Biệt thự Tân cổ điển ở Hà Nội thời Pháp thuộc

>> Biệt thự kiểu Art Deco ở Hà Nội 

>> Biệt thự phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội 

 

Lời bình  

 
0 # Jed 03/06/2017 11:40
bạn muốn tư vấn về xây phòng trọ Việc tiếp theo chính là lập dự toán chi
phí xây dựng nhà ở để xác định nguồn vốn tài chính mà
gia chủ mang đi đầu tư..… công ty của tôi sẽ giúp bạn xây nhà giá rẻ theo tiêu chuẩn xây
dựng nhà ở của bộ xây dựng công ty xây dựng đại nghĩa Bước
thứ 3 cũng là bước cuối cùng trong trình tự xây nhà
là thi công và hoàn công. Hầu hết việc này được giao cho
đơn vị nhà thầu hoàn tất...... Thủ Đức những lời nói xuôi tai và chắc như đinh đóng
cột nhưng sau đó là khiến bạn mất thời gian và tiền bạc do thiếu tính minh bạch và rõ ràng ngay từ lúc ký kết.,.… các công ty xây dựng lớn tại tphcm

My blog nhà
thầu xây dựng: http://www.xaydungducloc.com/2016/10/thau-xay-dung-nha.html
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo