Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Phản biện Sử dụng đất thích hợp với biến đổi khí hậu

Sử dụng đất thích hợp với biến đổi khí hậu

Viết email In

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cùng các chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức trong chương trình nghiên cứu “Phát triển các siêu đô thị bền vững cho tương lai” vừa có buổi hội thảo về quy hoạch sử dụng đất thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Tăng cường mảng xanh, chống ngập và thông gió 

Theo Sở TN-MT TPHCM, trong quy hoạch sử dụng đất hiện hữu của thành phố, yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu đã được đặt ra. Buổi hội thảo nêu trên giúp làm rõ hơn, chi tiết hơn yêu cầu này. 

Cụ thể, đối với khu vực thuộc các xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, Tân Phú Trung của huyện Củ Chi, các chuyên gia cho rằng đây là khu vực bị ảnh hưởng bởi nước mưa từ các khu vực lân cận cao hơn đổ xuống, do vậy việc sử dụng đất nên tối ưu hóa cho việc giữ nước. Các hồ nhỏ và các không gian xanh được quy hoạch xung quanh các khu công nghiệp mới nên được di dời đến những vùng có cao độ 0,5m trên mực nước biển trung bình để làm tốt hơn chức năng điều tiết nước. Để giữ cho khí hậu khu vực trong lành, các chuyên gia khuyến cáo, việc đô thị hóa phải tính đến các yếu tố về khí hậu trên tinh thần đảm bảo cho không khí được lưu thông. 

  • Ảnh bên: Các chuyên gia cho rằng xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái là hợp lý (Ảnh: Kim Ngân) 

Cũng tại huyện Củ Chi nhưng với các xã Hòa Phú, Tân Thạnh Đông và Bình Mỹ, các chuyên gia cho rằng, việc TPHCM quy hoạch đất dành cho phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái là tương đối hợp lý. Tại đây, các chuyên gia chỉ có một khuyến nghị nhỏ, nên bảo vệ đất dành cho sản xuất nông nghiệp và việc xây dựng các khu du lịch sinh thái nên theo hướng mở.

Khu vực huyện Hóa Môn và quận 12, quận Gò Vấp vốn thường xuyên bị ngập lụt nặng nề do triều cường của sông Sài Gòn nên lời khuyên của các chuyên gia cho việc sử dụng đất tại khu vực này là tất cả những nơi nằm dưới mức triều cường cực đại hiện tại (khoảng 1,5m) nên được bảo vệ, để tránh phát triển thêm những vùng ngập mới. Những khu vực dọc sông Bến Cát cần được tạo điều kiện cho thoát nước tự nhiên đồng thời với chức năng làm nơi điều tiết nước cho những khu vực dân cư của quận 12. Hạn chế phát triển dân cư ở phía Đông của khu vực-nơi vốn là vùng ngập nước của sông Sài Gòn. Ngoài ra, những mảng xanh và các không gian mở dọc sông Bến Cát cũng cần được giữ gìn để tạo sự thông thoáng chung cho khu vực. 

Quận Thủ Đức có cao độ trung bình từ 1,0m đến dưới 0,5m trên mực nước biển trung bình-một vùng đất vốn thường xuyên bị ngập cả do triều cường của sông Sài Gòn, nước mưa tích tụ từ các khu vực khác cao hơn đổ về, được các chuyên gia khuyến cáo, hạn chế phát triển ở những điểm có rủi ro ngập cao. Việc xây dựng và gia cố thường xuyên hệ thống đê bao dọc sông Sài Gòn có thể mang đến các “phản ứng phụ” cho quận Thủ Đức. Đó là tăng rủi ro ngập cho những vùng đất thấp sau đê. Quận Thủ Đức còn nằm trong khu vực thông gió theo hướng Đông-Tây của thành phố, do vậy việc xây dựng mới cần được xem xét cẩn trọng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến việc thông gió của thành phố. 

Hạn chế phát triển đô thị 

Tương tự nhưng ở mức độ trầm trọng hơn quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh cũng nằm ở vùng đất thấp và phải đối mặt thường xuyên với vấn nạn ngập lụt do mưa và triều cường. Tuy nhiên, do ở mức độ trầm trọng hơn nên quận Bình Thạnh không những được khuyến nghị cần bảo vệ những vùng đất thấp mà còn được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác thoát nước, đặc biệt nên tránh phát triển đô thị quá mức. Khu vực phía Tây quận 2 và phía Đông quận 9 cũng được khuyến cáo, cân nhắc khi phát triển đô thị. Theo các chuyên gia, đa phần các diện tích đất chưa được xây dựng của hai quận nêu trên đểu nằm trong vùng đồng bằng ngập nước của sông Đồng Nai. Do vậy, nếu không tính toán cẩn trọng, các khu vực xây mới sẽ phải đối mặt với tình trạng ngập do triều. Để bảo vệ những vùng đã đô thị hóa, các chuyên gia cho rằng những vùng đệm xanh xung quanh sông Đồng Nai, cũng như vùng đệm xanh quanh các sông kênh nhỏ khác trong khu vực nên được mở rộng để tăng chức năng điều tiết nước. Đặc biệt, nên dành 50% diện tích đất cho cây xanh và không gian mở vì khu vực này nằm trong khu vực lưu chuyển không khí trong lành của thành phố. 

Khu vực huyện Cần Giờ được khuyến cáo mở rộng thêm vùng đệm xanh dọc sông Lòng Tàu và Nhà Bè. Hạn chế phát triển thêm khu dân cư nông thôn về hướng Nam, nếu xây dựng thì các công trình này phải được chống ngập bằng các giải pháp công trình. Khu vực Hiệp Phước của huyện Nhà Bè không khác huyện Cần Giờ, cũng được khuyến cáo, tăng cường mảng xanh lên mức sấp xỉ 50% diện tích đất. Các xã còn lại của huyện Nhà Bè như Phước Kiểng, Phước Lộc, Nhơn Đức, Phú Xuân, Long Thới và các xã An Phú Tây, Tân Quy Tây, Hưng Long, Phong Phú, Đa Phước, Tân Túc của huyện Bình Chánh được khuyến cáo, tất cả những xây dựng mới chỉ được thực hiện khi có chiến lược quản lý nước và chống ngập rõ ràng, toàn diện cho khu vực. Các vùng đệm xanh dọc tất cả những kênh, rạch, thậm chí cả những kênh rạch nhỏ như Phước Long, Do, Phước Kiển, Cây Khô… quan trọng cho việc thoát nước nên cần được bảo vệ và mở rộng. Hai xã còn lại của huyện Bình Chánh là Lê Minh Xuân, Tân Nhật được khuyến cáo nên giữ lại diện tích đất nông nghiệp hiện hữu để những cơn gió phía Nam thổi vào thành phố không bị chặn lại. Mọi phát triển mới cần được cân nhắc, tính toán cụ thể trên tinh thần này./. 

An Nhiên 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo