Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Phản biện Kinh tế "khu ổ chuột"

Kinh tế "khu ổ chuột"

Viết email In

Dù muốn hay không, các khu nhà tạm bợ, thường được gọi là “khu ổ chuột”, cũng là một phần tất yếu của các đô thị mà Hà Nội hay TP.HCM không phải là ngoại lệ. Giải tỏa trắng các khu vực này là mục tiêu và biện pháp được ưa thích của nhiều chính quyền, cho đến khi thực tế mang lại một câu trả lời đầy bất ngờ chính từ tiềm năng kinh tế không nhỏ của khu vực này. 

Vạn kiểu mưu sinh 


Một góc “khu ổ chuột” tại khu phố 2, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM (Ảnh: Đình Dân)

Chỉ cách quận 1 đúng một dòng kênh, đi vào một nhánh kênh Nhiêu Lộc phía sau đường Bùi Hữu Nghĩa (khu phố 2, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM), những ngôi nhà chắp vá bằng tôn và bạt chen chúc bên dòng nước đen ngòm. Phải lách người qua những dãy xe đẩy, gánh hàng rong treo những tấm biển cactông nguệch ngoạc ghi “hủ tíu”, “bún bò”, “nước mía”… tôi mới vào được gian phòng trọ của chị Nguyễn Thị Thời. Căn phòng chừng 14m2 như một cái lều nằm sát bên mé kênh. 

Chị Thời vừa nấu ăn vừa xua lũ chuột cống to như bắp chân đang chui từ dưới kênh lên. Rời bỏ mấy sào ruộng ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đến TP.HCM đã 12 năm nay, hằng ngày chị Thời ra đường Điện Biên Phủ bán xôi cho sinh viên và dân văn phòng, chồng chị làm thợ hớt tóc ở tiệm của người anh họ. 

“Sáng tôi bán từ 6g-10g, ngày ít kiếm được 100.000 đồng, ngày nhiều được 300.000 đồng, ông xã hớt tóc một ngày được 100.000-200.000 đồng, mỗi tháng hai vợ chồng tui kiếm được 10 triệu đồng - chị Thời tính - Trừ tiền nhà 1,1 triệu, tiền nuôi hai con ăn học mỗi tháng hết 2-3 triệu… tháng nào tằn tiện thì dành dụm được 1-2 triệu đồng”. 

Khu nhà trọ nơi chị Thời đang ở có 12 phòng với khoảng 60 người đều là dân từ các tỉnh miền Trung vào. Cả khu chỉ có ba gia đình có người làm công nhân ở khu công nghiệp, còn lại đều làm nghề buôn thúng bán bưng: ông Truyền, chị Bích bán cá viên chiên, bà Trang bán bún bò, chị Nhung bán xôi… Khá giả nhất là vợ chồng bà Trần Thị Đẹp làm nghề gò đồ đồng cho tiệm sửa xe. Sống cực nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện về quê.

Trong hẻm 304 (phường 3, quận 8), năm anh em ông Lê Văn Hùng đều làm “thợ đụng”. “Thợ đụng là đụng đâu làm đấy, ai thuê gì làm nấy, miễn là không phạm pháp mà có tiền nuôi gia đình” - ông Hùng vui vẻ nói. Gắn với khu xóm nghèo này hơn 40 năm nay, ông Hùng đã qua đủ thứ nghề từ nấu chì, phụ hồ, sơn nước, xe ôm, xích lô…, vợ ông sau khi không gánh nổi gánh xôi nặng đã chuyển qua nghề giúp việc nhà. Ở khu phố 6 nơi ông Hùng trú ngụ có gần 500 hộ gia đình sinh sống. Cũng như gia đình ông Hùng, các cư dân ở đây làm đủ thứ nghề để sinh sống.

Tại khu nhà tồi tàn nằm bên khu chung cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) là hàng trăm người dân từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đến cư ngụ. Họ chỉ làm một nghề là kéo sợi dây thừng, nhận nguyên liệu từ các công ty rồi dùng máy tời và sức người kéo thành sợi dây thừng thành phẩm. Mỗi ngày một người kéo được vài trăm mét dây thừng, kiếm khoảng 200.000 đồng.

Xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh lại là nơi tập trung nhiều người dân đến từ tỉnh Bình Định làm nghề nuôi heo, cung cấp mỗi tháng hàng trăm tấn thịt heo cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Anh Huỳnh Tấn Duy, chủ một trại heo, cho biết cuộc sống của họ như những người du mục, cứ đến vùng đất trống dựng lều xây trang trại nuôi heo, khi chính quyền quy hoạch lấy đất, họ lại chuyển đến bãi đất trống khác gầy dựng lại.

Quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất là hàng trăm khu nhà xây tạm bợ, chứa cả ngàn công nhân nhập cư đổ về đây tìm việc. Có tới 70% trong tổng số 270.000 công nhân tại 14 khu chế xuất, khu công nghiệp của TP là dân nhập cư. 


Căn nhà bề ngang 1,5m, dài 10m của bà Phạm Thị Phương Thanh bên sông dưới cầu chữ Y - phường 8, quận 8, TP.HCM (Ảnh: Đình Dân) 

Nỗi lo “giải tỏa trắng” 

Bà Năm - tổ trưởng tổ 28, khu phố 2, phường 15, quận Bình Thạnh - nói: “Chúng tôi luôn sống trong cảnh sẵn sàng ra đi vì lệnh giải tỏa. Những người như chúng tôi - là dân gốc có hộ khẩu - thì còn được hỗ trợ nơi ở mới, chỉ khổ cho những người dân nhập cư, giải tỏa rồi họ đi đâu và làm gì để kiếm sống?”. Khu hẻm tồi tàn này đã có thông tin giải tỏa từ 13 năm trước (1999) nhưng nay vẫn chưa thực hiện. 

Theo bà Năm, tổ 28 có 54 hộ gia đình thì trên 20 hộ là dân nhập cư, sống bằng đủ nghề buôn thúng bán bưng. Chị Thời bán xôi cho biết đứa con nhỏ dưới 6 tuổi của chị không được hưởng bảo hiểm y tế, may là đứa lớn được học ở trường mà phường quy định. “Ở khu này, sống chung với nước kênh hôi thối và lũ chuột cống vẫn còn hơn, vì làm sao thuê nổi những căn phòng 2-3 triệu đồng/tháng. Nay mai Nhà nước có quy hoạch mới lo, bị đuổi thì tụi tôi biết về đâu, về quê thì đất đai cũng chẳng còn”. 

Khu nhà xập xệ “có tiếng” bên kênh Tàu Hủ, phường 10, quận 8 đã biến mất sau một lệnh giải tỏa trắng từ hai năm nay, cỏ mọc xanh rờn vào sâu tới 20m, nhưng nhiều dân cư cũ của khu này vẫn bám trụ quanh đó vì không thể bỏ công việc làm ăn. Năm chị em chị Trần Thị Bé Chín vẫn quanh quẩn ở đây với những chiếc xe đẩy tỏa đi bán xôi khắp các ngả đường. “Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa, chị em tôi mua nhà ở huyện Bình Chánh nhưng để ông anh ở, còn năm chị em vẫn ở lại thuê nhà trọ để đi bán xôi, về đó sao sống được” - chị Chín kể. 

Phấp phỏng với hai chữ “giải tỏa” treo trên đầu, hầu hết cư dân ở hàng loạt khu ổ chuột chúng tôi ghé tới đều lo âu về sinh kế sau khi giải tỏa. Bà Phạm Thị Út, 75 tuổi, sống trong “xóm nước đen” dưới chân cầu chữ Y (phường 8, quận 8) với hai người con và hai đứa cháu nhỏ, than thở: “Tôi sống ở đây từ nhỏ bằng nghề bán hủ tíu, hồi đó vùng này lầy lội tồi tàn gấp mười lần bây giờ. Bao nhiêu năm sống thế này, chẳng có gì lo hơn chuyện phải rời đi”. 

Ở khu phố 6, phường 3, quận 8, gần 500 hộ dân luôn trong diện giải tỏa từ sau giải phóng đến nay. Bà Bùi Thị Thanh, khu phố trưởng, nói: “Đến nay đã hàng chục năm, dân nghèo chúng tôi lo lắng không biết khi nào giải tỏa, người có của ăn của để cũng chẳng dám cơi nới sửa sang nhà cửa nên cứ tạm bợ và rách nát thế này”. 


Nơi tập kết rác đồng thời là nơi ở của hàng trăm người dân ở Hoàng Cầu, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Điệp) 

Những giấc mơ trong khu ổ chuột 

Giữa bãi rác thải, phế liệu rộng hơn 1.000m2 trên đường Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), trong căn phòng chon von gác trên những tấm xà gồ và cây chống như chuồng chim, chị Bùi Thị Tuyết vừa chuẩn bị bữa sáng cũng là bữa trưa vừa gom những mảnh gỗ nhỏ chừng nửa gang tay bỏ vào túi nilông: “Đêm qua tôi nhặt được ít gỗ vụn này trong một túi rác. Cất vào đây để hôm nào về quê thì mang về cho các cháu có cái đốt”.

Một ngày làm việc của chị Tuyết thường bắt đầu lúc 20g và kết thúc lúc 5g sáng hôm sau. Vài bao tải, một chiếc xe đạp và một chiếc que bằng sắt, chị rong ruổi khắp các tuyến phố quanh khu vực các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng nhặt rác. Để ba con (lớn học lớp 10, nhỏ học lớp 3) ở quê tự chăm nhau, hai vợ chồng chị Tuyết bám trụ tại Hà Nội chục năm nay để kiếm tiền với mong ước duy nhất: lo cho các con được học hành tử tế, sau này đỡ khổ hơn cha mẹ. Mỗi tháng, trừ tiền thuê phòng (600.000 đồng), tiền điện, nước và ăn uống, chị dành dụm được khoảng 2 triệu đồng gửi về quê cho con ăn học.

Cũng như chị Tuyết và hàng trăm người thuê trọ ở khu bãi phế liệu này, lý do duy nhất mà chị Dung sống ở đây vì “tìm khắp Hà Nội lấy đâu ra một căn phòng (dù chỉ đủ chỗ cho hai mẹ con ngủ) với giá 550.000 đồng/tháng?”. Căn phòng rộng chừng 2m2, ẩm mốc và dột nát. “Thật may - chị Dung nói - Tôi có đứa con trai ngoan, hằng ngày ngoài giờ học giúp mẹ làm việc nhà. Gần 20 năm làm nghề nhặt rác, tôi chuyển đi nhiều nơi, cũng từ rác mà cháu có cơ hội thoát khỏi cuộc sống này. Cháu nay mới học năm 3 nhưng đã tìm được chỗ làm thêm kiếm tiền giúp mẹ”.

Khu xóm trọ trên phố Tây Kết gồm gần 20 gian phòng nhỏ bé xíu được dựng trên bãi đất trống của một hộ dân, khách thuê là người mua đồng nát, thợ điện, xe ôm, bán than… Chiều muộn, chị Phạm Thị Thủy (Duy Tiên, Hà Nam) bế con gái nhỏ ra sau khu tập thể Hồ Việt Xô ngồi xem bố xếp than lên xe. Vợ chồng chị đã rời quê ra Hà Nội cả chục năm, làm đủ nghề từ phục vụ nhà hàng, dọn nhà, giờ chọn việc bán than. Căn phòng bé xíu, được giới thiệu là “tươm tất nhất xóm” rộng chừng 7m2, kê được hai chiếc phản vừa là nơi ngủ, chỗ ăn cơm, tiếp khách.

Đem theo con gái chưa đầy tuổi và con trai lớn 15 tuổi, cả gia đình chị Thủy sống trong căn phòng thưng bằng ván, lợp tôn và dán bìa cactông, nilông. “Mỗi tháng trừ chi phí ăn tiêu, thuê nhà, cho hai cháu đi học, tụi tôi để dành được 3 triệu đồng. Cơ bản là các cháu đỡ khổ. Nhiều người cũng hỏi tôi về việc bỏ nhà cao ao sâu lên Hà Nội chật chội nhưng khi học ở đây các cháu được chăm sóc tốt hơn”.

Nói về tương lai của cả gia đình, chị Thủy không ngần ngại: “Chúng tôi sống vất vả hơn, làm những công việc mà người thành phố không muốn làm, nhưng thu nhập tốt, tương lai chắc chắn tốt hơn. Con người dù ở đâu thì vẫn phải sống thật thà. Mình tử tế thì người khác sẽ tử tế lại với mình. Chỗ con trai tôi học hay con bé đang gửi trẻ đều nhờ vào những người quen mới trên thành phố”.

Những xóm trọ tại Hoàng Cầu, Định Công, Tây Kết hay Vân Đồn… đều chật chội, bẩn thỉu, thiếu ánh sáng, dịch bệnh và nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập, thiếu tất cả nhu cầu tối thiểu dành cho cuộc sống. Nhưng số lượng cư dân không bao giờ giảm, mọi cuộc giải tỏa đều chỉ khiến họ dạt từ nơi này qua nơi khác. Tất cả bám trụ lấy muôn vạn kiểu mưu sinh và không bao giờ tắt đi hi vọng về một sự đổi đời.

“Tư duy quy hoạch đô thị giậm chân tại chỗ 50 năm” 

Cách đây sáu năm, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo VN cần thay đổi cách làm quy hoạch. Cách đây 15-16 năm, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng khuyến cáo như vậy. Đến nay vẫn không có gì thay đổi trong cách chúng tôi làm quy hoạch đô thị, chúng tôi vẫn quy hoạch đúng như vậy, giống như 50 năm trở lại đây. Tôi hi vọng WB sẽ tiếp tục tư vấn để chúng tôi làm sao thay đổi văn bản quy phạm pháp quy về quy hoạch đô thị vì theo tôi, thà không có quy hoạch còn hơn có quy hoạch tồi. 

Điều mà tôi cảm thấy rất nguy hiểm đó là những ý kiến coi thường lĩnh vực phi chính quy, coi thường giá trị các “khu ổ chuột”. Họ coi rằng việc giải tỏa “khu ổ chuột” để xây dựng nhà ở theo phương thức chính quy là tương lai của đô thị VN. Nhưng theo tôi, đây là một quan điểm rất không bền vững. 

Có nhà “ổ chuột” thì có nghĩa là người nghèo có nhà để ở, còn hơn là tất cả mọi nơi đều sạch sẽ như li như lau mà người nghèo thì đứng ngoài và luôn lệ thuộc vào việc cung cấp nhà ở của các khối chính quy.

Phạm Huệ Linhgiám đốc Trung tâm quy hoạch 4, Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng 


Gom phế liệu để bán lại là nghề phổ biến của các cư dân khu ổ chuột
(Ảnh: Hoàng Điệp) 

Lý do duy nhất khiến nhà “ổ chuột” không tràn lan ở VN như nhiều nước đang phát triển khác, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), là VN có chính sách cho phép, chấp nhận hoạt động xây dựng nhà ở tự phát, chi phí thấp cộng với sự năng động của các hoạt động xây dựng, cho thuê nhà ở quy mô nhỏ. Người dân cũng được phép phân lô diện tích nhỏ, nhờ đó có điều kiện cân nhắc giữa vị trí và diện tích sử dụng (trong nhiều trường hợp, diện tích sử dụng chỉ 25m2).

Đây là một đặc điểm rất khác biệt nếu so sánh với những thành phố ở những nước thậm chí có thu nhập thành thị cao hơn (như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Brazil...).

Ngoài ra, “chính tập quán của người Việt chấp nhận việc chung sống nhiều thế hệ ở cả nông thôn và thành thị cũng góp phần cải thiện phần nào điều kiện nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp nhiều hơn so với những nước có điều kiện tương đồng” - WB đánh giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo: mặc dù những mô hình này cho đến nay đã phát huy hiệu quả nhưng tỉ lệ và quy mô đô thị hóa của các thành phố ở VN trong vòng 20 năm nữa đòi hỏi phải có một chiến lược nhà ở thu nhập thấp cụ thể để tránh sự hình thành của những “khu ổ chuột” về sau này. Tăng thu nhập đô thị cũng sẽ dẫn đến tăng cầu về diện tích sử dụng trên đầu người.

Theo WB, mô hình đã và đang áp dụng ở VN có thể được tăng cường hiệu quả bằng việc chú trọng vào đối tượng người nghèo thành thị thông qua các cơ chế bao cấp phía cầu hướng đến những phân khúc thị trường yếu nhất dựa trên đặc điểm về cầu nhà ở của từng thành phố. Do đất đai là yếu tố đầu vào thiết yếu trong cung ứng nhà ở, nên các chuyên gia cũng khuyến nghị chính sách nhà ở của VN phải có những cơ chế, hướng dẫn cụ thể để thị trường đất đai vận hành một cách hiệu quả và rộng khắp hơn.

Hương Giang (Theo World Bank

 

Tư duy lại về những khu ổ chuột

Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), thông thường ở các nước đang phát triển, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra tới 60% việc làm cho lực lượng lao động. Còn ở VN, theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra gần một nửa số việc làm ở các khu vực đô thị, hiện diện ở những xe nước mía, những gánh hàng rong, những cửa hàng sửa xe gắn máy... 

Riêng ở hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội, khu vực phi chính thức cung cấp lần lượt 32,9% và 30% việc làm. Hầu hết chủ nhân và rất đông khách hàng của những khu vực này là công dân các khu nhà ở lụp xụp ven sông, dọc đường ray xe lửa, trong các con hẻm nhỏ hay khu nhà ổ chuột. 

  • Ảnh bên: Cổng vào một xóm trọ (Ảnh: Hoàng Điệp) 

Một sự thật bất tiện

Trước hết, cần khẳng định việc cho rằng người nghèo ở nông thôn sống tốt hơn so với ở các khu nhà ổ chuột tại đô thị, nên cần can thiệp để họ ngừng việc di cư ra thành phố là một kiểu tư duy sai. Việc đánh giá cao nghề làm nông, hưởng bầu không khí trong lành và thú vui điền viên nhiều khi đã che lấp những thực tế kinh tế học đương nhiên. 

Di cư từ nông thôn ra thành thị là một xu hướng tự nhiên, không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược. Nhiều chính quyền tìm cách ngăn chặn, thay đổi hoặc ngưng tiến trình này lại, đôi khi bằng các can thiệp hành chính hết sức thô bạo. Kết cục thường là thất bại. Người ta di dân ra thành thị để cải thiện đời sống kinh tế và tìm kiếm các cơ hội mới. Với chính sách đúng đắn, đô thị hóa là rất quan trọng trong việc giảm nghèo ở nông thôn. Ngược lại, ngăn cản điều đó sẽ gây ra tổn thất vô ích cho xã hội, khi dòng lao động tự do bị chặn lại, các lực thị trường bị bóp méo và còn nhiều tổn thất gián tiếp khác không thể tính hết. 

Từ chỗ ác cảm với di dân, nhiều chính quyền đặt mục tiêu xóa sạch các khu nhà ổ chuột như một cam kết chính trị quan trọng. Trên thực tế, việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế để xóa khu ổ chuột chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ và không ngăn được việc mọc lên các khu ổ chuột khác trong thành phố. Báo cáo của Chương trình nhà ở con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) năm 2010 cho thấy số lượng người sống trong các khu ổ chuột trên thế giới sẽ tăng chứ không hề giảm trong tương lai.

Chủ yếu là di cư từ nông thôn ra thành thị, số người sống ở các khu vực xập xệ trong các thành phố đã tăng thêm 55 triệu, lên mức 827,6 triệu người vào năm 2010 so với năm 2000, ở hai nước chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc. Từ đây đến năm 2020, trung bình mỗi năm sẽ có thêm 6 triệu người chuyển đến sống ở các khu ổ chuột, theo báo cáo của UN-Habitat. 

Biện pháp giải quyết hay được những chính quyền sử dụng nhất là giải tỏa và tái định cư cho người dân ở khu này. Tuy nhiên, việc đưa những người làm nghề buôn gánh bán bưng ra khỏi môi trường sống quen thuộc của họ, ngay cả tới những khu căn hộ cao tầng hiện đại, thường là không khả thi do sự lãng phí kinh tế và xã hội quá lớn.

Một lời bào chữa nữa cho các khu ổ chuột là không phải người nghèo tạo ra những khu nhà xập xệ, chính sự thờ ơ của chính quyền là nguyên nhân chính dẫn tới việc các khu ổ chuột ngày càng phình to và trở thành lựa chọn duy nhất của người nghèo ở đô thị. Thêm vào đó, các chính sách giải tỏa thiếu thực tế đòi hỏi biến khu ổ chuột thành một khu dân cư hiện đại sau một đêm với chi phí không thể lường trước càng làm tình hình thêm tồi tệ.

Một vai trò kinh tế bị lãng quên 

Điều quan trọng đầu tiên là phải chấp nhận và thừa nhận sự tồn tại của các khu ổ chuột, cũng như vai trò của nó trong nền kinh tế, dù nó đôi khi rất chướng tai gai mắt với các chính trị gia. Cần bắt đầu với sự chia sẻ chung rằng khu ổ chuột và những người sống ở đó là một phần cơ hữu của đô thị, có mọi quyền lợi bình đẳng như các cư dân khác về mặt phúc lợi và có đóng góp lớn hơn so với nhiều người vẫn tưởng cho sự phát triển của các đô thị.

Một ví dụ nổi tiếng là khu ổ chuột lớn nhất thế giới Dharavi ở ngoại ô Mumbai, Ấn Độ. Trong diện tích 750ha chen chúc khoảng 1 triệu người với điều kiện sống tối thiểu. Nhưng cùng lúc, các hoạt động kinh tế không chính thức ở đây, nơi sinh sống của những người bán hàng rong, thợ hồ, tài xế taxi, công nhân các xưởng may, công nhân đồng nát và hàng trăm nghề nghiệp khác tạo cho nền kinh tế Ấn Độ một con số khó tin là hơn 1 tỉ USD mỗi năm.

Nhiều nhà kinh tế coi những khu ổ chuột như Dharavi, được lấy làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng Slumdog millionaire (Triệu phú ổ chuột), như một nền kinh tế song song ở Ấn Độ, bên cạnh những lĩnh vực chính thức như công nghệ phần mềm hay sản xuất thép. Các chuyên gia cũng ước tính khu vực không chính thức mới là động cơ chính cho sự tăng trưởng kinh tế hằng năm ở nước này và tạo ra tới 90% công ăn việc làm trên toàn quốc. Bất chấp các kế hoạch giải tỏa và xóa bỏ đầy tham vọng nhưng thiếu khả thi của chính quyền, Dharavi vẫn tiếp tục tồn tại và đến giờ có thể coi đó là một đặc khu kinh tế cho những người nghèo.

“Cơ hội kinh tế ở Ấn Độ, ở mức độ rất lớn, vẫn chỉ có ở đô thị - Eswar Prasad, một nhà kinh tế hàng đầu nói với báo The Economist - Vấn đề là chính quyền chưa cung cấp đủ các kênh hữu hiệu để tạo ra việc làm trong lĩnh vực chính thức, nên lĩnh vực phi chính thức trở thành khu vực sôi động nhất”. Dharavi từng là đề tài nghiên cứu của Trường kinh doanh Harvard và gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các nhà hoạch định chính sách từ Đông sang Tây.

Lựa chọn dài hạn với Dharavi, cũng như với mọi khu ổ chuột, rõ ràng không phải là xóa bỏ. Nâng cấp sẽ là một giải pháp được ưa chuộng hơn. Một quyết định hành chính dứt điểm một khu ổ chuột trên giấy tờ bao giờ cũng dễ dàng hơn quyết tâm và cam kết chính trị lâu dài, bền vững để cải thiện đời sống ở đó. Ở trung tâm sẽ là chính quyền, nhưng nhiều bên có lợi ích liên quan sẵn sàng tham gia, vì cải thiện đời sống ở các khu ổ chuột rõ ràng mang tới lợi ích cho tất cả mọi người.

Cụ thể, trong các quy hoạch đô thị phải tính đến các khu ổ chuột, huy động các bên liên quan tham gia quá trình tái thiết, có một đảm bảo về mặt pháp lý cho người dân ở đó, một yếu tố then chốt để đảm bảo sự hợp tác của người dân. Cuối cùng, bất cứ kế hoạch nào cho các khu ổ chuột của chính quyền phải được tiến hành cùng với người dân, chứ không phải cho họ, theo ý chủ quan của nhà chức trách. 

Hải Minh 


Sao Paulo: Một ví dụ thành công

Là đô thị lớn thứ bảy trên thế giới và trụ cột của nền kinh tế Brazil đang bùng nổ, Sao Paulo cũng trở thành một nghiên cứu điển hình trên quy mô toàn cầu về việc giải quyết các vấn đề đô thị, bao gồm tình trạng nghèo đói, bảo vệ môi trường và các khu nhà ổ chuột quy mô lớn. 


Khu Paraisopolis ở Sao Paulo, Brazil (Ảnh: Cities Alliance) 

Gần một phần ba dân số 11 triệu người của thành phố, một siêu đô thị với tất cả 20 triệu dân bao gồm cả vùng phụ cận, sống ở những căn nhà ổ chuột. Có tổng cộng 1.600 favela (tức khu ổ chuột) trên toàn thành phố.

Sự thay đổi nhận thức của chính quyền đã bắt đầu từ “giải tỏa trắng” với sự xuất hiện của xe ủi ở những khu ổ chuột, khi Brazil còn dưới chính thể độc tài quân sự vào những năm 1960 tới chính sách nâng cấp khôn ngoan hơn nhiều hiện nay, do việc ngăn cản dòng người lên đến hàng triệu các gia đình từ nông thôn đổ về thành phố tìm kiếm việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập là không thể.

Chính sách nâng cấp các khu ổ chuột được theo đuổi qua nhiều đời chính quyền, bắt đầu từ những năm 1980, với ba mục tiêu cơ bản, ưu tiên các mục tiêu xã hội rồi mới đến kinh tế và chính trị. Trải qua nhiều bài học cay đắng, chính quyền mới nhận ra việc nâng cấp và cải thiện đời sống cho người dân trong các khu ổ chuột thay vì xua đuổi họ không chỉ nhân văn hơn, mà còn dễ dàng và đỡ tốn chi phí hơn cho xã hội.

Năm 2001, kế hoạch nâng cấp đạt được bước đột phá khi một dự luật liên bang yêu cầu các thành phố phải có riêng khu quy hoạch “cho các mục tiêu đặc biệt” trong bản đồ quy hoạch tổng thể. Đó là nơi tổ chức các khu ổ chuột, chính thức công nhận sự tồn tại của chúng và cung cấp các dịch vụ xã hội có thể có trong khả năng của chính quyền, bao gồm thu gom rác, nước sạch, điện, trường học, bệnh viện… để từng bước cải thiện đời sống người dân ở đó.

Can đảm hơn, những nhà hoạch định quy hoạch đô thị Sao Paulo đề nghị công nhận tính hợp pháp của những khu ổ chuột, miễn là ở đó người dân có thể sống được. Các thủ tục để hợp pháp hóa tình trạng của họ cũng được đề xuất, bao gồm cung cấp đăng ký hộ tịch, sở hữu hoặc sở hữu tạm thời với khu đất mà họ đã ở từ lâu…

Chính quyền cũng hợp tác với các tổ chức quốc để đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo ở đô thị - điều kiện tiên quyết cho thành công của kế hoạch nâng cấp các khu ổ chuột. Năm 2006, chính quyền ra mắt ban thư ký nhà ở Sao Paulo với một hệ thống quản lý thông tin giúp theo dõi tình trạng của các khu ổ chuột cũng như các khu nhà xập xệ khắp thành phố, giúp ích rất nhiều cho các nỗ lực làm sạch môi trường.

“Giờ chúng tôi có thể theo dõi tình trạng thực tế các khu vực này hằng tháng nhờ hệ thống thông tin mới, một nền văn hóa đô thị khác đang ra đời” - Elisabete Franca, người đứng đầu bộ phận nhà ở thu nhập thấp ở Sao Paulo, nói trên trang mạng Citi Scope.

Một trong những niềm tự hào lớn nhất của các nhân viên đó là khu Paraisopolis (tiếng Bồ Đào Nha là “thành phố thiên đường”), khu ổ chuột lớn thứ hai ở Sao Paulo, với 60.000 dân. Hầu hết người dân ở đây muốn ở lại. Thế nên thay vì dự án di dời 50% dân đi chỗ khác, kế hoạch nâng cấp điều chỉnh chỉ khiến phải di dời 10% người dân ở những khu vực đặc biệt nguy hiểm như các sườn dốc trơn trượt hoặc cản trở các hệ thống thoát nước. 

Đình Dân - Hoàng Điệp 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo