Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Quy hoạch đồng bộ bán hàng rong

Quy hoạch đồng bộ bán hàng rong

Viết email In

Chẳng biết thực hư ra sao, có một câu chuyện được kể rằng có một vị lãnh đạo cao cấp khi đến thăm một cộng đồng dân cư thấy đời sống của bà con nhếch nhác quá, ông bèn gọi các cán bộ quản lý cơ sở đến rầy la và ra một quyết định các nhà dân phải được làm cổng ra vào, trang hoàng lịch sự, phải trồng cây xanh hai bên đường, phải có nhà văn hoá, trẻ em phải có nhà trẻ… Rồi ông tất tả ra đi còn các cán bộ vò đầu bứt tai không biết phải làm sao vì dân tình ở đây là dân tứ xứ tụ lại không có cục đất chọi chim, không có nhà, hàng ngày chui ra chui vào trong mấy cái nhà tạm bằng bìa cáctông trên miếng đất nhảy dù thì làm sao mà sạch đẹp được. Câu chuyện hàm ý cái sạch, đẹp, tiêu chuẩn chỉ xuất hiện khi anh có cái chỗ an cư đã, còn khi chưa có cái thứ nhất thì hãy khoan bàn đến cái thứ hai.  

  • Ảnh bên: Chỉ riêng khu vực các quận trung tâm TP.HCM đã có 12.000 người bán hàng rong, nếu biết quy hoạch và sắp xếp lại thì đây sẽ là một nguồn lực có ích cho thành phố. (Ảnh: Trần Việt Đức) 

Ngày 5/12/2012 vừa qua, bộ Y tế ban hành thông tư số 20 “Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” gồm bốn chương 11 điều với rất nhiều quy định dành cho những người mà chính thông tư này định nghĩa: “Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự”. 

Những quy định này thực sự khoa học và chu đáo, chẳng hạn như: nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, dụng cụ chứa đựng rác thải phải đảm bảo kín, có nắp đậy; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; thực phẩm chín phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại... 

Nhưng xem kỹ lại bối cảnh thì hình như bộ Y tế ban hành thông tư này chỉ là để cho có và trấn an dư luận là bộ đã thực hiện, bởi các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đâu có chỗ nào dành cho người bán hàng đi rong và người bán hàng tạm trên vỉa hè, việc tồn tại những người bán hàng rong như hiện nay bị coi là bất hợp pháp! 

Thật ra chuyện đề ra các quy định có tính quy phạm cho người bán hàng rong không phải là mới mẻ gì, bởi các nước xung quanh đã làm từ lâu, chỉ có điều họ làm rất khác chúng ta. 

Ở khu vực trung tâm của Bangkok hiện nay thường xuyên có 26.000 người bán hàng rong. Tại Kuala Lumpur (Malaysia) là 35.000 người và Metro Manila (vùng đô thị đông dân nhất ở Philippines) là 52.000 người. Có thể còn nhiều chuyện chưa hài lòng, nhưng phải thấy các thành phố đó khác chúng ta ở chỗ trước hết họ thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của người bán hàng rong và tiến hành quy hoạch một cách khá bài bản, bởi họ coi chuyện bán hàng rong là chuyện của “phát triển” chứ không phài là chuyện “xoá bỏ”. 

Chẳng hạn năm 1971, Chính phủ Singapore bắt đầu xây dựng chương trình quốc gia nhằm mục đích xây dựng các điểm ổn định dành riêng cho những người bán hàng rong. Đến năm 1988, đã có 23.331 người bán hàng rong hoạt động trong 184 khu vực được quy hoạch, trong đó có 18.878 người đã được tham gia việc bán thực phẩm nấu chín và con số này hiện nay là gần 50.000 người. Các điểm bán dành cho người bán hàng rong được cung cấp nước sạch, gas, điện đến tận xe hay quầy bán hàng. Họ được cung cấp các thiết bị miễn phí một lần phục vụ cho việc nấu nướng và bán hàng như xe đẩy, bình gas, bàn ăn, ghế ngồi, mái che, dụng cụ cơ bản nấu nướng... Những người này được cấp giấy phép hoạt động nghề nghiệp sau khi được tập huấn về các kỹ năng như nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, giao tiếp. Những người bán hàng rong phải sinh hoạt trong các nghiệp đoàn, khám sức khoẻ định kỳ. Những điểm tập kết người bán hàng rong là một phần hấp dẫn thu hút khách du lịch, là nguồn thu ngoại tệ của ngành du lịch nước họ dồng thời là nơi quảng bá văn hoá ẩm thực địa phương, cung cấp thức ăn cho người thu nhập thấp vì giá luôn rẻ và tươi sống, mang lại nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách nhà nước và cũng là nơi giải quyết thất nghiệp tạm thời, có những lúc cao điểm đã thu hút 13.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm vào dịch vụ này. 


Nếu thông tư 30 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thì sẽ có hàng ngàn người bán hàng rong thất nghiệp.
(Ảnh: Thanh Hảo) 

Còn ở ta, cho đến nay cả Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vẫn trong tư thế chối bỏ và xoá bỏ hàng rong nên việc cấm đoán, tịch thu, đuổi bắt vẫn diễn ra hàng ngày vừa gây hình ảnh phản cảm vừa gây khó khăn cho một bộ phận người nghèo (cả người bán hàng và người mua hàng). Chỉ riêng khu vực các quận trung tâm TP.HCM đã có 12.000 người bán hàng rong, nếu biết quy hoạch và sắp xếp lại thì đây sẽ là một nguồn lực có ích cho thành phố. 

Chính trong bối cảnh như thế, thông tư 20 của bộ Y tế lại ra đời. Nó cho thấy sự tréo ngoe giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn và chính quyền các địa phương, khiến hiệu lực của các thông tư, nghị định vừa bị giảm giá trị vừa gây khó cho những người liên quan trực tiếp. 

Và có lẽ cũng đã đến lúc nên nhìn nhận lại việc quản lý những hoạt động bán hàng trên lòng, lề đường để thu về một mối quản lý và phát huy được thế mạnh của nguồn lực này, mà cách làm của nhiều nước trong khu vực là bài học cần tham khảo. Ở Singapore, quốc gia này có hẳn một đơn vị gọi là “cục quản lý bán hàng rong thuộc chính phủ” (hawkers’ department of the government of Singapore) và với sự thống nhất này, việc quản lý “nền kinh tế vỉa hè” của đảo quốc sư tử khá hiệu quả, tránh được sự chồng chéo, dẫm chân nhau. 

TS Nguyễn Minh Hòa 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo