Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Phản biện "Văn hóa" đô thị - nỗi khổ không của riêng ai

"Văn hóa" đô thị - nỗi khổ không của riêng ai

Viết email In
Hà Nội, Huế - hai kinh đô vàng son một thời của Việt Nam giờ tự nhiên cùng một chứng bệnh về văn hóa thì thật là kỳ lạ? 

Gần đây, trên các diễn đàn báo chí, nhiều tác giả đã bàn về sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội. Nhưng sự xuống cấp đó có phải của riêng Hà Nội không? 

Ôn cố và... tri tân 

"Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. 

Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". Trong mục đọc sách ở cuối tập "Nhật kí trong tù", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên định nghĩa về văn hóa như trên. 

Như vậy, có con người là có văn hóa. Và văn hóa rõ ràng là ứng xử của con người với con người, là ứng xử của con người với môi trường tự nhiên. 

Văn hóa Hà Nội tất nhiên phải bắt đầu từ khi có con người xuất hiện và sinh sống trên mảnh đất này. Đó là khi những cư dân Việt cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn di cư từ miền núi về miền đống bằng Bắc Bộ, ven sông Hồng như cái kết chia ly trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Tuy nhiên, vị thế văn hóa của Hà Nội khác hẳn với nhiều đô thị ở Việt Nam. Đó là nền văn hóa mang tính đại diện quốc gia dân tộc. Bởi mỗi nền văn minh đều phải có một thủ đô xứng tầm. 

Tuy nhiên, Hà Nội trở thành kinh đô của dân tộc Việt Nam lần đầu tiên không phải vào năm 1010 mà là khi An Dương Vương chọn Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) làm kinh đô của nước Âu Lạc và xây dựng Loa thành. Tiếp nữa, một giai đoạn khá cường thịnh của Hà Nội xưa ít được nhắc tới. 

Đó là giai đoạn Lý Bí quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi, lên ngôi trị vì, tự xưng là Nam Việt đế vào năm 544. Vị hoàng đế này đã không đóng đô ở quê nhà (Thái Bình) như các vua Hùng hay Hai Bà Trưng với tư tưởng thủ lĩnh địa phương nặng nề, mà đã chọn đất Long Biên - Hà Nội ngày nay để định đô.

Như vậy, bắt đầu từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Âu Lạc, sau lại kết hợp thêm văn hóa người Việt thời Vạn Xuân nên đến thời văn hóa Đại Việt, Hà Nội đã trở thành trung tâm của nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với biểu tượng rồng bay lên, thể hiện hào khí Đông A khá rõ nét.

Bởi vậy, với bản lĩnh văn hóa của mình, Hà Nội đã thẩm thấu trong mình nét đẹp của nền văn minh Đại Việt có từ ngàn xưa. Chính vì vậy, cư dân Hà Nội từ xưa, được mô tả là dịu dàng lịch thiệp, ăn nói nhỏ nhẹ, dáng đi đường hoàng, nhìn vào cũng biết là bậc quân tử và những tiểu thư đài các, cao sa.

Dân gian vì thế mới đúc kết rằng: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" âu cũng không phải là nói chơi!

Nhưng một điều đáng tiếc, văn hoá ứng xử của một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội hiện nay đã khiến cho du khách ngoại tỉnh và du khách quốc tế phải bận tâm, nhất là những du khách lần đầu tiên đặt chân đến chốn này. 

Chẳng hạn, ẩm thực bình dân tại Hà Nội là điều khiến cho du khách "bằng mặt" nhưng không "bằng lòng". 

Không phải thức ăn Hà Nội không ngon mà là vì nó quá đắt so với từ ngữ quảng cáo "bình dân" và túi tiền của dân tỉnh lẻ. Mặc dù vậy, du khách vẫn có thể bị "chém" như thường nếu không mở miệng hỏi giá trước.

Một chuyện tế nhị, đó là nhà vệ sinh công cộng. Nhiều trục đường lớn ở Hà Nội không có một nhà vệ sinh công cộng. Người viết đã chứng kiến quản lý một nhà vệ sinh công cộng đã đấm cửa hối thúc một du khách theo kiểu "tiểu tiện cấm đại tiện", trong khi đó "nhu cầu" của cá nhân thì làm sao có thể lựa chọn được?

Bên cạnh đó, nhiều du khách ngoại tỉnh đã phải đỏ mặt thẹn thùng khi tiếp xúc với cung cách ứng xử văn hoá công cộng của cư dân Hà Nội. Cảnh tượng các đôi tình nhân ôm hôn, vuốt ve nhau ngay trên ghế đá tại bờ Hồ Hoàn Kiếm khi nơi đây đông nghịt người đã trở nên phổ biến đến mức... khó xử.

Tự nhiên thái quá tất sẽ trở thành "vô duyên", nhất là khi nền văn hoá Hà thành đã in sâu vào tiềm thức của nguời Việt chúng ta bao thế kỷ nay. Điều đó khiến cho người viết thoáng một cảm giác lẫn lộn khó tả... 

Hà Nội "không đơn độc" 

Thậm chí, trong kỳ Festival Huế 2012, một tên đạo chích còn cả gan chôm chỉa cả điện thoại của Đại sứ Argentina khi vị khách mời này đang theo dõi các hoạt động lễ hội ở đường Lê Lợi, TP Huế. 

Hiện tượng văn hóa Hà Nội xuống cấp đã rõ mười mươi. Nguyên nhân ít nhiều đã được các nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra và báo chí đều đã lên tiếng từ lâu. Nhưng không phải một mình Thủ đô Hà Nội đơn độc bị "chứng bệnh" này. Huế, thành phố thơ mộng bên bờ sông Hương, cố đô của đất nước giờ đây cũng đã đôi phần bị xâm thực và méo mó về văn hóa. 

Chẳng hạn, qua bảy kỳ Festival, ngành du lịch - dịch vụ đã làm Huế "thay da đổi thịt". Nhưng dường như những người Huế đã vô tình lỡ tay đánh mất đi sự trầm mặc, cổ kính rất riêng của mảnh đất này.

"Đường vô xứ Huế quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Trong mắt người xưa, Huế đẹp đến mức nên thơ, trữ tình. Bị cô lập bởi đèo Hải Vân, phá Tam Giang và Kinh thành cổ kính nên con người Huế cũng sâu lắng, thâm trầm đến lạ lùng. Bởi thế, những người bạn phương xa đến Huế ai cũng mong muốn được mục kích tận mắt nét dịu dàng pha lẫn trầm tư độc đáo rất riêng của cố đô Huế.

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Giờ mảnh đất Thần kinh nhộn nhịp, sôi động một cách khác thường, kể cả vào những ngày không có lễ hội Festival. Huế hôm nay đã có "Phố đêm" thay cho phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu xưa. Có "phố nhậu" Trịnh Công Sơn bên cạnh công viên mang tên cố nhạc sĩ tài danh đang còn xây dang dở.

Có đến 300 quán karaoke (ở TP Huế là 90 quán) treo những bảng quảng cáo điện tử bắt mắt với những ánh đèn đủ sắc màu bật tắt liên tục. Có cả những quán bar, sàn nhảy... hoạt động thâu đêm suốt sáng. Con người Huế chậm rãi, không dám đi nhanh, không dám về khuya giờ đã biến đổi khác xưa đến mức đáng buồn.

Huế nay cũng không còn phố cổ, dấu tích của hồn xưa, nét Huế xưa. Gia Hội, Bao Vinh giờ đã trở thành những con phố mới với san sát những ngôi nhà hiện đại mọc lên như nấm bên cạnh rất ít những ngôi nhà cổ lẻ loi, tàn tạ. Những cô gái Huế giờ cũng chẳng Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say/Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ/Và hơi thở mềm sương khói bay ("Rất Huế", Võ Tá Hân). 

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thành phần bất hảo ngoại tỉnh đến Huế để "mần ăn" và gây án, làm xấu đi hình ảnh của xứ Huế vốn yên bình, hiếu khách của ngày xưa. Thậm chí, trong kỳ Festival Huế 2012, một tên đạo chích còn cả gan chôm chỉa cả điện thoại của Đại sứ Argentina khi vị khách mời này đang theo dõi các hoạt động lễ hội ở đường Lê Lợi, TP Huế.

Càng ngày, du lịch Huế, con người Huế càng làm du lịch theo kiểu "thương mại hóa" tối đa trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Làm sao có thể chấp nhận việc những vị khách, nhất là các ông Tây bà đầm chỉ cần bỏ 45.000 đồng là có thể lên ngôi vua và chụp ảnh trong khuôn viên nhà Hữu Vu Đại Nội?

Hay là việc du khách Việt Nam mặc áo bào của nhà vua ra cả ngoài khuôn viên Đại Nội đùa giỡn với du khách nước ngoài trong kỳ Festival 2012?

Hay chẳng hạn, khi cà phê ở Huế đã tràn lan với những cà phê cóc Trương Định, cà phê Bờ Hồ dành cho sinh viên... thì Lầu Tứ Phương Vô Sự trong Đại Nội, nơi trước đây dành để các công chúa, hoàng tử triều Nguyễn học tập lại cũng được những nhà hoạch định du lịch Huế "tập tễnh" biến thành quán cà phê kinh doanh để kiếm tiền?

Hà Nội, Huế - hai kinh đô vàng son một thời của Việt Nam giờ tự nhiên cùng một chứng bệnh về văn hóa thì thật là kỳ lạ? Phải chăng đúng như nhiều tác giả đã chỉ ra, đó là do.... cơ chế thị trường và cung cách quản lý chưa được xứng tầm, chẳng hướng tới sự phát triển bền vững, hài hoài về văn hóa và cung cách kiếm tiền? 

Nguyễn Văn Toàn 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo