Thành phố Đà Lạt mù sương giữa khung cảnh thiên nhiên núi, rừng, thác, suối thơ mộng. Kiến trúc không gian Pháp đan xen những nếp nhà truyền thống của cư dân bản địa. Ngành công nghiệp không khói du lịch dịch vụ phục vụ nhu cầu khách du lịch trong ngoài nước hội tụ cùng song song tồn tại với nền nông nghiệp sản xuất rau, hoa, củ, quả… Những góc nhỏ phố phường tô điểm bởi sắc màu rực rỡ các loài hoa hòa quyện trên những ngôi nhà nhỏ nhấp nhô triền đồi đối lập với mảng đô thị cơi nới mới xây lộn xộn… Mở rộng phát triển hiện đại hay giữ nguyên những bản sắc đô thị thanh bình để nghỉ dưỡng và hoài niệm…
Những thách thức của TP xinh đẹp này đang được Sở Xây dựng và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng giải quyết trong Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thách thức ứng xử với thiên nhiên
Theo tiêu chí đặt hàng “TP trong rừng”, đơn vị tư vấn trình bày quy hoạch chung TP Đà Lạt dự kiến mở rộng đến 3.300km2 sẽ ôm trọn toàn bộ vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà và các khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Rừng chiếm 69% tổng diện tích của TP. Rừng có giá trị rất cao về sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng... Rừng sẽ là văn hóa của kiến trúc đô thị mới. Vì vậy rừng và kiến trúc không thể tách rời nhau, không phải là hai vòng tròn cạnh nhau, mà một vòng tròn có hai màu hòa hợp với nhau. Có 47% diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nằm trong TP mới, nhưng nếu muốn chuyển sang mục đích khác thì phải xin Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 49/QH-12.
Thách thức tiêu chí đô thị loại I
KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt vấn đề, thử thách lớn nhất là có nên phát triển Đà Lạt theo tiêu chí hiện nay của đô thị loại I trực thuộc Trung ương hay không. Theo đó, cái lợi trước mắt sẽ là được ưu tiên nhận nguồn ngân sách của Trung ương và tài trợ hoặc vay vốn ưu đãi, được áp dụng các chính sách ưu tiên giúp phát triển TP về mọi mặt. Tuy nhiên, cái hại có thể lớn hơn nhiều do Đà Lạt phải được quy hoạch với mức dân số, mật độ xây dựng và nhà cao tầng cao gấp nhiều lần hiện nay thì quy hoạch mới có thể được duyệt.
Theo hướng đó, Đà Lạt sẽ nóng lên và ô nhiễm, mất dần các giá trị vốn có. Lãnh đạo của Bộ Xây dựng cũng đã nhìn ra bất cập của cách phân loại đô thị hiện nay, qua việc thiếu vắng một loại hình đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương dành cho đô thị như Đà Lạt và Huế, với yêu cầu cao về bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn di sản kiến trúc thay cho yêu cầu về quy mô TP và mật độ dân số.
Về con người, Đà Lạt phải có dân số cần và đủ để duy trì sự sống cho một TP lớn như thế. Chắc chắn sẽ không có kế hoạch biến hơn 400 nghìn dân hiện đang sống trong diện tích 3.300km2 thành thị dân. Kế hoạch hút cư dân ở nơi khác đến với số lượng phải vài trăm ngàn người là rất khó. Tài nguyên được coi là hấp dẫn nhất của Đà Lạt là khí hậu lạnh, cảnh quan thơ mộng. Còn tài nguyên khoáng sản để hình thành nên các KCN tập trung thì hầu như không có. Trong khi, các yếu tố hình thành nên các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục, tài chính chưa đồng bộ.
Điểm nhấn của Đà Lạt mới
TS Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước cho rằng: Vùng xã Lát ở huyện Lạc Dương, nơi cư trú của đồng bào Lạch và Chil bản địa, nên là điểm nhấn của TP mới. Nên xây dựng vùng này thành một đô thị hiện đại của phần lớn người dân tộc bản địa, mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà với khu rừng nguyên sinh ngàn năm sẽ trở thành một công viên khổng lồ của TP.
Một khu vườn thực vật sẽ được thành lập với kiểu kiến trúc đặc thù để bảo tồn các loài thực vật vốn có của vùng Đà Lạt. Một khu vườn động vật để bảo tồn các loài động vật vốn có của vùng Đà Lạt sẽ được xây dựng ở khu Hồ Tiên, có suối, có hồ, đa dạng các loại rừng... Một “đô thị đại học” sẽ được xây dựng có tầm cỡ quốc tế để đào tạo các kỹ sư và nhà khoa học về rừng, nông nghiệp, công nghệ sinh học, hạt nhân và kiến trúc.
Bài toán về nguồn vốn thực hiện quy hoạch?
Với những thách thức cho một TP rộng hơn 3 nghìn km2, cần phải có một nguồn tài chính lớn để thực hiện. Dù các chuyên gia nước ngoài chưa đưa ra một con số áng chừng khi trình bày ý tưởng nhưng khả năng vượt quá tầm của tỉnh Lâm Đồng, thậm chí là của quốc gia, trong khi kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật ban đầu rất khó thu hồi.
Hiện Sở Xây dựng Lâm Đồng đang có đề xuất cụ thể lên UBND tỉnh, trong đó có nêu các nguồn lực thực hiện quy hoạch gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa do các DN trong nước thực hiện với cơ chế ưu đãi. “Kỳ vọng nhiều là nguồn vốn đầu tư sẽ đến từ các tập đoàn kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng lớn trên thế giới”. Một chuyên gia kinh tế BĐS nhận định.
Để hướng tới chiến lược phát triển đưa Đà Lạt trở thành TP trực thuộc Trung ương, đề án quy hoạch cần tập trung giải quyết năm nhóm vấn đề liên quan quá trình quy hoạch và thực hiện dự án. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, đề án TP Đà Lạt mở rộng phải đáp ứng được các yêu cầu phát triển của một đô thị với vai trò là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, hiện đại tầm cỡ quốc tế, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, trung tâm phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Quy mô phát triển TP sẽ được phân kỳ và phân khúc theo từng giai đoạn cụ thể và nghiên cứu các nguồn lực phục vụ cho phát triển. Ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. |
Ninh Toàn
- Lo lắng về tính khả thi của Nghị quyết 02
- Dung Quất: 6 cảng biển, vẫn chật?
- "Văn hóa" đô thị - nỗi khổ không của riêng ai
- Từ định hướng “vùng kinh tế” đến chính sách cho cụm công nghiệp
- Sử dụng đất thích hợp với biến đổi khí hậu
- Kinh tế "khu ổ chuột"
- Luật Đất đai cần tính ổn định
- Cạnh tranh đô thị
- Mục tiêu dành cho Phú Quốc là “nhiệm vụ bất khả thi”
- Để dành Phú Quốc cho thế hệ tương lai quyết định